Sản Xuất Cá Tra Phát Triển Khá Tốt Người Nuôi Có Lãi

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, Vĩnh Long, thời gian này cá tra phát triển khá tốt, các cơ sở nuôi đang tiếp tục thả giống. Giá thu mua cá tra nguyên liệu trong tháng tăng nhẹ, dao động từ 24.500-25.500 đồng/kg, người nuôi có lãi.
Thông tin này vừa được cho biết tại cuộc họp giao ban của Tổng cục Thủy sản vừa diễn ra chiều nay (28/4), tại Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Đình Luân, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cũng cho biết, trong ba tháng đầu của năm nay, giá thu mua cá tra nguyên liệu chỉ dao động từ 21.500-24.000 đồng/kg, giá thành sản xuất dao động từ 23.000-23.500 đồng/kg, do đó người nuôi hòa vốn hoặc vẫn còn lỗ khoảng 500 đồng/kg.
Trong tháng này do giá thu mua tăng nhẹ nên người nuôi bắt đầu có lãi từ 1.500-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, số cơ sở hưởng lợi rất ít vì nhiều hộ mất một thời gian dài cho cá ăn cầm chừng nên hiện cá chưa đủ kích cỡ thương phẩm để bán.
Đặc biệt, diện tích và sản lượng cá tra một số tỉnh tăng do tình hình sản xuất cá tra khá hơn. Tỉnh Tiền Giang đã thả nuôi 104 ha, tăng 18%; sản lượng đạt 10.900 tấn, tăng 17%. Bến Tre có diện tích thả nuôi đạt 608 ha, tăng 10,5%, sản lượng đạt 40.000 tấn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Cần Thơ diện tích có 602 ha giảm 16,4%, nhưng sản lượng lại tăng, với 23.200 tấn và tăng 5,74% so với cùng kỳ.
Theo đó, tính chung cả nước diện tích nuôi cá tra trong tháng Tư đạt 393 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 78.823 tấn. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, diện tích nuôi là 2.314 ha, bằng 93,5% so với cùng kỳ, sản lượng thu 222.350 tấn, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Để vực dậy sức tăng trưởng của ngành cá da trơn tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết, hiện Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán với phía Hoa Kỳ về chương trình giám sát cá da trơn của Việt Nam tại thị trường này. Dự kiến đến cuối năm nay, phía Hoa Kỳ sẽ có trả lời chính thức cho vấn đề đàm phán này.
Song song với đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu các đơn vị cơ sở tiếp tục kiểm tra và giám sát tình hình chuẩn bị điều kiện nuôi và thả giống tại địa phương theo quy định đã ban hành đồng thời triển khai nhiệm vụ kiểm soát vật tư đầu vào, đặc biệt là con giống. Mặt khác, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến, phát sinh của các đối tượng nuôi để tham mưu, chỉ đạo và xử lý kịp thời.
Thông tin từ Tổng cục Thủy sản cho biết, tổng sản lượng thủy sản cả nước trong bốn tháng qua ước đạt 1.609.000 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, sản lượng khai thác đạt 920.000 tấn, tăng 5,3%; sản lượng nuôi trồng 689.000 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều loài trái cây có thể xếp vào hàng đặc sản như: nhãn xuồng, mãng cầu ta, quýt đường, bưởi da xanh, thanh long… nhưng do thiếu vùng chuyên canh, chưa có hệ thống tiêu thụ hoàn chỉnh và quảng bá thương hiệu kém nên sức cạnh tranh trên thị trường rất yếu ớt.

Năm 2013, về cơ bản đã kiểm soát được dịch cúm gia cầm; vaccine cúm gia cầm hỗ trợ của Nhà nước chỉ sử dụng khoảng 2 triệu liều, còn tồn 38 triệu liều và đang làm thủ tục chuyển sang năm 2014.

Hồng giòn là một trong rất ít đặc sản chính của Đà Lạt được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, tìm mua như một món quà không thể thiếu khi đặt chân tới miền đất này. Thế nhưng, loại đặc sản ấy ngày nay vẫn phải chịu cảnh “đứng đường”.

Ông Nguyễn Tiến Bảy, thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai (Gia Bình - Bắc Ninh) mới đưa chim trĩ đỏ vào chăn nuôi. Qua thời gian thử nghiệm đã cho hiệu quả, mở hướng phát triển kinh tế cho gia đình ông và nhiều người dân trong vùng.

Trồng cây màu xen canh trong giai đoạn cây thanh long chờ ngày thu trái là phép toán lấy ngắn nuôi dài đạt hiệu quả cao của nông dân Bình Thuận.