Sản Xuất Nhang Sạch Từ Lá Thông
Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của cả nước và trong tổng diện tích 579.669ha rừng của tỉnh hiện nay có gần 133.000ha rừng thông tự nhiên.
Điều tra của ngành lâm nghiệp thì mỗi năm 1ha rừng thông tự nhiên đã trả lại cho đất khoảng 3,9 tấn lá và cành nhánh khô rụng và đây là những vật liệu rất dễ gây cháy rừng vào mùa khô (bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi trên dưới 5 tỷ đồng để các địa phương và các chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng, trong đó có việc xử lý lá thông bằng phương pháp đốt trước).
Để hạn chế tình trạng cháy rừng, tận thu nguồn tài nguyên và tăng thu nhập cho người bảo vệ rừng, một số cán bộ lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành nghiên cứu sử dụng lá thông khô dưới tán rừng để sản xuất nhang (hương) sạch.
Những người nghiên cứu đề tài này (gồm ông Nguyễn Văn Trọng - Chi cục Lâm nghiệp Lâm Đồng; ông Nông Văn Duy - Ts sinh học, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên; ông Nguyễn Đức Huy - Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Lâm Đồng và bà Nguyễn Thị Mỹ - Ths công nghệ sinh học, Giám đốc Công ty TNHH Quan trắc tự động và phát triển công nghệ sinh học Tiền Giang) cho biết: Họ đã đem thử nghiệm các thành phần có trong bột lá thông khô rụng tại Trung tâm Sâm và Dược liệu TP Hồ Chí Minh thuộc Viện Dược liệu cũng như tại Sở KH-CN Lâm Đồng. Kết quả đều cho thấy hàm lượng tinh dầu thông trong bột lá thông khô rụng dùng cho sản xuất hương là 4,7%.
Từ đó, loại nhang được sản xuất từ bột lá thông khô rụng sẽ có mùi thơm tự nhiên, dịu, trong sạch và “thoát tục”… nên đối kháng hoàn toàn với những loại nhang có mùi hương do được tẩm hóa chất công nghiệp đang được sản xuất, buôn bán và sử dụng hiện nay. Do khi đốt có mùi thơm tốt cho môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng nên nhang sản xuất từ bột lá thông khô rụng được coi là “nhang sạch”.
Thành phần, cấu tạo của nhang sạch gồm bột lá thông rụng được gom về, phơi khô và đưa xay nhuyễn thành bột đạt độ mịn cao để se được nhang thành phẩm; bột vỏ bời lời (bời lời đỏ hoặc xanh) được trộn đều vào bột lá thông với tỷ lệ 10%; tăm nhang làm bằng tre nứa hoặc lồ ô.
Theo tính toán của những người nghiên cứu đề tài này thì chi phí để sản xuất 1kg nhang sạch bao gồm cả chi phí lao động và điện năng vào khoảng 23.500 đồng, trong khi giá bán nhang tại thị trường hiện nay là 50.000 đồng/kg thành phẩm; lợi nhuận sản xuất nhang sạch được xác nhận vào khoảng 26.500 đồng/kg.
Nếu 1 cơ sở mỗi tháng sản xuất bình quân 10 tấn nhang phải sử dụng 6.250 kg bột lá thông (tương đương 6.950kg lá thông khô) sẽ có doanh thu 265 triệu đồng, trừ mọi chi phí như nhân công (18 người với mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng; 10% chi phí khấu hao máy móc thiết bị) sẽ có lợi nhuận khoảng 117 triệu đồng/tháng.
Mỗi ngày thu gom được 100 kg lá thông rụng dưới tán rừng để sản xuất nhang người bảo vệ rừng đã có thêm thu nhập 100.000 đồng (1.000 đồng/kg) (tương ứng 2 triệu đồng/tháng - 20 ngày/tháng) ngoài tiền công nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Cùng với lợi ích kinh tế, sản xuất nhang sạch bằng bột lá thông khô rụng dưới tán rừng sẽ góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường; hạn chế tình trạng cháy rừng, tiết kiệm một phần không nhỏ kinh phí phòng chống cháy rừng cho ngân sách nhà nước.
Hiện tại việc sản xuất nhang sạch từ bột lá thông rụng dưới tán rừng đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích cho ngành lâm nghiệp Lâm Đồng.
Và đây là một giải pháp phòng chống cháy rừng thông rất mới mà từ trước tới nay chưa có tổ chức hoặc cá nhân nào có ý tưởng này. Giải pháp này có rất nhiều khả năng áp dụng theo quy mô công nghiệp để cung cấp sản phẩm nhang sạch cho thị trường cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm này đang bước vào mùa thu hoạch rộ măng tre Mạnh Tông. Giá bán dao động từ 5.000 – 7.000đ/kg (còn nguyên vỏ).
Nhằm kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu, hàng năm Cục Thú y đã xây dựng kế hoạch kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam.
Không chỉ là một trưởng làng trẻ, có uy tín, anh Đoàn Văn Dặm, dân tộc Bana ở làng Đăk Đưm, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh còn là điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Sáng 18.9, Hội đồng khoa học và công nghệ huyện Phù Mỹ tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình “Sản xuất muối sạch bằng phương pháp lót bạt tại thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát”.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Phòng Kinh doanh thuộc Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR - nhà máy đặt tại thôn Hữu Lộc, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ)