Tiềm ẩn rủi ro từ việc tăng đột biến diện tích hồ tiêu
Diện tích hồ tiêu “về đích” trước quy hoạch nhiều năm là do thời gian qua, giá hồ tiêu luôn ở mức cao, nông dân đổ xô thay thế các loại cây khác bằng hồ tiêu.
Dù tiêu được coi là cây “vàng,” nhưng việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất giá vẫn hiện hữu.
Hơn 10 năm qua, gia đình bà Hà Thị Lan (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã gắn bó với cây chôm chôm.
Nhờ năng suất, giá ổn định nên mỗi năm bà Lan về khoảng 60 triệu đồng từ 3.000m2 chôm chôm. Tháng 8/2015, bà Lan quyết định chặt bỏ toàn bộ diện tích chôm chôm đang thu hoạch để chuyển sang trồng tiêu.
Ở ấp Thọ Lộc này nhà nhà đều trồng tiêu, với lợi nhuận mỗi năm trên 1 tỷ đồng/ha.
Viễn cảnh về một cuộc sống khá giả khi trồng tiêu giúp bà Lan không thấy tiếc khi phá toàn bộ loại cây đang nuôi sống gia đình mình.
Để trồng 3.000m2 hồ tiêu, bà Lan phải bỏ ra gần 20 triệu đồng mua giống, phân bón...
Cây tiêu sau hơn 3 năm mới cho thu hoạch, từ nay đến lúc đó gia đình bà còn phải bỏ công chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu...
mỗi năm phải chi hàng chục triệu đồng.
Ngày hưởng quả ngọt còn rất xa và chính bàn Lan cũng hoài nghi về tương lai. Bà Lan nói: "Nếu giá cứ giữ như hiện nay, khoảng 200.000 đồng/kg, cây tiêu nhà tôi phát triển tốt thì năm 2019 cho thu hoạch, lúc đó lợi nhuận từ cây tiêu mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng.
Đó là nhẩm tính theo chiều tích cực, chứ tôi rất lo tiêu bị chết vì dịch bệnh, giá sẽ giảm.”
Bắt đầu trồng tiêu từ năm 2009, đến nay ông Trần Văn Cảnh (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã có 2ha tiêu đang cho thu hoạch.
Đầu năm 2015, ông Cảnh trồng thêm 4.000m2 hồ tiêu, ngoài ra, ông còn tận dụng những khoảng trống trong vườn của gia đình để đặt nọc tiêu. Ông Cảnh chia sẻ: “Đất sản xuất của nhà tôi nay đã trồng tiêu hết, ở trong vườn chỗ nào thừa đất là tôi đào hố trồng tiêu, thêm được cây nào hay cây đó, với tôi mỗi cây tiêu là một cây vàng.
Năm 2014, lợi nhuận từ 2ha hồ tiêu của gia đình đạt trên 2 tỷ đồng.”
Chạy theo lợi nhuận, nhiều diện tích cây công nghiệp lâu năm cho thu nhập ổn định ở Đồng Nai như điều, cao su đã bị chặt bỏ hàng loạt để nhường chỗ cho cây hồ tiêu.
Tại huyện Xuân Lộc, từ đầu năm 2015 đến nay diện tích hồ tiêu đã tăng thêm trên 300ha, huyện Cẩm Mỹ tăng thêm 400ha .
Ở các huyện như Thống Nhất, Trảng Bom, thị xã Long Khánh, từ năm 2012 đến nay, diện tích trồng hồ tiêu cũng tăng đột biến.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết hết tháng 10/2015, toàn huyện Xuân Lộc có trên 2.800ha hồ tiêu.
Với giá cao như hiện nay, nhiều khả năng thời gian tới diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, người dân cần hiểu rằng, tiêu là loại cây thích nghi với khí hậu nhiệt đới, có sinh lý nhạy cảm.
Ở những vị trí như đất cao, đất có độ nghiêng lớn, đất quá thấp, đất lòng chảo, đất sét là không phù hợp để trồng tiêu. Thời gian qua, ở Đồng Nai đã xảy ra hiện tượng tiêu chết do dịch bệnh, do trồng trên địa hình, địa lý không phù hợp, thiếu nước tưới.
Vấn đề giá cả cũng không chắc chắn là sẽ ổn định trong những năm tiếp theo. Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu ở Đồng Nai đã tăng vượt quy hoạch đến năm 2020.
Hiện, toàn tỉnh có 13.380ha hồ tiêu, riêng từ đầu năm 2015 đến nay, Đồng Nai có thêm 1.260ha tiêu.
Những địa phương có nhiều diện tích tiêu trong tỉnh là Cẩm Mỹ (gần 3.800ha), Xuân Lộc (hơn 2.800ha), Long Khánh (gần 900ha).
Tháng 10/2015, đoàn công tác của Thái Lan đã đến Đồng Nai để trao đổi, học tập kinh nghiệm trồng hồ tiêu, song theo đánh giá của nước bạn, việc trồng tiêu ở Đồng Nai đang cho năng suất thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu, tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiêu nhằm tránh tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến rớt giá;
Khuyến cáo nông dân thận trọng khi mở rộng diện tích hồ tiêu, chỉ thực hiện trồng tiêu trên những vùng đất phù hợp; khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiêu sạch và an toàn nhằm phát triển bền vững và nâng cao giá trị..
Có thể bạn quan tâm
Năm nay là năm thứ 4 nông dân ở các xã vùng ngập mặn, ven biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh tiếp tục thu được lợi nhuận cao từ mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cua biển. Với diện tích bình quân 1 ha nuôi tôm sú kết hợp với cua biển, nông dân có thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng.
Theo khung lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản 2015 của Sở NN & PTNT, hiện nay là vụ nuôi chính thứ 2 của năm. Tuy nhiên, tại các vùng nuôi trọng điểm người dân do lo ngại dịch bệnh trên tôm tái phát nên chỉ thả nuôi cầm chừng, nhiều nơi vẫn còn “treo” ao.
Đánh giá từ cơ quan chức năng thì nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là rủi ro về dịch bệnh. Những rủi ro này một phần nguyên nhân do nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chưa chủ động được về nguồn giống, từ số lượng đến chất lượng giống. Trước thực trạng đó, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm, nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất giống hiện có trên địa bàn tỉnh là giải pháp cho việc giải bài toán về con giống cho nghề nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Ngày 24/7/2015, tại hội trường UBND xã Ngũ Lạc - huyện Duyên Hải, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh kết hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học về kỹ thuật sản xuất lươn giống và nuôi lươn thương phẩm cho gần 50 bà con nông dân ở hai huyện, Duyên Hải và Cầu Ngang. Tham gia buổi hội thảo có ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh, Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Duyên Hải.
Cách đây 10 năm, nhận thấy heo rừng dễ nuôi, nguồn thức ăn cho chúng chủ yếu từ thiên nhiên, cựu chiến binh Chung Văn Tuấn, ngụ xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chọn nuôi và ông đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi này.