Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Gì Để Giải Cứu Cá Tra?

Làm Gì Để Giải Cứu Cá Tra?
Ngày đăng: 06/08/2013

Thời gian qua, các ngành chức năng đã bàn thảo nhiều giải pháp vực dậy ngành công nghiệp cá tra. Song hiện tại doanh nghiệp và hàng loạt hộ nuôi vẫn gặp khó, bởi giá cá dưới chi phí giá thành, thị trường xuất khẩu biến động…

Tìm hướng đi mới cho cá tra - sản phẩm thế mạnh của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế đang là vấn đề cấp bách đặt ra. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cả nước hiện nay.

* Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng cá tra là sản vật mà thiên nhiên ban tặng vùng ĐBSCL, đồng thời là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam trên thế giới. Thế nhưng thực tế giá xuất khẩu thấp khiến người nuôi và doanh nghiệp thua lỗ. Theo ông, vì sao cá tra cứ mãi lận đận?

* Ông LÊ MINH HOAN: Có thể nói, cá tra là mặt hàng chủ lực của Đồng Tháp cũng như nhiều tỉnh khác ở vùng ĐBSCL. Thời gian qua, cá tra gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân. Có nhiều nguyên nhân đẩy ngành công nghiệp cá tra vào thế khó, như ảnh hưởng suy giảm kinh tế làm sức mua giảm, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người nuôi chưa chặt chẽ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo mô hình cũ không còn phù hợp, sự cạnh tranh không lành mạnh - bán phá giá, phát triển vượt tầm kiểm soát của ngành chức năng.

Một số nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn đã tác động đến sức tiêu thụ làm giá cá sụt giảm…

Trước những khó khăn trên, không chỉ các địa phương ở ĐBSCL mà trung ương cũng trăn trở và nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ. Từ tháng 6-2013 đến nay, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp về sản xuất và tiêu thụ nông - thủy sản cho vùng ĐBSCL. Những hạn chế, yếu kém trong sản xuất, xuất khẩu cá tra đã được nhìn nhận. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất theo phương thức mới.

* Tái cơ cấu ngành công nghiệp cá tra theo hướng nâng cao chất lượng, tăng chuỗi giá trị, đồng thời siết chặt quản lý? Việc cạnh tranh tự phát là vấn đề cấp bách. Vậy ta cần làm gì, như thế nào?

* Theo tôi, trước mắt cần giải quyết những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong nhiều năm qua. UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi Bộ NN-PTNT góp ý nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra, đề nghị chỉ cho phép doanh nhân xuất khẩu cá tra khi có nhà máy chế biến nhằm loại bỏ những doanh nghiệp thiếu uy tín, phá giá, gây rối làm mất uy tín cá tra Việt Nam.

Bởi hiện nay số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra cao gấp nhiều lần doanh nghiệp có nhà máy, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Cần siết chặt việc quy hoạch vùng nuôi và kiểm soát tốt sản lượng cá của toàn vùng nhằm điều tiết nhu cầu tiêu thụ một cách hợp lý.

Mô hình nuôi cá tự phát theo kiểu cũ cần phải xóa dần để tiến tới mô hình nuôi mới có gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Tùy theo điều kiện của từng địa phương mà xây dựng mô hình liên kết phù hợp nhất để có hiệu quả và đảm bảo được quyền lợi của các bên tham gia, cùng thúc đẩy nghề cá phát triển.

Trong bối cảnh thị trường luôn biến động, người sản xuất cần trả lời được câu hỏi “nuôi con gì? bán cho ai? bán như thế nào?” và doanh nghiệp cũng giải quyết được bài toán “mua nguyên liệu ở đâu? mua của ai? mua như thế nào?”. Thời gian trước do thiếu liên kết nên người nuôi cứ nuôi đại trà, còn doanh nghiệp tranh nhau xây nhà máy.

Từ đó, dẫn đến lúc thừa cá nguyên liệu thì giá rớt, khó bán; lúc thiếu cá giá tăng, người nuôi luôn chịu thiệt. Mô hình liên kết sẽ khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, thiếu đồng bộ, tạo ra vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng và tăng được chuỗi giá trị.

* Ai cũng thấy mô hình liên kết là nhu cầu phát triển tất yếu, đồng thời là hướng đi bền vững cho ngành công nghiệp cá tra. Song, thực tế việc liên kết hiện nay còn rất ì ạch?

* Đúng là các ngành chức năng đã bàn nhiều về mô hình liên kết nhưng kết quả nhân rộng chưa như mong muốn. Nhìn sang mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã chứng minh hiệu quả khi giảm được chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân… Song việc mở rộng cũng còn trở ngại.

Điều này cho thấy sản xuất theo mô hình liên kết không thể đạt được qua 1 hoặc 2 vụ, mà phải mất nhiều năm, trải qua nhiều bước đi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để từng bước nâng dần chất lượng các hình thức kinh tế hợp tác. Đây là giai đoạn chuyển đổi phương thức sản xuất, từ mô hình kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác. Bài toán liên kết sản xuất - tiêu thụ là giai đoạn đầu để hướng đến quan hệ sản xuất mới.

Để phát triển mô hình liên kết, chúng ta không thể hô hào hoặc ngồi chờ doanh nghiệp và người nuôi tự làm, mà cả hệ thống chính trị cũng phải tham gia. Trách nhiệm tổ chức lại sản xuất, vực dậy nghề cá là nhiệm vụ của chính quyền (nơi có nghề nuôi cá tra) và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Chính quyền phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người nuôi để hai bên gặp nhau, thông hiểu nhau và đi đến thống nhất. Một khi chính quyền năng động, bám sát thực tế, tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và người nuôi, phong trào liên kết sản xuất sẽ tiến triển tích cực.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đề xuất ngành chức năng nên sớm nghiên cứu đưa ra giá “sàn” cho cá tra. Theo đó, quy định giá xuất khẩu cá tra phi lê phải từ 3 USD/kg trở lên và doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu phải từ 25.000 đồng/kg trở lên (giá sàn có thể thay đổi theo từng thời điểm cụ thể).

Doanh nghiệp nào không thực hiện đúng theo giá sàn sẽ xem xét không cho tham gia xuất khẩu. Chỉ cần kiểm soát chặt theo giá sàn, chắc chắn giá xuất khẩu cá tra sẽ được nâng lên, bởi sản phẩm cá tra của Việt Nam vẫn “một mình, một chợ” trên thế giới. Khi giá xuất tăng sẽ kéo giá cá nguyên liệu lên theo, sẽ lôi kéo nhiều hộ nuôi cá quay lại với nghề.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam… chỉ đạo các doanh nghiệp hội viên tăng cường hợp tác trong thu mua và xuất khẩu nông - thủy sản; đẩy mạnh liên kết với nông dân về đặt hàng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát cơ cấu phù hợp như khoanh nợ, cho vay mới… đối với người nuôi cá tra.


Có thể bạn quan tâm

Nâng Cao Chất Lượng Tôm Giống Nâng Cao Chất Lượng Tôm Giống

Đề án nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau do Sở NN&PTNT triển khai thực hiện đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá đáp ứng nhu cầu của người nuôi tôm trong tỉnh.

20/07/2013
Triển Khai Dự Án Nuôi Cá Và Tôm Càng Xanh Trên Ruộng Lúa Triển Khai Dự Án Nuôi Cá Và Tôm Càng Xanh Trên Ruộng Lúa

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang vừa triển khai dự án nuôi cá và tôm càng xanh trên ruộng lúa cho 5 hộ dân ở xã Trường Long Tây, Trường Long A và thị trấn Bảy Ngàn. Trong đó, có 2 hộ nuôi tôm càng xanh và 3 hộ nuôi cá ruộng với tổng kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng.

20/07/2013
Cần Đánh Giá Lại Việc Sản Xuất Lúa 3 Vụ Cần Đánh Giá Lại Việc Sản Xuất Lúa 3 Vụ

“Thực hiện trồng lúa 3 vụ góp phần tăng sản lượng lúa hàng năm lên 16 tấn/ha, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người nông dân. Tuy nhiên, trồng lúa 3 vụ/năm là kiểu canh tác còn “trẻ” đối với nước ta và cả thế giới. Hiện nay, còn quá ít những bài học đánh giá tác động của việc sản xuất này đến môi trường, kinh tế - xã hội...

20/07/2013
Cá Tra Rớt Giá, Người Nuôi Lao Đao Cá Tra Rớt Giá, Người Nuôi Lao Đao

Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang đứng trước hàng loạt khó khăn. Nỗi lo “treo ao” bám riết họ từng ngày bởi giá cá ở thời điểm này đang rớt xuống đáy.

22/07/2013
Sản Xuất Giống Và Nuôi Thương Phẩm Ốc Nhảy Sản Xuất Giống Và Nuôi Thương Phẩm Ốc Nhảy

Mới đây, Sở KH&CN Quảng Ninh đã tổ chức thẩm định nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy (strombus canarium) ở Quảng Ninh” do Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh thực hiện.

22/07/2013