Sản lượng mật ong giảm 3.000 tấn do ảnh hưởng thời tiết

Hiện tượng thời tiết sương muối đã gây ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi ong ở tỉnh Gia Lai. Niên vụ vừa qua, sản lượng mật ong toàn tỉnh giảm khoảng 3.000 tấn; người nuôi ong không có lợi nhuận.
Có thâm niên 30 năm nuôi ong, ông Nguyễn Văn Minh ở phường Thống Nhất, thành phố Pleiku cho biết, 500 đàn ong của gia đình chỉ thu được chục tấn mật, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Năm 2014, hiện tượng thời tiết sương muối diễn ra đúng vào dịp cà phê ra hoa khiến hơn 30% số ong bị chết. Cả “quân số” và sức khỏe của ong đều giảm sút, nên bước vào mùa hoa cao su, lượng mật thu được cũng sụt giảm theo.
Dù giá mật ong hiện đang dao động từ 46.000 - 48.000 đồng/kg (1 kg mật có thể tích tương đương 1,3 lít mật), cao nhất từ trước tới nay, nhưng gia đình vẫn không có lợi nhuận.
“Nhờ giá nhích lên một chút nên lấy thu bù chi nên người nuôi ong không bị lỗ. Sương muối trùng vào đợt hoa nở, con ong lấy mật bị sình bụng và chết do đó không phát triển được đàn ong. Tiêu chuẩn để lấy mật ong 1 thùng phải có 8 - 9 cầu, nhưng ăm nay chỉ được đến 6 cầu là nhiều. Nghề nuôi ong có rủi ro quá cao bởi phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố thiên nhiên như thời tiết, khí hậu, thảm thực vật”, ông Minh cho biết.
Gia đình ông Vũ Ngọc Lãng ở xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê có 400 đàn ong. Mặc dù, ông đã tìm cách di chuyển đàn ong đi khai thác ở những vùng cà phê, cao su có mật dồi dào, nhưng sản lượng chỉ đạt 15 tấn, thấp hơn hẳn các năm trước. Nguyên nhân cũng do ảnh hưởng thời tiết sương muối, mỗi thùng ong giảm từ 8 cầu xuống còn 5 cầu.
“Gia đình đã phải di chuyển đến những địa phương mới để vực đàn ong. Tuy nhiên nhiều địa phương không hiểu, họ nghĩ ong phá hoại nên họ phá ong. Vụ cà phê vừa qua với 400 đàn chỉ thu được 4 tấn mật, giảm 50% sản lượng so với những năm trước, trong khi chi phí vận chuyển rất cao, đầu tư lại cho con ong ăn phấn hoa cũng cao”, ông Lãng lo lắng.
Ông Đặng Quốc Hưng, Giám đốc công ty CP Ong Trung ương, Chi nhánh Gia Lai cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 16.000 đàn ong, mỗi năm cung cấp gần chục nghìn tấn mật xuất khẩu. Niên vụ vừa qua, do ảnh hưởng thời tiết sương muối, số đàn ong giảm, nên sản lượng mật toàn tỉnh cũng giảm 3.000 tấn. Để chuẩn bị cho mùa mật năm sau, người nuôi cần có phương pháp dưỡng sức cho đàn ong.
“Muốn phát triển được đàn ong, trong những năm tới, người nuôi ong cần có những bước đi đúng. Khai thác ở Gia Lai xong, họ nên chuyển đến những nơi khác, đến tháng 9, tháng 10 quay lại dưỡng đàn ong sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Với 5.000 - 7.000 đàn ong nếu được chia địa điểm ở gần nhau sẽ rất hiệu quả về an ninh, dễ dàng trong việc quản lý. Những năm tới, Gia Lai vẫn triển khai đầu tư cho những hộ nuôi ong, tổ chức làm việc với các địa phương để họ có những địa điểm đặt ong thuận lợi”, ông Đặng Quốc Hưng khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm

200/223 hộ dân ở thôn Gò Găng, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Những bè cá bồng bềnh trên sông nước, những cọc hàu cắm sâu vào lòng sông đã và đang đem lại cho người dân nơi đây cơ hội kiếm sống, nuôi con ăn học, xây nhà…

Vụ nuôi tôm gần đây, toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có 122 hộ nuôi tôm trên ruộng, với tổng diện tích 752,8 ha (giảm 55,2 ha so năm trước). Đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã cơ bản thu hoạch dứt điểm, đạt tổng sản lượng hơn 903 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Trong đó, có trên 560 tấn tôm thịt và 343 tấn tôm trứng.

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện mô hình nuôi tôm sú luân canh trên nền ruộng muối tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Thuyết ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền với quy mô 1000 m2.

Ngoài cây cao su, những năm gần đây huyện Sông Hinh (Phú Yên) chú trọng mở rộng diện tích trồng cây ca cao, trong đó có mô hình trồng ca cao dưới tán rừng, mở đầu cho một dự án quy mô lớn, có diện tích hàng trăm hecta, nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng hưởng lợi và tích cực bảo vệ rừng.

Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân: Vào thời điểm này nên tạm dừng việc thả tôm nuôi, nhằm tránh những rủi ro. Đây là vụ thả nuôi trái vụ, mặt khác do thời tiết khô hạn gay gắt nên nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu thả tôm nuôi vào thời điểm này sẽ không hiệu quả, thậm chí sẽ bị lỗ do chi phí đầu tư cao.