Nuôi Lươn Không Bùn Coi Chừng Lỗ Nặng!
Nhiều nông dân ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã đầu tư hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lươn không bùn. Tuy nhiên, sau đợt nuôi đầu tiên chừng vài tháng, không ít người lao đao vì lỗ nặng, nợ tiền vay ngân hàng. Nhiều người bức xúc cho rằng: Mình đã bị lừa!
Nuôi đạt, vẫn lỗ!
Ông Nguyễn Văn Tâm, một cựu chiến binh ở ấp 1B, xã Phước Hòa, cho biết khoảng nửa năm trước, khi xem truyền hình thì biết được trại lươn S.C ở TP.HCM có bán lươn giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn. Cái hấp dẫn nhất là trại lươn này nhận bao tiêu luôn lươn thương phẩm.
Thế là ông Tâm và bà con trong xã tìm đến trại S.C để tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi lươn theo kỹ thuật mới. Tháng 8-2013, ông Tâm đầu tư gần 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại, sau đó nhập về 120kg lươn giống của trại S.C, với giá 270.000 đồng/ kg. Sau thời gian nuôi tuân thủ quy trình kỹ thuật, ông Tâm thu được 180kg lươn thương phẩm, đem bán cho trại S.C với giá 115.000 đồng/kg.
Tính cả tiền lươn giống, thức ăn sau 4 tháng nuôi, ông Tâm đã lỗ hơn 20 triệu đồng; đó là chưa tính khoản tiền đầu tư chuồng trại, điện, nước và công chăm sóc! Trao đổi với chúng tôi, ông Tâm bức xúc: “Tôi đã bỏ ra trên 32 triệu đồng để mua lươn giống, nhưng đem bán chỉ thu được hơn 20 triệu đồng lươn thương phẩm. Lúc đầu, khi chúng tôi đến mua lươn giống thì trại S.C hứa sẽ bao tiêu với mức giá từ 120 - 140 ngàn đồng/kg.
Nhưng khi đưa đến bán, họ chỉ trả 105.000 đồng/kg. Năn nỉ dữ lắm họ mới trả cho chúng tôi với giá 115.000 đồng/kg. Sau 4 tháng chăn nuôi, lươn của tôi đạt khoảng 300gr/con, nhưng vẫn lỗ nặng. Chúng tôi lên tiếng để bà con có ý định nuôi lươn không bùn của trại S.C lưu tâm cảnh giác”.
Mấy ngày gần đây, vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chánh cũng buồn rầu khi xuất bán lứa lươn đầu tiên và lỗ hơn 50 triệu đồng. Ông Chánh than thở: “Gia đình chúng tôi rất khó khăn, hai vợ chồng làm thuê kiếm từng đồng để nuôi 2 đứa con đang học đại học và 2 đứa đang học phổ thông.
Tình cờ tôi xem truyền hình thấy trại lươn S.C bán giống, chỉ cho cách nuôi lươn không bùn khá thành công nên chúng tôi mạnh dạn nhờ người anh cột chèo vay tiền ngân hàng hơn 70 triệu đồng để xây chuồng trại nuôi lươn, mong kiếm lời nuôi con.
Theo cách tính của trại S.C thì bỏ ra 1 đồng vốn nuôi lươn có thể kiếm được 4 đồng lời. Nghe qua cũng ham, tôi nghĩ tệ lắm thì mình cũng thu được vốn nhưng không ngờ lại lỗ nặng nề như vậy! Giờ thì lo quá, không biết đến bao giờ chúng tôi mới trả được khoản nợ vay này”!
Cách đây hơn 4 tháng, ông Chánh mua về 240kg lươn giống với giá gần 65 triệu đồng. Mới đây, khi đem bán cho trại S.C ông chỉ thu được 380kg lươn thương phẩm với giá gần 44 triệu đồng. Chỉ tính riêng tiền mua lươn giống, ông Chánh đã lỗ trên 20 triệu đồng. “Vợ chồng tôi cần cù chịu khó, chăm sóc lươn nuôi cả ngày lẫn đêm nên chúng lớn rất mau.
Khi đến thu mua lươn của tôi, nhân viên của trại S.C còn ngạc nhiên, nhận xét “lươn nuôi quá đạt”, bởi trung bình chỉ đạt từ 300gr/con trở lên, còn tôi nuôi không ít con nặng đến 500gr. Tôi dám nói chắc dù ai nuôi lươn tốt cách mấy cũng không thu đủ tiền con giống, chúng tôi đã bị lừa”!, ông Chánh bức xúc.
Bỏ trống chuồng trại
Ngày ông Tâm, ông Chánh thu hoạch lứa đầu tiên sau 4 tháng nuôi lươn, không ít nông dân trong huyện Phú Giáo đã tìm đến tham khảo thông tin và họ đã thở phào khi cho rằng mình đã vượt qua “cạm bẫy”. Ông Chánh tâm sự: “Nhìn thấy trại lươn của mình nuôi quá đạt nên bà con ai cũng thích, vậy là họ bỏ tiền xây trại để nuôi.
Nhưng đến khi biết tôi nuôi lươn bị lỗ nặng, họ thà bỏ không chuồng trại”. Điển hình như ông Đoàn Minh Châu, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo đã đầu tư cả trăm triệu đồng vào việc xây trại; đồng thời dự tính sẽ bỏ ra nhiều chục triệu đồng mua lươn giống về nuôi, nhưng nay thà bỏ trại trống còn hơn…
Một số bà con nông dân khác ở huyện Phú Giáo hiện cũng đang phập phồng nỗi lo khi họ đang nuôi lươn không bùn của trại S.C. Ông Lê Văn Long ở ấp Lễ Trang, xã Vĩnh Hòa là người đang nuôi lươn với số lượng lớn. Cách đây khoảng hơn 4 tháng, ông Long đã đầu tư gần trăm triệu đồng xây 100m2 chuồng trại, nuôi 600kg lươn giống và thuê công nhân chăm sóc trại lươn hàng ngày.
Ông Long chia sẻ: “So với lươn của ông Tâm hay ông Chánh thì lươn của tôi không bằng. Hiện đã gần đến ngày thu hoạch nhưng mỗi con chỉ đạt trọng lượng hơn 200gr. Tôi chăm sóc lươn khá tốt, nhưng không hiểu sao chúng vẫn chậm lớn. Tôi biết chắc chuyến làm ăn này mình lỗ nặng, chỉ mong vớt vát được đồng nào hay đồng đó”.
Qua ghi nhận thực tế trên, thiết nghĩ bà con nông dân cần cẩn trọng khi lựa chọn mô hình “nuôi lươn không bùn” đề đầu tư. Chọn mô hình này bà con phải bỏ ra khá nhiều vốn đầu tư cho chuồng trại, con giống nhưng hiệu quả thì chẳng xứng đáng với công sức, tiền bạc đã bỏ ra!
Hơn nữa, bà con cần hết sức cẩn thận khi chọn mua con giống ở các trang trại, cũng như tìm hiểu kỹ cách thu mua, nhận bao tiêu thương phẩm của các trại này. Nếu không cảnh giác, thiệt hại kinh tế vẫn thuộc về người nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều hộ nuôi cá lồng, bè bị chết hàng loạt đã gây thiệt hại nặng nề, nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm. Thiệt hại này hoàn toàn có thể tránh được nếu cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các dấu hiệu bất thường trong môi trường nước ở khu vực nuôi cá cho người dân.
Tìm đến nhà ông Hàn Văn Chiến ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, (Hướng Hóa, Quảng Trị) dễ dàng hơn chúng tôi nghĩ. Nhiều người dân ở đây không chỉ nhiệt tình chỉ đường mà còn kể thêm cho chúng tôi nghe nhiều thông tin thú vị về ông.
Theo thống kê của các địa phương, đợt mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có gần 4.000ha (trong tổng số khoảng 40.000ha lúa mùa) bị thiệt hại, nhất là những diện tích lúa nằm ven sông Cầu, sông Công và khu vực gần hồ Núi Cốc. Năng suất của các diện tích lúa này có thể bị giảm từ 20-70% so với cùng kỳ hằng năm.
Vụ mùa năm nay, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) triển khai xây dựng thí điểm 2 vùng sản xuất lúa lai giống LC212 và Syn 6 với tổng diện tích 27ha tại các xóm: Vinh Quang 1, Vinh Quang 2; Tân Sơn và Sơn Tía. Đây là những giống lúa ngắn ngày, cấy được 2 vụ/năm, năng suất cao, khả năng đẻ nhánh tập trung, cứng cây, bông to, và khả năng chống chịu khá với một số loại sâu, bệnh như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu...
Trong lúc bạn bè cùng trang lứa rủ nhau rời quê đi làm ăn xa thì cô gái xứ Thanh 26 tuổi Phạm Thị Xuyến quyết tâm ở lại làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương với mô hình trang trại tổng hợp, trong đó chủ lực là cây phật thủ.