GENTRACO Xây Dựng Thương Hiệu Gạo Việt
Cty CP GENTRACO (Cần Thơ) nằm trong tốp 10 DN xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam. Cty đang xây dựng quy trình SX tiêu chuẩn xâm nhập vào thị trường châu Âu (EU).
Trên cánh đồng lớn
Kể từ năm 1998, sau 10 năm tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp, Cty CP GENTRACO là một trong những DN tiên phong tham gia liên kết với nông dân xây dựng mô hình cánh đồng mẫu đầu tiên ở các huyện ngoại thành TP Cần Thơ.
Mô hình ban đầu Cty triển khai trên 200 ha. Những vụ tiếp theo, để chuẩn bị mở rộng SX quy mô lớn hơn, Cty tiếp tục đầu tư vào các khâu hậu cần sau thu hoạch như: Hệ thống nhà kho, máy sấy, các phương tiện vận chuyển lúa đồng bộ.
Theo cách làm này, đến năm 2014 Cty GENTRACO đã triển khai mở rộng trên 3.000 ha, và dự kiến kế hoạch năm 2015 liên kết với nông dân mở rộng SX tăng lên 4.000 ha.
Đặc biệt qua trải nghiệm 2 năm 2013-2014 triển khai quy trình SX lúa sạch trên 200 ha - đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gạo sang các nước EU, năm 2015 Cty sẽ mở rộng mô hình này lên 1.000 ha.
Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Cty CP GENTRACO, cho rằng: Đây chính là kết quả bước đi tiếp theo của mô hình cánh đồng mẫu. Quy trình SX được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi giá trị, từ giống lúa, vật tư nông nghiệp đầu vào có kiểm soát.
Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đảm bảo lúa thu hoạch đạt độ thuần cao. Khâu chế biến gạo thành phẩm sẽ qua kiểm tra trên 400 tiêu chuẩn, đảm bảo không có dư lượng thuốc BVTV. Song song đó phía khách hàng cùng theo dõi, kiểm soát từ quá trình SX trên đồng ruộng, nếu nông dân SX đạt yêu cầu đảm bảo chất lượng theo hợp đồng ký kết, phía khách hàng sẽ thưởng thêm 300 đồng/kg lúa.
Tuy hướng đi mới nông dân SX phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe, nhưng khi thực hiện thành công triển vọng mở ra cơ hội lớn, vì phía khách hàng là một Cty danh tiếng trong ngành chế biến thực phẩm ở châu Âu đang cần mở rộng vùng SX để thu mua sản lượng gạo lớn, giá cao.
“Nếu GENTRACO không thực hiện cùng nông dân liên kết SX trên cánh đồng lớn sẽ khó xây dựng thương hiệu gạo cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thông qua chính quyền địa phương, chúng tôi khởi đầu từ mối liên kết với các HTX, tổ nông dân SX và Cty cung cấp lúa giống chất lượng tốt nhất để tạo ra gạo thành phẩm đạt độ thuần cao nhất. Đó là lý do vì sao gạo thơm Jasmine GENTRACO luôn được khách hàng mua với giá cao hơn 10% so với gạo cùng loại trên thị trường", bà Lan cho biết.
Nhìn về hướng đi lâu bền, chính nhờ duy trì uy tín thương hiệu gạo Cty được nhiều khách hàng tín nhiệm. Trong năm 2014 đa số hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo đạt hiệu quả. Đến tháng 10/2014 Cty xuất khẩu đạt sản lượng 280.000 tấn và ước đến cuối năm đạt trên 310.000 tấn, cao hơn năm 2013 (sản lượng trên 290.000 tấn).
Vững vàng “hai chân”
Năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia thị trường gạo xuất khẩu, GENTRACO đã nhanh nhạy đầu tư ngành hàng chế biến gạo. 9 năm sau đó, GENTRACO chính thức xuất khẩu gạo trực tiếp và đạt bước tăng trưởng khá nhanh trong những năm 2005-2006, doanh thu bình quân đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm, tăng hơn gấp 10 lần so với thời kỳ cuối những năm 1990.
Bên cạnh thị trường gạo xuất khẩu, trong 10 năm qua Cty TNHH Gạo Việt - Cty thành viên của GENTRACO lại định hướng chiến lược xây dựng thương hiệu gạo bán trên thị trường nội địa.
Hiện nay Cty Gạo Việt đóng vai trò chính xây dựng thương hiệu gạo, từ thu mua lúa nguyên liệu, chế biến, thiết kế nhãn hàng, đóng bao bì theo trọng lượng 2 kg/túi, 5 kg/túi. Từ TP Đà Nẵng trở vào các tỉnh phía Nam sản phẩm gạo với các nhãn hàng Miss Cần Thơ, Cò Trắng, Ngọc Đồng, Ngọc Đỏ, nếp thơm Cò Trắng được bán trong 70-80 siêu thị của các hệ thống Coop Mart, Maximax, Big C, Lotte…
Song song đó, Cty Gạo Việt quảng bá sản phẩm gạo chất lượng cao Ngọc Đồng được SX theo tiêu chuẩn GlobalGAP thân thiện với môi trường. Sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc từ giống lúa ST ngon cơm nổi tiếng ở Sóc Trăng. Đây là sản phẩm gạo ngon - sạch đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng dành phân khúc thị trường gạo cao cấp, có giá bán cao hơn gạo thường 1.000-5.000 đồng/kg.
“Sản phẩm gạo muốn có thương hiệu uy tín bán được trên thị trường nội địa phải được chọn SX từ giống lúa thuần, ngon, mềm cơm và xay xát chế biến ra gạo trắng đóng gói không đấu trộn với bất kỳ giống lúa nào khác.
Thực tế cho thấy, quá trình xây dựng chất lượng và thương hiệu đã giúp cho gạo Việt tự tin trước yêu cầu đặt hàng gạo theo tiêu chuẩn cao cấp của các siêu trị trong nước và xuất khẩu. Gạo Việt đã xuất khẩu theo đơn đặt hàng bán vào siêu thị các nước EU, Mỹ, Mexico, Úc… tất nhiên với giá bán lẻ tăng cao gấp nhiều lần. Đó là giá trị của gạo có thương hiệu”, bà Lan nói.
Có thể bạn quan tâm
Rốn lũ Tứ giác Long Xuyên (An Giang) từng chịu thiệt hại nặng khi lũ lớn. Sau khi có hệ thống đê bao kiểm soát lũ an toàn và sản xuất 3 vụ mỗi năm, nơi đây trở thành vùng sản xuất trọng điểm lúa, hoa màu và đi đầu về cơ giới hóa nông nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó cam đường canh là loại cây triển vọng của địa phương.
Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn gây thiệt hại nặng trên diện rộng, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng bệnh, anh Huỳnh Văn Á, ở ấp Quí Thạnh, xã Nhị Quí, tỉnh Tiền Giang đã khống chế được dịch chổi rồng, đồng thời, xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ, nâng cao mức sống gia đình.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến chuyện cửa khẩu Tân Thanh đóng cửa, thương lái không “mặn mà” với các ruộng dưa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đến nay, Quảng Bình cũng đang chung cảnh dưa hấu rớt giá, người dân như “ngồi trên đống lửa”.
Cục BVTV cho biết, Bộ Nông nghiệp Australia vừa có văn bản chính thức cho phép NK quả vải tươi từ Việt Nam. Đây là tin vui và là cơ hội lớn cho người trồng vải thiều ở miền Bắc ngay từ vụ vải năm 2015.