Sẵn Sàng Cho Sản Xuất Vụ Xuân

Cùng với các địa phương trong tỉnh, những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đang tích cực thu hoạch diện tích cây màu vụ đông để khẩn trương làm đất, sẵn sàng cho gieo cấy vụ xuân đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.
Có mặt tại cánh đồng xóm Làng Áng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) vào một buổi sáng mùa đông, mặc dù thời tiết rét đậm kèm sương mù dày đặc nhưng để đảm bảo tiến độ sản xuất vụ xuân, nông dân trong xóm vẫn tích cực ra đồng nạo vét kênh mương, cày ải, làm đất...
Ông Hà Văn Thọ, một người dân trong xóm cho biết: Vụ đông vừa qua, gia đình tôi trồng 2 sào khoai tây và 3 sào rau. Đến nay, toàn bộ diện tích rau đã thu hoạch, còn khoai tây dự kiến vài ngày nữa sẽ cho thu hoạch. Thu hoạch rau đến đâu, tôi tiến hành làm đất đến đó. Tôi mới mua mua chiếc máy cày mini trị giá 13 triệu đồng nên chủ động được khâu làm đất...
Tại xã Bình Long, một trong những địa phương có diện tích gieo trồng vụ xuân lớn nhất huyện, không khí chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân cũng rất tấp nập. Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước khi bắt tay vào sản xuất vụ xuân, xã đã tổ chức cho nhân dân làm giao thông, thủy lợi nội đồng. Những đoạn kênh mương, hồ chứa, cống dẫn nước hư hỏng đều đã được gia cố, sửa chữa kịp thời.
Đến thời điểm này, bà con trong xã đã cơ bản hoàn thành thu hoạch các loại cây trồng vụ đông và đang tiến hành cày ải, làm đất được khoảng 80% tổng diện tích gieo cấy vụ xuân. Hội Nông dân xã cũng đã cấp đủ các giống lúa, ngô theo đăng ký của người dân. Vài ngày tới, nếu thời tiết ấm áp, chúng tôi sẽ chỉ đạo bà con nhân dân đồng loạt xuống giống gieo mạ để đảm bảo đúng khung thời vụ.
Theo kế hoạch, vụ xuân này, huyện Võ Nhai sẽ gieo cấy 1.450 ha lúa, trong đó, 850 ha lúa cao sản; 3.400 ha ngô và các loại cây trồng khác như: lạc, sắn, đậu tương… Căn cứ vào khung tời vụ, ngay từ cuối tháng 12-2014, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên.
Ðể chủ động khắc phục khó khăn, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức sản xuất giành thắng lợi, huyện cũng chỉ đạo ngành Nông nghiệp chủ động bám sát tình hình sản xuất, tích cực tuyên truyền, vận động nông dân các xã, thị trấn tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành làm đất và đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi.
Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn như Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật cần chủ động làm tốt công tác dự thính, dự báo tình hình sâu bệnh và chủ động các phương án phòng trừ sâu bệnh trong vụ xuân nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra; đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để người dân chủ động trong sản xuất.
Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của bà con nông dân, hiện nay, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện Võ Nhai đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư gồm phân bón, giống lúa, giống ngô. Nhìn chung, các loại vật tư đều đảm bảo đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ bà con.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai tốt chính sách hỗ trợ của tỉnh ( hỗ trợ giá giống với số tiền 30 nghìn đồng/sào lúa lai, 20 nghìn đồng/sào lúa thuần chất lượng cao, 20 nghìn đồng/sào ngô lai để khuyến khích người dân mở rộng diện tích ngô lai, lúa lai và các giống lúa thuần chất lượng cao...
Ông Đặng Văn Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Vụ Xuân năm nay dự báo sẽ gặp những khó khăn rất lớn do thời tiết diễn biến khó lường, rét đậm có thể sẽ xuất hiện muộn, tình hình khô hạn, thiếu nước có thể xảy ra nên chúng tôi đã chỉ đạo bà con mở rộng diện tích gieo cấy trà xuân muộn với tỷ lệ trên 98%; tu bổ các hồ đập để giữ nước, kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng các trạm bơm nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất.
Đến nay, các điều kiện cần thiết cho sản xuất vụ xuân đã được các đơn vị và người dân trên địa bàn huyện chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng bước vào vụ sản xuất mới...
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Thành Sinh ở khu phố Trung Thắng, phường Bình Thắng (TX. Dĩ An - Bình Dương) thời gian qua được nhiều người dân ở khu phố biết đến vì có cách làm ăn mới mang lại hiệu quả cao. Ông là hội viên nông dân (ND) tiêu biểu tham gia tích cực các phong trào của hội ở địa phương và thành công trong việc thực hiện mô hình nuôi dế thương phẩm.

Giá cam sành luôn ở mức cao và ổn định trong thời gian qua làm cho nhiều nhà vườn ở xã Đại Thành, TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) có nguồn thu nhập cao và ổn định. Cá biệt có nhiều nhà vườn kiếm được tiền tỉ mỗi năm nên không ít người dân đã chuyển đổi sản xuất.

Khi ở nhiều nơi nuôi gà khó "đầu ra" thì các trang trại nuôi gà sao vẫn bán đều đều. Họ cho biết: Khách ăn một lần gà sao là lần sau vẫn thích ăn gà sao. Thịt gà sao ăn ngon và ngọt thịt hơn. Nguồn gốc nó từ gà rừng.

Tháng 8/2012, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ nông dân nuôi thí điểm cá chạch lấu hay còn gọi là cá chạch bông. Sau gần một năm thực hiện, bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt.

Năm 1984, ông Phạm Quang Hành ở thôn Hòa Bình, xã Hùng Sơn (Thanh Miện - Hải Dương) nuôi thử 5 đàn ong để lấy mật bồi dưỡng sức khoẻ.