Sản Xuất Thành Công Thức Ăn Công Nghiệp Cho Tôm Hùm
Ngày 21-7, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng, Trưởng bộ môn nuôi thủy sản nước mặn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, ông và các cộng sự đã sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh.
Đó là kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh (Panulirus homarus)”.
Dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 - 2015, do Trường Đại học Nha Trang chủ trì và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng làm chủ nhiệm.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng, thức ăn dự án sản xuất có hàm lượng protein chiếm 55-56%, lipid 8-9%, hệ số thức ăn (FCR) 4,5-4,6 đối với tôm hùm bông giai đoạn giống và thương phẩm; protein 52-53%, lipid 8-9%, hệ số thức ăn là 4,3-4,4 đối với tôm hùm xanh giống và thương phẩm.
Qua quá trình nuôi thử nghiệm tôm hùm bằng thức ăn công nghiệp cho thấy tôm hùm sử dụng thức ăn tốt, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, hệ số thức ăn thấp, tỷ lệ sống cao; các chỉ số đều tốt hơn so với thức ăn truyền thống (cá tạp) đang được sử dụng hiện nay. Thức ăn công nghiệp đã được các hộ nuôi tôm hùm Khánh Hòa cũng như một số tỉnh Nam Trung Bộ sử dụng và đánh giá cao.
Việc sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm của dự án sẽ mở ra triển vọng sử dụng thức ăn công nghiệp cho tôm hùm thay thế nguồn thức ăn cá tạp, từ đó, góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam.
Dự án trên kế thừa kết quả đã đạt được từ đề tài “Nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng, công thức và công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh” được thực hiện trước đó.
Có thể bạn quan tâm
Hàng loạt thông tin về sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng luôn lo lắng, muốn tìm kiếm sản phẩm sạch. Nhưng nghịch lý trên thị trường là sản phẩm VietGAP (sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) sản lượng ít, nhu cầu cao, nhưng lại khó tiêu thụ...
Chợ trâu Cán Cấu (Si Ma Cai - Lào Cai) từ lâu đã là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Có người còn gọi vui đây là “sàn giao dịch” trâu, bởi mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần (Hà Giang) tụ hội về đây. Đến thăm phiên chợ độc đáo này, chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” nhiều mẩu chuyện vui.
Năng suất thấp, giá thành sản xuất cao, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những hạn chế của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay. Nếu không khắc phục những tồn tại này, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Trong đó, dự kiến, thuế suất nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%.
Dọc quốc lộ 1 tại khu phố Lương Hòa (thị trấn Lương Sơn - Bắc Bình - Bình Thuận) dễ dàng nhận thấy đàn bò béo tròn bên ruộng cỏ voi xanh mơn mởn thay cho ruộng hoa màu kém hiệu quả trước đây. Đó là mô hình trồng cỏ nuôi bò của các hộ dân nơi đây.
Huyện Đơn Dương là nơi nghề chăn nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 8.600 con. Trên địa bàn huyện này có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa nguyên liệu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, các doanh nghiệp đồng loạt ngừng ký thêm hợp đồng thu mua sữa nguyên liệu đối với những gia đình nuôi bò sữa mới phát sinh.