Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Xuất Vụ Đông Bảo Đảm Đúng Khung Thời Vụ

Sản Xuất Vụ Đông Bảo Đảm Đúng Khung Thời Vụ
Ngày đăng: 21/10/2014

Đến thời điểm này, toàn đã hoàn thành việc gieo trồng các loại cây ưa ấm như ngô, khoai tây và một số loại rau xanh ăn lá... (khoảng 12 nghìn ha) trước ngày 5-10.

Các giống cây được đưa vào gieo trồng chủ yếu là ngô LVN4, LVN99, NK4300, NK66, NK6654, CP999, CP989, B21, B06, B9698, NH45, MB69; khoai lang Hoàng long, KL2, KL5, 143, VX- 37, các giống khoai Nhật Bản chất lượng cao; đậu tương ĐT26, ĐT84, DT2001, ĐT12, ĐVN 6, DT 2008…

Diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi như vậy nên vụ đông năm nay, bà con đã sản xuất đảm bảo đúng khung thời vụ.

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của các địa phương trong tỉnh, ngô, khoai lang và các loại rau ưa ấm như cải canh, đậu, đỗ đã lên xanh. Nhanh tay vun cỏ cho những luống ngô đã mọc cao đến 30-40cm, chị Nguyễn Thị Hương, xóm Ngòi, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Thu hoạch 2 sào lúa mùa sớm xong là tôi trồng ngô ngay. Thời tiết thuận lợi nên mới trồng được hơn 2 tuần mà ngô đã phát triển rất tốt.

Theo nhận định của ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, khác với năm trước, vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện rất thuận lợi. Nguồn cung ứng, giá giống, vật tư phân bón và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ổn định. Đặc biệt, đã có một số doanh nghiệp liên kết với người dân ở các huyện như Phú Bình, Đại Từ để tiêu thụ sản phẩm nông sản (dưa chuột, bí xanh, khoai tây) cho bà con.

Về nguồn nước, ngay từ cuối vụ mùa, các hồ chứa lớn, nhỏ trong tỉnh, nhất là hồ Núi Cốc đã tích trữ đủ lượng nước để phục vụ nhu cầu sản xuất của dân. Một thuận lợi nữa là năm nay Thái Nguyên ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ nên thuận lợi cho việc sinh trưởng, phát triển của cây màu vụ đông.

Ngoài những điều kiện thuận lợi nêu trên thì cơ chế, chính sách hỗ trợ giá giống của tỉnh cũng khuyến khuyến bà con phát triển cây trồng vụ đông.

Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 20 nghìn đồng/sào ngô lai; 300 nghìn đồng/sào khoai tây; 130 nghìn đồng/sào bí xanh, bí đỏ; 100 nghìn đồng/sào cà chua, dưa chuột, ớt, ngô rau; tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn giống, biện pháp canh tác mới; mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP.

Hiện, nông dân trong tỉnh tiếp tục trồng các loại cây ưa lạnh như khoai tây, su hào, cải bắp, súp lơ... Khoai tây trà sớm đã kết thúc vào ngày 5-10, trà chính vụ sẽ được hoàn thành trước 30-11 và trà muộn kết thúc trước 20-12. Các giống được đưa vào gieo trồng là Diamant, Hà Lan, VT2, VT3,  giống khoai chế biến (Atlantic)…

Vụ đông này, các địa phương cũng khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất hoa chất lượng cao như lily, lay ơn, hồng, cúc, đồng tiền, loa kèn, lan hồ điệp, lan vũ nữ… để phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân dịp Tết Nguyên đán 2015. Do năm nay nhuận 2 tháng 9 nên khoảng 2 tuần nữa, bà con sẽ bắt đầu tiến hành trồng các loại hoa.

Về các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, các địa phương làm tốt công tác dịch vụ phục vụ sản xuất như vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp đủ nước cho cây trồng; tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo để phát hiện sớm và phòng trừ có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại.

Bà con nông dân tranh thủ thời tiết ấm, chủ động các biện pháp chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích cây đã trồng ngay từ đầu vụ để có biện pháp xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt… góp phần sản xuất thắng lợi vụ đông 2014-2015.

Với Thái Nguyên, vụ đông là vụ sản xuất quan trọng, mang lại giá trị và thu nhập cao cho nông dân ở các địa phương trong một năm. Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng khoảng trên 16.300ha cây vụ đông, trong đó nhóm cây chủ lực là ngô (trên 6.800 ha), rau các loại (4.800ha) còn lại là lạc, đậu tương, khoai lang, khoai tây... Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích trồng các loại cây màu có thể sẽ cao hơn kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My (Phú Bình) chia sẻ: Việc mở rộng, phát triển diện tích cây trồng vụ đông là giải pháp quan trọng để tăng thu nhập cho nông dân, nhất là ở vùng đất thuần nông như chúng tôi, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để cây trồng vụ đông phát triển bền vững, các địa phương trong tỉnh nên quy hoạch vùng trồng tập trung, chuyên canh, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng; khuyến khích bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại cây trồng cho giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng vào sản xuất; liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nhau, nông dân với thương lái, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thông qua các hợp đồng nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, có lợi cho nông dân; mở rộng các hình thức dịch vụ cung ứng giống, vật tư, hoá chất bảo vệ thực vật, làm đất, gieo ươm cây giống; tăng cường tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn giống năng suất, chất lượng cao, mô hình sản xuất rau an toàn; …


Có thể bạn quan tâm

Chính sách tín dụng ưu đãi trồng rừng Chính sách tín dụng ưu đãi trồng rừng

Thời hạn cho vay từ khi trồng cho đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm.

20/10/2015
Hạn, mặn gay gắt Hạn, mặn gay gắt

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam bộ, đỉnh lũ năm 2015 trên sông Cửu Long đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

20/10/2015
Thủy lợi cho nuôi tôm Thủy lợi cho nuôi tôm

Hơn 20 năm chuyển dịch cơ cấu SX, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ phù hợp với điều kiện sinh thái, đạt hiệu quả kinh tế cao.

20/10/2015
Cách mạng dồn điền đổi thửa thành công ngoài mong đợi Cách mạng dồn điền đổi thửa thành công ngoài mong đợi

Dồn điền đổi thửa được coi là một “cuộc cách mạng” về ruộng đất, tạo nền móng quan trọng cho việc tổ chức lại SX, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi,...

20/10/2015
Yên Định phấn đấu đạt huyện NTM Yên Định phấn đấu đạt huyện NTM

Theo kế hoạch đăng ký, huyện Yên Định phấn đấu đầu năm 2016 có 21 xã đạt chuẩn và trở thành huyện đầu tiên ở xứ Thanh đạt huyện NTM.

20/10/2015