Thị Trấn Nông Trường Việt Trung (Bố Trạch) Dưa Hấu Được Mùa

Sau cơn bão số 10 kinh hoàng hồi năm ngoái, những rừng cao su bạt ngàn của thị trấn Nông trường Việt Trung (Quảng Bình) đã bị tàn phá, cuộc sống người dân từ đó đến nay vô cùng khó khăn. Nhưng có lẽ “ông trời” không lấy đi của ai tất cả, trong những ngày cuối tháng 4 này, người nông dân nơi đây lại vui mừng, phấn khởi bởi một mùa dưa hấu được mùa, được giá.
Đối nghịch với tâm trạng chán nản của nông dân trồng dưa các tỉnh Nam Trung bộ vừa qua, người trồng dưa tại thị trấn Nông trường Việt Trung cũng như các xã Phú Định, Lý Trạch... của huyện Bố Trạch vui mừng vì dưa được giá.
Khắp các cánh đồng, nông dân đang tất tả thu hoạch để bán. Trong ngày 21-4, anh Nguyễn Chí Thanh (tiểu khu 10, thị trấn Nông trường Việt Trung) đã nhờ nhiều bạn bè ra ruộng giúp sức thu hoạch 2 ha dưa của nhà mình.
Không giấu được niềm vui, anh Thanh cho biết: “Dưa được mùa, thu hoạch gần 30 tấn, trừ mọi chi phí, gia đình tôi lãi trên 100 triệu đồng vụ này”.
Tuy nhiên, mức giá dưa mà gia đình anh Thanh bán chỉ đạt gần 7.000 đồng/kg vì ruộng dưa nhà anh đã được các thương lái đặt mua từ trước đây mấy tuần. Hiện tại, mức giá dưa được bán tại các ruộng đã lên đến 7.900 đồng/kg nên khắp các cánh đồng đều rộn vang tiếng cười.
Nhìn lại vụ dưa năm ngoái, nông dân cho biết năm nay giá cao, ổn định hơn nhiều. Khi mới bắt tay vào thu hoạch cách đây một tuần, giá dưa trung bình 6.000 đồng/kg, sau đó lên 6.900 đồng/kg và hiện tại là 7.900 đồng/kg, mức giá cao nhất trong những năm gần đây.
Lý giải vì sao giá dưa ở đây cao, các thương lái và người dân cho hay, giống dưa được trồng chủ yếu là Nông Việt, Phù Đổng, Thái Lan, Hắc Mỹ Nhân... Đặc biệt, giống dưa Nông Việt có ưu thế là quả đều, nước ngọt, quả nằm ở sát gốc và quả ở phần ngọn có kích cỡ tương tự nhau. Nhiều thương lái đánh tiếng mua loại dưa này và giá lúc nào cũng cao hơn giống dưa khác.
Phần nữa, đất trồng dưa ở đây không như các địa phương khác, vì đất pha thịt nên chắc dưa, nặng ký và ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhìn nhận thêm ở khía cạnh khác, người dân cho rằng lượng dưa ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đã được lưu thông nên nguồn cầu được đẩy lên.
Bởi vậy, với tổng diện tích gieo trồng là 300 ha, năng suất bình quân từ 10 đến 15 tấn/ha, người dân thị trấn Nông trường Việt Trung thật sự có một mùa dưa hấu bội thu.
Đứng trước những khó khăn về cây cao su do thiệt hại từ hậu quả của cơn bão số 10 năm ngoái, giá mủ cao su xuống thấp, mùa dưa hấu “ngọt” năm nay chính là động lực to lớn giúp người dân vượt qua gian truân.
Chị Vân (tiểu khu 8, thị trấn Nông trường Việt Trung) chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 ha cao su đang tuổi khai thác, là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Từ ngày cao su bị bão làm gãy, gia đình tôi chỉ còn biết dựa vào mấy con lợn, đàn gà để duy trì cuộc sống. Tôi cũng phải chạy vạy khắp nơi để có tiền gây dựng lại vườn cao su. Nhờ trời, mùa dưa năm nay được giá, thu hoạch xong chắc gia đình tôi cũng có ít tiền để trả nợ”.
Không riêng gì gia đình chị Vân, hầu như gia đình nào trồng dưa mà có cây cao su cũng đều dành tiền để phát triển lại vườn cây của mình, bởi dẫu sao cây cao su vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây từ trước đến nay. Bán được dưa mức giá cao, gia đình anh Trung (tiểu khu Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung) thu lời khoảng 150 triệu đồng/2 ha dưa. Số tiền thu được từ dưa, anh Trung dùng để mua cây giống và thuê người trồng nhằm vực lại vườn cao su.
Dẫu được mùa, được giá là vậy, nhưng cái khó của nghề trồng dưa là đầu ra không ổn định, giá dưa lên xuống thất thường. Không riêng người dân thị trấn Nông trường Việt Trung mà hầu như toàn bộ nông dân tỉnh ta vốn xưa nay đều đã quen với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kiểu tự quyết.
Đa số người dân thấy cái gì được giá, nhu cầu thị trường cần nhiều thì chuyển đổi việc sản xuất theo như thế, do đó tình trạng “thừa cung thiếu cầu” hoặc ngược lại. Vì thế, Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung, ngành nông nghiệp huyện Bố Trạch, Sở Nông nghiệp và PTNT cần có định hướng sản xuất cho bà con, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm

Trong tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức triển khai thả 12.500 con hàu giống Thái Bình Dương, trọng lượng bình quân 95 con/kg.

Anh Lại Văn Khanh được mọi người gọi là “kiện tướng” trồng cam sành vụ nghịch cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất Tân Hội, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Với diện tích 18.000 m2 cam chuyên canh sành trong đó có 10.000 m2 với 1.300 gốc cam cho trái vụ nghịch, dự kiến trong vụ cam nghịch năm nay anh thu hoạch gần 50 tấn trái, thu nhập từ 700 – 750 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao và rất ít hộ nhà vườn trồng cam sành đạt được.

Nhằm phát huy hiệu quả chương trình trồng rau an toàn, tiến tới quản lý chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất, Tiền Giang đầu tư hơn 6 tỉ đồng phát triển vùng chuyên canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 550 ha tại 4 huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Trong đó, huyện Châu Thành trồng 300 ha, Chợ Gạo 100 ha, Gò Công Đông 50 ha và thị xã Gò Công 100 ha. Dự án được triển khai từ tháng 6-2013 đến năm 2018.

Những ngày này về vùng đất xã Đức Hạnh (Đức Linh - Bình Thuận), chúng tôi nghe nói nhiều về câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Diệu, ở thôn 1. Bởi ông là một trong những gia đình đang phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tổng hợp khá hiệu quả trên địa bàn xã. Chính mô hình này đã giúp ông có cuộc sống ổn định, quan trọng hơn mô hình này đã minh chứng cho cách thức sản xuất tương đối mới, trong khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Khi tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp, tác nhân gây bệnh tôm vẫn chưa được xác định, thì ngay tại những vùng nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng, vẫn có những mô hình nuôi tôm rất thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công này là những bài học kinh nghiệm quý báu, là chỗ dựa của người nuôi tôm thêm vững tin bước vào vụ nuôi 2013.