Sản xuất cà phê theo hướng hiệu quả, bền vững
Do hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây, bà con nông dân đã chuyển đổi nhiều diện tích cây ngắn ngày sang trồng cà phê. Đến hết năm 2014, diện tích cà phê toàn tỉnh Sơn La có 11.296 ha, tăng gần 3.650 ha so với năm 2011, trong đó 8.026 ha đã cho sản phẩm.
Cà phê Sơn La là giống cà phê Arabica (cà phê chè), là loại cà phê có chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng. Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp thì sản lượng cà phê chè trong cả nước hiện nay chỉ đạt khoảng 5 - 10% tổng sản lượng cà phê, nên hằng năm không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống khuyến nông, bà con nông dân đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; vụ cà phê năm 2014, năng suất bình quân cà phê nhân đạt 15 tạ/ha, sản lượng 12.100 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, năng suất cà phê của tỉnh còn thấp hơn nhiều so với bình quân của cả nước, nguyên nhân do mức đầu tư còn hạn chế, trình độ canh tác chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và nhiều diện tích trồng ở độ dốc cao, tình trạng rét đậm, sương muối...
Ngoài ra, tình hình sâu bệnh cũng đang có những diễn biến bất lợi cho sản xuất cà phê, ngoài các bệnh sâu đục thân, rệp, ve sầu, thì một số địa phương xuất hiện loại bệnh mới gọi là chùn ngọn cà phê, hiện nay chưa có biện pháp phòng trừ triệt để, đây là nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cà phê của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc thu mua, chế biến sản phẩm cà phê tuy được mở rộng với nhiều thành phần cùng tham gia; nhưng chưa có doanh nghiệp đủ năng lực đứng ra bao tiêu sản phẩm, chế biến, cũng như hỗ trợ kỹ thuật về giống, vật tư, phân bón, chăm sóc, thu hoạch cà phê cho nông dân, sản phẩm cà phê của Sơn La chủ yếu xuất thô.
Mặc dù là cây trồng chủ lực, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nông dân; nhưng việc sản xuất cà phê vẫn không tránh khỏi tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Đặc biệt, chất lượng cà phê Sơn La thuộc diện tốt nhất nước, nhưng đến nay tỉnh ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm cà phê Sơn La.
Mới đây, tại Hội thảo xây dựng thương hiệu cho cà phê Sơn La do sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, với sự tham gia của một số đơn vị tư vấn và doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh, cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê Sơn La.
Tuy nhiên, muốn xây dựng được thương hiệu thì phải bảo đảm chất lượng cà phê bền vững. Trong khi đó, tỉnh ta chưa có cơ quan quản lý về giống cà phê, chưa có đơn vị cung ứng giống, việc trồng cà phê đều do nông dân tự phát, mật độ cây không bảo đảm; chăm sóc, bón phân, tỉa cành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; thu hoạch, chế biến còn manh mún, gây khó khăn cho công tác quản lý về chất lượng và không bảo đảm về môi trường.
Định hướng đến năm 2020, diện tích cà phê của tỉnh sẽ ổn định 12.600 ha, tập trung ở các huyện Thuận Châu, Thành phố, Mai Sơn và Sốp Cộp, sản lượng cà phê nhân đạt 24.000 tấn/năm. Nhằm từng bước khắc phục những bất cập trên và bảo đảm về chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh ta đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cà phê theo hướng bền vững.
Trong đó, đã thực hiện thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel tại Chiềng Ban (Mai Sơn), Phổng Lái (Thuận Châu) và Chiềng Cọ (Thành phố). Đồng thời, triển khai cơ cấu lại tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp đủ năng lực bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ nông dân trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống và các kỹ thuật canh tác; xây dựng và phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết, giúp nhau cùng sản xuất.
Đẩy mạnh công tác tập huấn khuyến nông và các dịch vụ tư vấn, nâng cao cao trình độ canh tác, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở hai bên cùng có lợi thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu; khuyến khích nông dân thực hiện các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, có như vậy mới bảo đảm được chất lượng cà phê một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí mua hạt giống cây trồng để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu vụ Xuân Hè, vụ Hè Thu, vụ Thu Đông năm 2014 và vụ Đông Xuân 2014-2015 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện nhiều mô hình, dự án, áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa nông sản, trong đó có cây quýt thành sản phẩm hàng hóa.
Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP là hết sức cần thiết cho nông nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các sản phẩm này gia nhập vào thị trường rộng lớn của thế giới.
Cá hồi hay còn gọi là cá Hồi Vân có nguồn gốc từ vùng biển Thái Bình Dương, khu vực Bắc Mỹ, được thuần hóa và đưa vào nuôi ở các nước châu Âu từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Artemia là loại thức ăn tự nhiên rất cần thiết trong sản xuất giống tôm, cá. Hiên nay nhu cầu trứng bào xác Artemia để cung cấp cho các trại tôm cá trong cả nước khoảng 10 tấn/năm nhưng sản lượng Artemia trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu trong nước.