Tăng Thu Nhập Nhờ Chuyển Đổi Cây Trồng
Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, trong khi nếu trồng lúa chỉ có lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng/ha.
Nhập ngô, đậu tương ngày càng nhiều
Các mặt hàng như lúa, cà phê... đem về cho đất nước hàng tỉ USD mỗi năm, nhưng bên cạnh đó Việt Nam cũng phải bỏ ra một lượng lớn ngoại tệ để nhập về những sản phẩm như đậu tương, ngô… Theo Bộ NNPTNT, năm 2013, Việt Nam phải bỏ ra 3 tỉ USD nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước (chưa bao gồm đậu tương và ngô).
Điều đáng nói là giá trị nhập khẩu tăng hơn 22% so với năm 2012. Điều đó cho thấy tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tăng nhanh, song nguồn nguyên liệu trong nước không đảm bảo nên buộc phải nhập ngày càng nhiều.
Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 254.000 tấn đậu tương và chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu trong nước, còn lại phải phụ thuộc vào nhập để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Điều đáng nói, sản lượng đậu tương của Việt Nam có xu hướng giảm. Nếu như năm 2007, tổng diện tích trồng đậu tương của cả nước là 190.000 ha thì nay chỉ ở mức 170.000 ha. Còn diện tích trồng ngô vào khoảng 1,12 triệu ha, và sản lượng đạt 4,81 triệu tấn, không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng của thị trường trong nước. Vì thế, Việt Nam cứ phải nhập khẩu ngày càng nhiều.
Những người tiên phong chuyển đổi
Để hỗ trợ người nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém chất lượng sang cây trồng khác hiệu quả hơn, hai năm qua, Trạm Khuyến nông An Phú, tỉnh An Giang và Công ty Dekalb Việt Nam kết hợp với nhau để thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô.
Kết quả cho thấy, năng suất đạt trung bình từ 10,8-12,3 tấn ngô hạt/ha, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, trong khi, nếu trồng lúa chỉ có lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng/ha. Tức là chuyển sang trồng ngô nông dân có lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa. Đây là mức lợi nhuận không hề nhỏ đối với đại bộ phận nông dân vốn chỉ sống bằng nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Quyền Tổng giám đốc điều hành Công ty Dekalb Việt Nam, trong quá trình làm mô hình thử nghiệm, Trung tâm khuyến nông và Công ty Dekalb Việt Nam đã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, chứng minh được việc chọn giống ngô lai Dekalb kết hợp với kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt, năng suất cây ngô cao gấp 2-2,5 lần so với năng suất trung bình.
Trên cùng 1 ha diện tích canh tác, nếu trồng 3 vụ ngô/năm, nông dân có thể thu được gần 72 triệu đồng/năm, nhưng nếu trồng lúa thu nhập chỉ khoảng 24 triệu đồng/năm. Tính ra, nông dân sẽ có thu nhập vào khoảng 6 triệu đồng/tháng cho việc canh tác ngô trên ruộng. Chưa kể, nếu tiết kiệm nhân công, áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, con số này có thể tăng lên 7-8 triệu/tháng.
Theo GS.TS. Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận thường trực phía Nam của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ở khu vực ĐBSCL, An Giang là tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh, thành phố, người nông dân vẫn luôn thiếu thông tin về chính sách, thị trường cũng như kỹ thuật canh tác. Với hiệu quả trong chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô tại An Giang thời gian qua sẽ là mô hình tốt để nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác.
Mở nút thắt của vấn đề
Để người nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng có hiệu quả cao hơn, mới đây Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 580/QĐ-TTg. Theo Quyết định này, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, vừng, lạc, dưa, rau các loại trong vụ Xuân Hè, vụ Hè Thu, vụ Thu Đông năm 2014 và vụ Đông Xuân 2014-2015 tại vùng ĐBSCL.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu được hỗ trợ chi phí về giống để chuyển đổi, nhưng không vượt quá 2 triệu đồng/ha.
Theo ông Phạm Văn Dư, mô hình chuyển từ diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô đã chứng minh được tính hiệu quả khi tăng lợi nhuận cho nông dân lên nhiều lần. Bây giờ, với Quyết định số 580/QĐ-TTg sẽ tiếp thêm động lực để những nông dân đang còn chần chừ trong việc chuyển đổi giống cây trồng quyết tâm để chuyển sang trồng ngô, đậu tương hoặc những loại hoa màu khác.
Ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, cho biết so với cây lúa, lợi nhuận trồng đậu tương đạt trên 15,6 triệu đồng/ha. Và nếu có giá ổn định thì người dân chắc chắn sẽ yên tâm chuyển đổi từ diện tích trồng lúa năng suất thấp sang cây đậu tương.
Ngoài ra, lo lắng về giá cả bấp bênh khiến người dân không muốn trồng đậu tương đã phần nào giải quyết được khi mới đây Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) ký kết biên bản với Sở NNPTNT Đồng Tháp về việc sẽ bao tiêu sản phẩm cho 10.000ha đậu tương trên địa bàn tỉnh.
Hay như Công ty Sữa đậu tương Việt Nam (Vinasoy) luôn thực hiện mua đậu tương của nông dân với giá cao hơn thị trường để khuyến khích người dân ở một số địa phương giữ ổn định diện tích trồng đậu tương thay vì chuyển sang cây trồng khác. Bên cạnh đó, còn lập trung tâm nghiên cứu về cây đậu tương với mục đích cải tạo, lai tạo những giống đậu tương có năng suất, chất lượng tốt để hỗ trợ người dân.
Như vậy, những vấn đề về chính sách, thị trường, kỹ thuật… mà lâu nay chúng ta vin vào như một cách để giải thích cho khả năng không tăng được sản lượng ngô, đậu tương... phần nào đã được giải quyết.
Có thể bạn quan tâm
Dự án nhằm mục tiêu phát triển chăn nuôi gà áp dụng quy trình an toàn sinh học theo hướng VietGAHP có kiểm soát. Xây dựng mối liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ cung ứng sản phẩm gà đồi Yên Thế cho TP Hà Nội và một số thị trường khác với chất lượng ổn định, giữ vững thương hiệu, thị trường và hài hòa lợi ích của các bên.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Việt Nam có đủ vaccine phòng chủng cúm A H5N6 nếu dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, đây chỉ là loại vaccine dùng tiêm cho gia cầm.
Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2014-2016”. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và bà con nông dân, mô hình này hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người trồng mía, bên cạnh việc chuyển đổi giống mía, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) còn hướng dẫn nông dân thay đổi hình thức canh tác từ thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng một số kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất. Tuy mới áp dụng không lâu, nhưng mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và nhận được sự đồng tình của người dân.
Hiện tại, diện tích trồng đu đủ toàn xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) hơn 10 ha, giống đu đủ lùn cao sản. Trong đó, tập trung trồng nhiều tại thôn Phú Thạnh. So với các loại cây trồng khác thì đu đủ là loại cây dễ trồng, không kén đất, kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản.