Sản Xuất Và Phát Triển Thị Trường Thanh Long Bền Vững

Nhằm đảm bảo phát triển thanh long bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng quy hoạch chung phát triển sản xuất thanh long. Định hướng phát triển thanh long tại các vùng truyền thống như Bình Thuận, Tiền Giang và Long An...
Theo Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối, diện tích trồng thanh long trên cả nước hiện nay đạt khoảng 28.700 ha, với sản lượng ước 520.000 tấn, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.
Trong đó, Bình Thuận là tỉnh sản xuất thanh long lớn nhất với diện tích hiện có ước trên 21.000 ha, tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn, chiếm hơn 71% diện tích thanh long toàn quốc. Bình Thuận cũng là địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt kết quả tích cực trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, diện tích thanh long được cấp chứng nhận VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh năm 2013 đạt trên 7.300 ha và năm 2014 phấn đấu đạt 7.500 ha. Riêng các tỉnh Tiền Giang và Long An cũng đã triển khai xây dựng được các mô hình sản xuất thanh long VietGAP, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ.
Tại hội nghị về “Sản xuất và phát triển thị trường thanh long bền vững” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Bình Thuận mới đây, nhiều ý kiến đã xác định rằng, thanh long là một trong 11 loại cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh ở nước ta.
Với một số điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng...hiện thanh long đã hình thành được vùng sản xuất tập trung, chủ lực cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, người nông dân có nhiều kinh nghiệm về canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là tại vùng thanh long Bình Thuận.
Trong thời gian qua, các địa phương sản xuất thanh long đã xây dựng quy hoạch sản xuất thanh long trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam bộ đến năm 2020.
Đáng chú ý là xác định diện tích thanh long toàn vùng đến năm 2020 đạt 24.800 ha. Tuy nhiên, hiện tại nhiều nông dân tự phát chuyển đổi sang trồng thanh long, khiến diện tích thanh long tăng nhanh. Riêng tại Bình Thuận, diện tích thanh long hiện có đã vượt hơn 30% so với quy hoạch do UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2015.
Tình trạng thiếu điện, nước tưới cho sản xuất thanh long đã và đang là khó khăn lớn nhất của địa phương. Do đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở định hướng quy hoạch chung, các địa phương cần tiếp tục rà soát quy hoạch thanh long trồng tập trung trên địa bàn, xác định cụ thể diện tích phân bổ đến xã, thị trấn.
Đồng thời, gắn sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Tăng cường quản lý chỉ đạo phát triển thanh long theo đúng quy hoạch, không phát triển tràn lan, theo phong trào. Đặc biệt, thanh long trái vụ là một trong những lợi thế của người trồng. Vì vậy, các địa phương cần có sự phối hợp, thống nhất để định hướng sản xuất thanh long rải vụ đạt hiệu quả cao.
Quan tâm đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tư xây dựng các kho lạnh bảo quản, nhà máy xử lý nhiệt và chiếu xạ để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thanh long trong thời gian tới.
Riêng với vùng thanh long Bình Thuận, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, diện tích thanh long ổn định 25.000 ha. 90% diện tích thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng đạt ổn định từ 700.000 tấn - 750.000 tấn.
Để sản xuất và phát triển thị trường thanh long bền vững, nhiệm vụ của tỉnh là tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, đẩy mạnh việc vận động, tuyên truyền và triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Ông Lê Văn Nhỏ, nông dân sản xuất giỏi ở xã Tân Phú, huyện Cai Lậy đã 4 năm gắn bó với mô hình này chia sẻ: Thời gian qua, làm chương trình công nghệ sinh thái, tôi thấy rất hiệu quả, giảm được chi phí thuốc trừ sâu do giữ được côn trùng có ích. Theo tôi, để xây dựng nông thôn mới, chúng ta nên tham gia mô hình công nghệ sinh thái cho đồng ruộng tươi đẹp…”.

Trước tình hình này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con nông dân cần giữ vườn tiêu thông thoáng, chăm sóc cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, bón phân hữu cơ ủ hoai mục và bón cân đối hàm lượng NPK, có bổ sung thêm các nguyên tố trung vi lượng, vệ sinh vườn sau thu hoạch, xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý dịch bệnh ngay từ đầu vụ.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) từ năm 2013 đến nay trên địa bàn xã đã có khoảng 100 ha/400 ha trồng quýt đường của toàn xã bị rụng trái, chết cây, nhiều hộ dân phá bỏ để trồng tiêu, nhãn…

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ rau, quả lớn thứ tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết trái cây Việt Nam mới chỉ cung ứng cho bộ phận người Châu Á, chưa xâm nhập rộng được vào thị trường này. Thêm nữa, việc đồng ý cho vải, nhãn vào thị trường Mỹ chỉ là bước đầu, còn việc hai loại trái cây này có thể vào được và tồn tại trên thị trường đầy thách thức này là cả vấn đề.

Thanh long là cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh trong 9 loại cây trồng ở nước ta mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định. Tính đến nay, Bình Thuận có trên 23.000 ha thanh long với sản lượng thu hoạch 600.000 tấn/năm. Bên cạnh việc xuất khẩu, trái thanh long Bình Thuận hiện đã có mặt hầu hết trên các thị trường trong nước, tuy nhiên sản lượng tiêu thụ chưa nhiều, còn bấp bênh, giá cả không ổn định.