Bộ trưởng Cao Đức Phát bà con nông dân chỉ nên trồng cây mắc-ca đã khảo nghiệm
Làm thế nào để nông sản Việt chinh phục thành công được thị trường xuất khẩu, để giá nông sản không còn bấp bênh? Các giải pháp để không còn điệp khúc được mùa mất giá hay nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu ở khu vực phía Bắc? Các vấn đề này càng đáng quan tâm hơn khi 5 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản đang sụt giảm khá mạnh.
Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ trả lời để người dân được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm gì để giải quyết những vấn đề nóng này.
PV: Thưa Bộ trưởng, một số hộ nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long có phản ánh năng suất lúa khá cao nhưng từ đầu tháng 4 đến nay giá lúa giảm mạnh. Không chỉ gạo mà mấy tháng nay một loạt mặt hàng nông sản khác như dưa hấu ở Quảng Nghãi, Thanh Long ở Bình Thuận, hành Tây ở Đà Lạt, hành tím ở Sóc Trăng cũng rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” khó tiêu thụ. Thực tế thì vấn đề này không hề mới nhưng đang tiếp tục đẩy nông dân vào tình trạng khó khăn. Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có giải pháp gì cho thực trạng này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tình trạng đang diễn ra có liên quan đến hai nhóm vấn đề, thứ nhất là có tính chất tình huống ngắn hạn, thứ hai là có bộc lộ sự tồn tại của Ngành nông nghiệp, liên quan đến khả năng cạnh tranh và tổ chức sản xuất. Vì thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp giải quyết các vấn đề có tính chất tình huống trước mắt và các biện pháp có tính chất bền vững hơn trong lâu dài.
Trước mắt là trong xuất khẩu thì Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp làm việc với phía bạn Trung Quốc để tăng năng lực thông quan, đối với hành tím của Sóc Trăng tôi đã sang Indonesia gặp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương Indonesia để nêu vấn đề và tiếp tục bằng các kênh khác tác động với phía bạn, và tìm các thị trường khác để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục triển khai các biện pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó có điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất theo sát yêu cầu thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông sản của nước ta, tổ chức lại sản xuất liên kết sản xuất gắn chặt chẽ hơn với tiêu thụ ở các thị trường trong nước và quốc tế.
PV: Thưa Bộ trưởng, năm ngoái xuất khẩu nông sản của chúng ta đạt mức kỉ lục là 31 tỷ đô la Mỹ, trong khi năm nay đã gần nửa năm rồi nhưng xuất khẩu nông sản mới chỉ đạt hơn 11 tỷ đô la Mỹ, tức là mới được bằng 1/3 năm ngoái. Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang và sẽ làm gì để hỗ trợ nông nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong tình hình đó, chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc với từng loại sản phẩm và trên từng thị trường cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ 2 trong nước cũng hướng dẫn và hỗ trợ nông dân tập trung vào đẩy mạnh sản xuất mặt hàng có thị trường thuận lợi, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh trạnh của các sản phẩm nông sản chủ lực của nước ta.
Ví dụ như đối với lúa gạo chúng tôi chủ trương không tăng số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng và hạ giá thành, tôi đề nghị các địa phương hướng dẫn và hỗ trợ nông dân trồng những giống lúa bán được giá cao, mặt khác đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với các địa phương năm nay tập trung hỗ trợ nông dân tiết kiệm giống. Như ở khu vực đồng bằng Sông Hồng chỉ cần 30-50 kg giống/ha lúa trong khi đó ở miền Trung và đồng bằng Sông Cửu Long có nơi sử dụng 100 kg giống.
PV: Một nông dân trồng vải ở Bắc Giang gửi thư về chuyên mục cho biết chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến vụ chính của quả vải. Gia đình tôi và hàng trăm hộ đã phải tuân thủ các điều kiện trồng ngặt nghèo để được nằm trong diện 1000 tấn vải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ và Úc. Đến thời điểm này, chúng tôi đang băn khoăn vì sản lượng của chúng tôi đến cả nghìn tấn nhưng số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đến làm việc chỉ có 3 - 4 doanh nghiệp. Nếu thiếu doanh nghiệp như vậy thì liệu quả vải của chúng tôi có thực hiện được giấc mơ đến Mỹ, Úc hay sẽ lại chịu cảnh ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh như nhiều năm trước?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thị trường này đòi hỏi yêu cầu rất cao đồng thời chi phí bảo quản, vận tải cũng cao, chính vì vậy giai đoạn đầu cũng còn một số khó khăn nhất định và cần thời gian để doanh nghiệp tiếp cận tìm hiểu để đưa sang thị trường này. Trong điều kiện cụ thể của năm nay sản lượng vải cả nước dự kiến 220.000 tấn vì vậy vấn đề chính vẫn là tập trung tạo thuận lợi để các thương nhân vào các thị trường truyền thống, đồng thời tiếp tục làm theo cách trong năm 2014 và khai thác cao hơn khả năng của thị trường trong nước.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để khơi thông về mặt thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho các loại rau quả của nước ta bán được sang các thị trường nước ngoài nhiều hơn. Thứ hai chúng tôi cũng làm việc trực tiếp với các nước để thống nhất các thủ tục có liên quan đến kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng và liên tục làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để lắng nghe các ý kiến về những khó khăn vướng mắc và giải quyết cho các doanh nghiệp.
PV: Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam như tại Mỹ, Úc và Nhật Bản?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đây là những thị trường có nhu cầu cao, và có yêu cầu lớn đối với sản phẩm có chất lượng và giá trị cao. Tuy nhiên để xuất khẩu vào thị trường này nhiều hơn thì các doanh nghiệp của nước ta phải tuân thủ các yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng hàng hóa. Vì vậy chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn với các nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.
PV: Một nông dân ở Tây Nguyên rất quan tâm đến hạt Macca, vốn là một nông sản dù mới được giới thiệu ở Việt Nam nhưng cũng đã có những quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên đưa nông sản này vào trồng rộng rãi. Xin được hỏi quan điểm chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo nghiệm cây mắc-ca từ năm 1994 và sau 20 năm theo dõi chúng tôi có thể khẳng định nước ta có thể trồng cây mắc-ca ở nhiều vùng, đặc biệt là ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy nhiên, việc phát triển cây mắc-ca phải tuân thủ các quy trình rất chặt chẽ về mặt kỹ thuật, đặc biệt là về giống.
Chúng tôi đã khảo nghiệm và công nhận khoảng 10 giống và khuyến cáo bà con nông dân chỉ trồng cây mắc-ca đã khảo nghiệm và khẳng định trồng có hiệu quả cao hoặc có điều kiện tương tự. Thứ hai là theo quy trình hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và sử dụng cây ghép bằng những giống mà Bộ đã khảo nghiệm và công nhận, mặt khác cũng có câu hỏi nước ta nên dùng diện tích là bao nhiêu, sau khi cân nhắc các mặt về điều kiện tự nhiên khả năng chuẩn bị giống, thị trường, chúng tôi đề nghị trước mắt đến năm 2020 nước ta phát triển khoảng 10.000 ha và bà con cũng chỉ nên trồng giá thành sản xuất dưới 30.000/kg quả khô mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững lâu dài.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Có thể bạn quan tâm
Ngày 35/3, tại Mũi Né, Phan Thiết, Công ty CP Cà phê Mê Trang đã khai trương cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại địa chỉ 52 Nguyễn Đình Chiểu.
Theo ông Hải hiện nay giá cá ở Cần Thơ là 25.500 đồng/kg bán tại ao. Đặc biệt giá mua chịu cá đã lên tới 27.000 đồng/kg nhưng hiện nay rất ít người nuôi chấp nhận bán như vậy.
Ngoài ra, tại huyện Kon Plông (nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên) đã có 03 dự án nuôi cá nước lạnh, gồm cá hồi, cá tầm cho sản lượng cá thương phẩm cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn cá/năm.
4 dự án nói trên có thời gian hoạt động 50 năm, 100% vốn từ nhà đầu tư hoặc liên doanh các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án này được miễn giảm giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo quy định.
Theo số liệu của ngân hàng ANZ, trong khoảng một năm qua, xuất khẩu của Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực khi tăng tới 15%.