Sản Phẩm Chăn Nuôi Tụt Giá

Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, giá các sản phẩm gia cầm tụt mạnh, trong khi đó giá lợn hơi chỉ giảm nhẹ, đang ổn định ở mức thấp nhưng vẫn giúp người chăn nuôi lãi khá.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay, giá các sản phẩm gia cầm có xu hướng tụt khá mạnh từ 6.000 đến 8.000 đ/kg.
Cụ thể nếu như trước tết, giá gà lông trắng nuôi công nghiệp dao động từ 38-40 nghìn đồng/kg thì hiện đã tụt xuống chỉ còn 31-32 nghìn đồng/kg; giá gà lông màu trước tết xoay quanh 60 nghìn đồng/kg hiện giảm còn 52-53 nghìn đồng/kg; giá trứng gà công nghiệp theo đó cũng giảm mạnh từ 1.800 - 1.900 đồng/quả xuống chỉ còn 1.400 đồng/quả.
Hiện tại, giá trứng và thịt gia cầm vẫn chững ở mức thấp và chưa có dấu hiệu khôi phục trở lại. Trong khi đó, giá TĂCN và giá giống gia cầm vẫn duy trì ở mức khá cao, cụ thể giá giống gà lông trắng giao tại các trang trại vẫn ở mức 16 nghìn đồng/con, giá giống gà lông màu thấp hơn một chút, 14.000 đ đến 15.000 đ/con.
“Sở dĩ giá giống gà lông trắng đang cao hơn giống gà lông màu do ra tết, các trang trại vào giống gà lông trắng tăng cao vì có thời gian nuôi ngắn, quay vòng nhanh, có thể đón đầu lượng thịt gia cầm thiếu hụt sau tết” – ông Chiến phân tích.
Cũng theo ông Chiến, việc giá các sản phẩm gia cầm giảm khá mạnh thời gian qua là điều thường thấy sau mỗi dịp tết, nguyên nhân lượng tiêu thụ qua kênh khu công nghiệp, trường học, nhà ăn tập thể… giảm mạnh sau tết do công nhân, sinh viên chưa đi làm trở lại.
Với việc giá các sản phẩm chăn nuôi tụt như hiện tại, các trang trại chăn nuôi gia cầm tại phía Bắc cho biết họ vẫn chưa bị lỗ, cơ bản là lãi nhẹ. Dự báo khoảng hết tháng Giêng, đầu tháng 2 (âm lịch), khi hoạt động các nhà máy, xí nghiệp và trường học hoạt động ổn định trở lại, nhiều khả năng giá sản phẩm gia cầm sẽ được phục hồi.
Hiện tại, các trang trại nuôi gia cầm vẫn cố gắng cầm cự, vào giống tái đàn ổn định. Tại HTX chăn nuôi Cổ Đông, đàn gia cầm được duy trì ổn định ở mức 800 nghìn con.
Trong khi giá các sản phẩm gia cầm tụt mạnh thì từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá thịt lợn hơi tại phía Bắc vẫn giữ ổn định ở mức thấp. Anh Nguyễn Hồng Hà – GĐ Cty Cổ phần Chăn nuôi Alpha (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: Khoảng một tuần trước tết, giá lợn hơi (siêu nạc) có xu hướng giảm nhẹ so với một tuần trước đó, còn 45.000 – 46.000 đ/kg và duy trì ổn định ở mức giá xoay quanh 45.000 đ/kg tới thời điểm này.
Giá lợn hơi sau tết tới nay mặc dù có giảm nhẹ, tuy nhiên với mức giá như hiện tại, người chăn nuôi lợn vẫn có lãi khá, bởi giá thành chỉ ở mức từ 39.000 đ – 40.000 đ/kg, lãi từ 500 đến 600 nghìn đồng/đầu lợn xuất chuồng.
Theo anh Hà, việc giá lợn vẫn ở mức khá giúp người chăn nuôi có lãi đã kéo theo việc từ sau tết đến nay, lượng các trang trại vào giống mới tương đối ổn định ở mức cao. Điều này khiến giá lợn giống tăng nhẹ, nhưng không có đột biến. Hiện lợn giống siêu nạc cỡ 7 kg có giá 1,3 triệu đồng/con.
Đối với lợn thịt siêu nạc cỡ lớn, các chủ trang trại tại Hưng Yên cho biết, Cty Chăn nuôi CP Việt Nam vừa có thông báo kể từ ngày hôm nay (5/3), lợn thịt 29 tuần tuổi (cỡ 1,2 tạ/con) sẽ hạ thêm 1.000 đ/kg, xuống còn khoảng 41.000 đ/kg.
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận chưa xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên heo. Hiện tại, ngành đang tập trung chỉ đạo chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm…

Sáng ngày (3/8), Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Khía cạnh kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi”.

Cách đây 5 năm, người dân vùng ven biển Quảng Nam chọn nuôi đà điểu để xóa đói giảm nghèo. Nhưng thời gian gần đây người dân không còn mặn mà với mô hình này bởi khó tìm đầu ra.

Các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An (Phú Yên) vừa nghiệm thu mô hình nuôi thử nghiệm cá thát lát cườm thương phẩm trong ao đất.

Phát huy lợi thế về ao, hồ, sông, suối và lòng hồ thủy điện trên địa bàn, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã phát triển diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện lên 325 ha.