San Phẳng Mặt Ruộng Bằng Tia Laser, Nâng Hiệu Quả Sản Xuất Nông Nghiệp
Trong khuôn khổ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Tiền Giang hỗ trợ 3 Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Bình Nhì, Vĩnh Hựu (Gò Công Tây) và Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) trang bị 3 máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng (bình quân 500 triệu đồng/máy), trong đó riêng hệ thống san phẳng đồng ruộng bằng tia laser có giá khoảng 300 triệu đồng/máy, còn lại là máy kéo có công suất từ 60 Hp trở lên/máy, trị giá khoảng 200 triệu đồng/máy (đã qua sử dụng).
Hệ thống máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser gọn nhẹ, chỉ gồm bộ phát tín hiệu laser; cụm gàu san và bộ phận thu phát tín hiệu, hệ thống thủy lực gắn trên máy kéo. Cơ chế vận hành của hệ thống này như sau: Tia laser được phát bởi bộ phát tín hiệu laser tạo thành mặt chuẩn laser cố định song song với mặt phẳng nằm ngang. Bộ nhận tín hiệu laser lắp cố định trên cụm gàu san.
Hệ thống thủy lực gồm hộp xử lý tín hiệu và xi lanh thủy lực giúp điều khiển nâng hạ gàu san. Khi vận hành, gàu san sẽ tự động nâng lên hoặc hạ xuống so với mặt chuẩn khi hệ thống làm việc trên điểm tương ứng là điểm cao hoặc điểm thấp của mặt ruộng. Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cũng khuyến cáo, để thực hiện việc san phẳng mặt ruộng bằng tia laser thuận lợi, đồng ruộng cần phải đốt hết rơm rạ, cày xới đất, phơi khô đất trước khi san phẳng từ 2 đến 3 ngày.
Kết quả khảo sát cho thấy, san phẳng đồng ruộng bằng tia laser chi phí sản xuất bình quân giảm từ 2 đến 2,5 triệu đồng/ha/ vụ nhờ năng suất lúa tăng, tiết kiệm chi phí bơm tưới, dễ kiểm soát cỏ dại, giảm được lượng giống và nhân công, hạn chế sâu bệnh, chủ động quản lý tốt đồng ruộng trong quá trình canh tác cũng như thu hoạch...
Với chi phí san phẳng từ 3 triệu đồng đến 4,2 triệu đồng/ha tùy thực tế, sau 2 - 3 vụ sản xuất chủ ruộng hoàn lại vốn thuê máy san phẳng bằng tia laser và sau chu kỳ 3 năm (6 - 9 vụ sản xuất) mới phải san phẳng lần 2. Nhờ vậy, lợi nhuận từ trồng lúa tăng lên.
Do là cụm máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser lần đầu tiên đưa vào hoạt động trên đồng ruộng nên Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật, tổ chức điểm làm trình diễn cũng như tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để nông dân hiểu lợi ích của việc đưa kỹ thuật san phẳng đồng ruộng bằng tia laser tiên tiến vào sản xuất để tăng lợi nhuận, giảm chi phí, mang lại hiệu quả cho bà con.
Có thể bạn quan tâm
Nền nhiệt xấp xỉ 40 độ C trong những ngày vừa qua ở Nghệ An đã khiến cho tôm ở các đầm nuôi tôm tại huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) chết hàng loạt; diện tích ngô ở nhiều địa phương cũng bị khô cháy...
Cá lóc đầu nhím (được lai giữa cá lóc đen và cá lóc môi trề) đã trở thành đối tượng nuôi quen thuộc của nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Với ưu điểm vượt trội như dễ nuôi, năng suất cao, thịt ngon và có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, cá lóc đầu nhím cũng đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo.
Hiện nay, cua xanh đang là đối tượng được bà con nuôi rộng rãi ở các vùng nuôi thủy sản trong tỉnh Phú Yên. Do nhu cầu nuôi tăng cao nên đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 50 cơ sở sản xuất giống cua xanh để cung cấp cho người nuôi.
Hiện đang vào mùa sinh sản của cá sấu, theo khảo sát ngày 2-6 thì giá cá sấu giống đang ở mức rất cao, khoảng 600.000 đồng/con (mới nở 2 - 3 ngày tuổi), tương đương năm 2014.
Kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng chiến lược của tỉnh An Giang (gạo, cá tra) trong 5 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 196,4 triệu USD, thấp hơn nhiều so cùng kỳ. Nếu những tháng cuối năm xuất khẩu không tiến triển tốt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh.