Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản xuất theo phong trào, nông dân bỏ lúa trồng nhãn

Sản xuất theo phong trào, nông dân bỏ lúa trồng nhãn
Ngày đăng: 04/07/2015

Thực tế cho thấy do sản xuất nông nghiệp theo phong trào, hàng chục năm qua người nông dân vẫn cứ quen với điệp khúc “trồng rồi chặt”. Tình trạng ấy kéo dài cho đến hôm nay, với bà con nông dân ở huyện Dương Minh Châu cũng không ngoại lệ.

Thời cây nhãn trở lại

Nhiều hộ nông dân ở xóm Giữa, ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu khoe rằng: với cây nhãn khoảng 5 năm tuổi, người trồng nhãn sẽ có thu nhập gấp ba- bốn lần so với việc trồng các loại cây khác trên cùng một diện tích. Trồng cây nhãn lại không cực công như trồng lúa hay hoa màu.

Một năm chỉ nhọc công một lần lúc thu hoạch nhãn, gia đình có thể chủ động bỏ công ra làm. Còn nếu như trồng đậu phộng thì phải đi tìm thuê mướn công thu hoạch rất cực, lại phải tốn một khoản tiền lớn để thuê công lặt đậu. Trồng nhãn, vốn đầu tư cho phân bón và thuốc trừ sâu trong một năm cũng không nhiều bằng chi phí làm lúa hay hoa màu.

Ông Trịnh Văn Đêm- một nông dân trồng nhãn ngụ ở ấp Thuận An, xã Truông Mít cho biết: “Làm 1 ha lúa trong một năm chỉ cho lời khoảng 15 triệu đồng. Tính tổng hai vụ lúa, một vụ đậu vẫn không bằng một vụ nhãn cho lãi gấp ba lần. Đó là còn tuỳ theo độ tuổi của cây nhãn, càng về sau cây nhãn càng cho năng suất cao hơn.

Ví dụ như cây đậu phộng, vốn đầu tư trên 1 ha là 40 triệu đồng/vụ, trong khi 1 ha nhãn chỉ tốn vốn khoảng 20 triệu đồng/vụ. Nếu nhãn được giá từ 10.000 đồng/kg trở lên thì cây nhãn cho lợi nhuận gấp ba đến bốn lần cây đậu”.

Ông Cao Văn Vũ, một nông dân năm nay được mùa nhãn nói: “Tôi làm 9.000m2 nhãn, mới cho thu hoạch lần đầu được 18 tấn, với giá dao động từ 15.000 đồng đến 21.000 đồng/kg, tôi bán được 230 triệu đồng, lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng cây lúa và đậu”.

Anh Nguyễn Hoàng Nhân, một nông dân cũng mới chuyển đổi cây trồng từ lúa sang nhãn được 2 năm nay giải thích thêm: “Còn tuỳ theo giá bán cao hay thấp, vùng đất trồng xấu hay tốt, có thoát nước được hay không mà cây nhãn sẽ cho thu nhập khác nhau.

Tôi trồng 420 gốc nhãn/8.000m² đất lúa trước đây, năm nay thu hoạch vụ đầu được 3,5 tấn, kiếm lời được 40 triệu đồng. Trước đây bà con làm lúa, đậu và hoa màu thường xuyên mắc nợ đại lý phân bón, nhiều người phải bán ruộng. Nhà tôi từng bán 5.000m² đất ruộng để trả nợ diêm tro. Cũng nhờ chuyển sang trồng cây nhãn mà bà con ở đây có cuộc sống khấm khá hơn”.

Hiện nay, giá nhãn trái dao động từ 15.000 đồng đến 17.000 đồng/kg. Bà con nông dân cho biết với giá này, thu nhập từ cây nhãn cao gấp ba lần cây lúa và các loại hoa màu khác. Chính lợi nhuận trước mắt hấp dẫn như vậy, nên nhiều người đã đổ xô nhau trồng nhãn mà chẳng cần cân nhắc, tính toán.

Khó “quản” đất lúa

Ông Nguyễn Văn Châu, một hộ dân trồng nhãn ở ấp Thuận Bình cho biết: “Cây nhãn đã được trồng ở xã Truông Mít từ lâu rồi, nhưng trồng mạnh nhất là từ 3 năm trở lại đây. Bởi vì vùng đất ở đây rất thích hợp cho cây nhãn phát triển. Nếu có rớt giá xuống còn 7.000 đồng/kg thì bà con vẫn không phải chịu lỗ như các loại cây trồng khác. Nhãn trồng chỉ 18 đến 24 tháng là cho trái, cùng lắm nếu giá có rớt xuống nữa thì chặt bỏ trồng cây khác cũng không mất bao lâu thời gian”.

Chắc hẳn cũng bởi lý do này, nên những cánh đồng lúa và đậu trước đây giờ đã bị cây nhãn lấn chiếm. Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết, trên mặt giấy tờ thì đất sản xuất trên địa bàn xã hầu hết là đất lúa. Nhưng trên thực tế, đất lúa hiện nay ngày càng thu hẹp dần do bà con nông dân chuyển sang trồng nhãn và một phần trồng cao su.

Người dân cứ thấy cây trồng nào có lợi trước mắt là “nhảy vào” để trồng cây đó. Nhưng về mặt quản lý thì đất đó vẫn được xem là đất lúa. Chính quyền địa phương đang tính toán để quy hoạch vùng quản lý. Tức là vùng đất nào phù hợp cho trồng lúa thì khoanh vùng để chuyên canh cây lúa. Địa phương sẽ quản lý dần để bảo vệ vùng đất lúa, tránh tình trạng người dân tự ý chuyển đổi vùng chuyên canh cây lúa để trồng các loại cây khác.

Ông Nguyễn Duy Phú- Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cung cấp thông tin: những năm gần đây, diện tích cây nhãn ở xã Lộc Ninh có tăng, nhưng tăng nhiều hơn vẫn là cây cao su. Hầu hết đất trồng của hai loại cây này được người dân tự phát chuyển đổi từ đất lúa.

Trước đây, lúa chuyên hai vụ, giờ chỉ còn một vụ (khoảng 1.000 ha). Diện tích đất lúa được bảo vệ khoảng 800 ha nhưng tới vụ thực làm chỉ khoảng 400 ha đến 500 ha, còn lại là đất trồng cây cao su và nhãn. Ông Phú nói thêm: “Theo quy định, chúng tôi vẫn phải giữ lại đất lúa. Người dân hoàn toàn chủ động về loại cây trồng, chính quyền địa phương rất khó can thiệp, bởi đây là việc liên quan đến lợi ích của họ. Mới đây cao su rớt giá, cũng có một số trường hợp chặt bỏ để trồng mì”.

Được biết, tổng diện tích đất lúa trên toàn huyện Dương Minh Châu là khoảng 9.000 ha nhưng diện tích thực thụ có cây lúa chỉ khoảng 2.300 ha. Điều này chứng tỏ phần lớn các loại cây trồng khác đang “sống nhờ” trên đất lúa, trong đó có cây nhãn và cao su.

Hiện nay giá mủ cao su vẫn còn thấp nên cây nhãn đang được nông dân chọn lựa để trồng. Khách quan mà nói, giá cả sản phẩm nông nghiệp xưa nay vốn thất thường. Sẽ khó để chắc chắn rằng trong tương lai giá nhãn vẫn sẽ nằm yên ở mức cao như hiện nay. Mặt khác, nhiều người cứ trồng nhãn theo phong trào mà quên chuyện đất đai thổ nhưỡng đồng ruộng của mình có phù hợp hay không. Điều này sẽ dễ dẫn đến người trồng nhãn gặp thất bại, thua lỗ.

“Đúng là Truông Mít và Lộc Ninh là hai xã có đất đai phù hợp để trồng cây nhãn nhưng chúng tôi chưa có quy hoạch vùng chuyên canh cây nhãn, mà chỉ xem đây như một vùng định hình trồng nhãn. Quy hoạch thì dễ, nhưng có phát triển bền vững vùng quy hoạch đó hay không mới là vấn đề cần cân nhắc” - ông Hà Thanh Tùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu nói.

Qua khảo sát và ghi nhận ở xóm Giữa, ấp Thuận Bình có thể thấy: do bà con nông dân thường tự ý chuyển đổi cây trồng, nên trên thực tế có hiện tượng xung quanh trồng lúa, ở giữa trồng nhãn hoặc ngược lại- nhãn bao quanh, lúa trồng ở giữa. Nhãn là loại cây kỵ ngập nước lâu ngày.

Mặt khác, không phải loại đất nào cũng trồng thành công cây nhãn. Đã có nhiều trường hợp chạy theo thời giá trước mắt, đất ruộng lúa cũng cố lên bồn trồng nhãn, để rồi khi gặp trời mưa lớn, hoặc nước bên ruộng lúa ngấm sang không thoát kịp làm cho vườn nhãn bị hư hại.

Nhãn bao quanh lúa.

Anh Đỗ Thanh Sơn ngụ tại ấp Thuận Bình là một nông dân có kinh nghiệm trồng nhãn hơn 10 năm nay, vừa mới thu hoạch 2,5 ha nhãn 6 năm tuổi, thu lãi hơn 300 triệu đồng chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu đất lấy nước kênh được thì nên làm lúa, đất không lấy nước được thì nên trồng nhãn.

Nhãn kỵ nước nên muốn thành công phải có hệ thống tiêu nước hiệu quả, nếu bị ngập nước quá lâu cây nhãn sẽ bị suy, vàng lá dẫn đến chết dần. Còn tuỳ theo loại đất, nếu đất cát dẽ mà đem trồng nhãn thì chỉ ăn được vài mùa, sau đó bộ rễ sẽ không phát triển được nữa, dẫn đến đứng cây, cho trái toàn nhãn ốc (nhãn hạt to, ít cơm), bán không được giá”.

Bài học còn đó

Rõ ràng không phải loại đất nào cũng trồng được cây nhãn. Và bà con nông dân cần phải hết sức thận trọng khi quyết định chọn cây gì để đầu tư sản xuất. Xu hướng chung của nông dân trong thời gian qua là cứ thấy cây gì được giá là lao theo cây đó.

Tình trạng này đang đặt bà con nông dân vào thế “mạo hiểm” trong sản xuất nông nghiệp. Về phía Nhà nước, hầu như chưa có giải pháp hiệu quả nào để hỗ trợ, định hướng giúp nông dân có được những bước đi bền vững, ổn định.

Những bài học thất bại trong sản xuất nông nghiệp từ việc ồ ạt chạy theo phong trào đã từng diễn ra, nhưng có vẻ nhiều người vẫn chưa “thấm”.

Vào những năm 2007 - 2010, khi giá nhãn chỉ còn 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, nhiều nông dân đã phải bấm bụng chặt phá nhãn để trồng cao su. Những năm gần đây, khi giá mủ cao su xuống thấp thì người người lại “hè hụi” chặt bỏ cao su để trồng mì, đơn cử như ở xã Lộc Ninh.


Có thể bạn quan tâm

Thanh niên 9X thành công mô hình nuôi hàu ghép cá Thanh niên 9X thành công mô hình nuôi hàu ghép cá

Anh Đinh Văn Ngọc - thế hệ 9X phát triển thành công nuôi hàu ghép cá thương phẩm, trở thành tấm gương làm giàu cho thanh niên địa phương.

11/05/2021
Thâm canh cây ăn quả theo VietGAP, thu 300 - 700 triệu đồng/ha Thâm canh cây ăn quả theo VietGAP, thu 300 - 700 triệu đồng/ha

Nông dân tại Ninh Thuận ngày càng ý thức được vai trò của việc sản xuất cây ăn quả theo quy trình kỹ thuật bài bản.

13/05/2021
Nuôi cánh kiến đỏ, lãi gấp chục lần trồng rừng Nuôi cánh kiến đỏ, lãi gấp chục lần trồng rừng

Ở miền núi Thanh Hóa, mô hình trồng cây đậu thiều làm cây chủ để thu cánh kiến đỏ cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng rừng, nhưng dân lại chưa mặn mà.

14/05/2021
Trồng lại rong biển bằng kỹ thuật mới Trồng lại rong biển bằng kỹ thuật mới

Vùng biển Quảng Ninh có loài rong biển dược tính rất cao, nếu được nuôi trồng để cung ứng nguyên liệu cho các đơn vị chiết xuất tân dược, sẽ là hướng phát triển

21/05/2021
Thành công từ đam mê lai tạo tôm cảnh Thành công từ đam mê lai tạo tôm cảnh

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một bức tranh đa sắc màu với sự lung linh huyền ảo từ những hồ kính nuôi tôm cảnh nơi đây.

26/05/2021