Thêm Những Mùa Vàng
Trong sản xuất nông nghiệp, ông cha ta vẫn truyền nhau kinh nghiệm: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" đó là những điều kiện không thể thiếu để đạt năng suất cao.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa muốn làm cho đất "trở dạ" sinh mùa nặng trĩu hạt vàng thì việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được xem như một mắt xích quan trọng. Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, vụ chiêm xuân 2013- 2014, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, các địa phương tập trung sản xuất vụ chiêm xuân đạt được những kết quả khả quan.
Từ việc tăng cường sự phối hợp chỉ đạo các xã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện đúng khung lịch thời vụ đã tạo bước chuyển biến tích cực cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Nhờ áp dụng các kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến, vụ chiêm xuân năm nay năng suất lúa của huyện Thanh Sơn đạt 58 tạ/ha.
Các xã trên địa bàn huyện sản xuất vụ chiêm xuân trong điều kiện thuận lợi về nguồn nước phục vụ cho việc làm đất, chủ động về nguồn giống, song diễn biến thời tiết có rét đậm, rét hại kéo dài dẫn đến nhiều diện tích lúa bị chết rét.
Khắc phục tình trạng này, huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo chống rét cho diện tích lúa đã cấy và khắc phục toàn bộ diện tích lúa ảnh hưởng do rét hại đảm bảo cấy hết diện tích kế hoạch đề ra. Vụ chiêm xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 3.194 ha đạt 101% kế hoạch, trong đó diện tích lúa lai đạt 2.256 ha, tăng so cùng kỳ 386 ha.
Diện tích áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, gieo thẳng đạt trên 1.234 ha, tăng 139,3 ha so cùng kỳ, trong đó có 810,7 ha liền vùng, liền thửa từ 3 ha trở lên được gieo cấy bằng các giống lúa lai, năng suất lúa vụ chiêm đạt 58 tạ/ha. Bám sát hướng dẫn của tỉnh, huyện đã chỉ đạo các xã bố trí cơ cấu giống, thời vụ thực hiện theo khung lịch 5% trà xuân trung, 95% trà xuân muộn.
Về cơ cấu giống, sử dụng các giống chủ yếu là Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, Việt lai 20... có 14 xã trong huyện có diện tích lúa lai đạt trên 70% diện tích gieo cấy như: Thạch Khoán, Thắng Sơn, Cự Đồng, Hương Cần, Yên Lương...
Các xã, thị trấn đã tập trung chỉ đạo cung ứng đầy đủ, kịp thời giống cho sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, gieo thẳng bằng giàn sạ, cán bộ khuyến nông huyện, xã tích cực hướng dẫn nông dân các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, tích cực chống hạn, cấp đủ nước cho diện tích lúa chiêm xuân. Vụ lúa chiêm năm nay toàn huyện đạt năng suất cao nhờ có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ từ huyện xuống cơ sở.
Bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, UBND; các phòng chức năng đã kịp thời cung ứng 43,1 tấn giống lúa theo chương trình trợ giá giống của tỉnh cho các hộ nông dân thuộc các xã, thôn ĐBKK và ATK; phối hợp với Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, trạm khuyến nông, các HTX dịch vụ nông nghiệp cung ứng các dịch vụ sản xuất, cung ứng nguồn phân NPK bán chậm trả cho nông dân.
Bám sát lịch gieo cấy của huyện, các HTX đã cấp đầy đủ nước cho lúa và hoa màu tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển... Ngoài cây lúa, diện tích, năng suất cây ngô, cây lạc, các loại cây hoa màu được trồng trên địa bàn đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Vụ chiêm năm nay thời vụ thu hoạch muộn hơn cùng kỳ, thời gian thu hoạch không tập trung bởi vậy các xã đã chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch lúa gặt tới đâu giải phóng đất tới đó để kịp thời triển khai sản xuất vụ mùa nhất là diện tích trà mùa sớm. Với những diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ tiểu mãn, các xã đã thực hiện phương châm "xanh nhà hơn già đồng" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thời tiết trong sản xuất vụ mùa thường có những diễn biến phức tạp do nắng nóng, mưa, lũ bởi vậy trên toàn địa bàn huyện đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phản ánh kịp thời diễn biến của thời tiết, tình hình sản xuất, cơ chế chính sách của Nhà nước để nhân dân được biết và thực hiện. Huyện tập trung chỉ đạo quy hoạch sản xuất ngay từ đầu vụ đối với diện tích sử dụng giống lúa lai, áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, làm mạ khay và gieo thẳng.
Các xã trong huyện khẩn trương nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, tu sửa gia cố các cống, phai, đập, cọn nước để phục vụ sản xuất; cung ứng các loại vật tư đảm bảo về số lượng và chất lượng nhất là các giống lúa cho sản xuất vụ mùa; giống ngô, khoai tây cho sản xuất vụ đông.
Toàn huyện đã tập trung huy động tối đa lực lượng máy móc làm đất gieo trồng vụ mùa, phấn đấu đạt cơ cấu: Gieo cấy trên 40% diện tích trà mùa sớm, 55% diện tích trà mùa trung và 5% diện tích trà mùa muộn, sử dụng các giống lúa thuần mới như: TBR45, TBR36...
Đối với cây ngô vụ đông, huyện chỉ đạo sử dụng các giống: LVN4, LVN99, NK4300... thực hiện phương pháp làm ngô bầu trước khi thu hoạch lúa từ 5-7 ngày với phương châm "Sáng lúa, chiều ngô" để đảm bảo thời vụ.
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn song vụ chiêm xuân vừa qua năng suất lúa của huyện Thanh Sơn đạt mức cao trong tỉnh nhờ có quy hoạch, phương án sản xuất hợp lý, bố trí giống lúa phù hợp từng đồng đất, liên kết cung ứng vật tư, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Có thể bạn quan tâm
Xã Long Thới có diện tích trồng dừa lớn nhất huyện Chợ Lách (Bến Tre), với 257ha trồng dừa, chiếm khoảng 25%. Cây dừa gắn bó với nông dân ở đây khá lâu, hầu hết đều có độ tuổi vài chục năm.
Biết anh Nguyễn Hoàng Tùng xã Đình Dù (Văn Lâm - Hưng Yên) qua một cuộc hội thảo của ngành nông nghiệp. Chúng tôi bị lôi cuốn bởi niềm đam mê trồng rau thủy canh của anh.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) luôn chú trọng tập huấn kỹ thuật trồng rau và chuyển giao công nghệ mới cho người dân. Nhờ vậy, nhiều người dân trong xã ngày càng có thu nhập cao, đời sống ổn định.
Để trồng thâm canh theo hướng bền vững thì người trồng cần có chế độ canh tác hợp lý. Cây mì nếu trồng liên tiếp nhiều vụ mà không có biện pháp cải tạo đất thì đất sẽ bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm, bệnh gây hại.
Ai cũng biết rằng việc sử dụng rau sạch, rau an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong khi thị trường đang tràn ngập rau củ, quả bẩn, ngâm hóa chất. Nhưng có một thực tế đáng buồn, việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rau sạch đang vấp phải nhiều khó khăn.