Tôm Nuôi Được Mùa, Được Giá

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 2.229 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm. Nhờ thực hiện khá nghiêm túc lịch thời vụ, kiểm dịch tôm giống, nhân rộng mô hình nuôi tôm cộng đồng nên hầu hết các địa phương đã khống chế được tình trạng dịch bệnh tôm nuôi, năng suất tôm đạt khá.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: Bước vào niên vụ nuôi tôm năm nay, tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt đã gây nhiều khó khăn cho việc nuôi tôm. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng người nuôi tôm chưa thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, thiếu nguồn tôm giống có chất lượng, chưa chú trọng kiểm dịch tôm giống. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương và người nuôi tôm nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi vụ nuôi tôm.
Trong năm, toàn tỉnh có 2.229 ha mặt nước đưa vào nuôi tôm 2 vụ; trong đó, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh gần 450 ha, còn lại là nuôi xen tôm với các đối tượng thủy sản khác. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch được gần 2.000 ha, sản lượng đạt 4.546 tấn. Trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt 4.274 tấn, chiếm trên 95% tổng sản lượng, năng suất bình quân 6 tấn/ha/vụ; tôm sú đạt 271 tấn, năng suất bình quân 0,3 tấn/ha/vụ.
Bên cạnh được mùa tôm nuôi, giá tôm năm nay cũng tăng 20 - 30% so với mọi năm. Tôm thẻ chân trắng giá bình quân cả vụ từ 120 - 140 ngàn đồng/kg (loại từ 80 - 100 con/kg); tôm sú 170 - 180 ngàn đồng/kg (40 - 50 con/kg). Ông Trần Văn Nghị, nuôi tôm ở khu vực hồ Đồng, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa (Tuy Phước), cho biết: “Tôi nuôi 1 ha tôm thẻ chân trắng, năng suất đạt 7,5 tấn/ha/vụ. Với giá tôm ổn định ở mức 130 ngàn đồng/kg, tôi có thu nhập trên 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 500 triệu đồng. Vụ nuôi tôm năm nay được xem là thành công nhất trong nhiều vụ nuôi gần đây của gia đình tôi”.
Theo ông Võ Đình Tâm, khống chế thành công dịch bệnh tôm năm nay là nhờ người nuôi tôm đã tuân thủ các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ thả tôm của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tại các vùng nuôi tôm tập trung, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu nuôi tôm. Công tác khuyến ngư được tăng cường, nhiều mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường được xây dựng. Mô hình nuôi tôm cộng đồng được thực hiện có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, từ 1/1/2015 đến 15/8/2015 XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam sang Nhật Bản đạt giá trị 6,16 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Đầu tư cho khoa học công nghệ là mấu chốt giúp thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Việc “tìm chọn cây, con gì để đảm bảo thu nhập, hiệu quả trên cùng một diện tích canh tác, nuôi trồng đối với nông dân là vấn đề then chốt đặt ra trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong xóa đói giảm nghèo.
Ngày 16.9, tại xã Đông Tảo, UBND huyện Khoái Châu (Hưng Yên) tổ chức lễ công bố quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo Hưng Yên.

2 năm trở lại đây, giá bán hạt tiêu trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tăng cao, hiệu quả kinh tế từ cây hồ tiêu khá lớn, nên diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh.