Sa Pa phát triển bền vững vùng trồng su su hàng hóa
Để phát triển lâu dài cho cây trồng này, huyện Sa Pa đã quy hoạch chi tiết, trong đó hướng tới ổn định vùng trồng su su hàng hóa.
Nông dân huyện Sa Pa thu hoạch su su.
Nhiều năm trở lại đây, su su Sa Pa đang dần trở thành thực phẩm được ưa chuộng trong thực đơn của nhiều gia đình hay nhà hàng.
Do được trồng ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát quanh năm, nên su su ở đây có thời gian sinh trưởng kéo dài, quả có vị ngọt thanh, mùi thơm, thịt chắc và màu xanh sáng, đẹp mắt.
Sản phẩm su su Sa Pa được coi là một trong những món ăn ưa thích, đặc trưng của khách thập phương mỗi dịp ghé thăm nơi đây.
Với lợi thế là chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp, nên sản phẩm su su Sa Pa dễ tiêu thụ hơn, có giá thành cao hơn so với su su trồng tại địa phương khác.
Su su được trồng nhiều ở khu vực đèo Ô Quý Hồ, bao gồm các tổ dân phố số 11, 12, 13 và 14 thuộc thị trấn Sa Pa, quanh năm sương mù.
Hiện nay, toàn huyện Sa Pa có 120 ha su su, trong đó hơn 100 ha trồng để lấy quả. Mỗi vụ, 1 ha su su cho thu hoạch từ 55 - 60 tấn quả tươi.
Đầu vụ, su su quả có giá từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, đến vụ thu hoạch chính, su su được bán cho các đơn vị thu mua với giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Nhờ lợi thế về tính đặc sản và có thị trường tiêu thụ ổn định, giá su su tương đối cao, nhiều hộ dân thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng su su.
Là cây trồng mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, nhưng trong định hướng phát triển nông nghiệp, huyện Sa Pa sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không khuyến khích mở rộng diện tích.
Lý do là quá trình đô thị hóa khiến diện tích đất nông nghiệp tại thị trấn Sa Pa ngày càng ít và cây su su chỉ hợp với vùng đất Ô Quý Hồ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sa Pa nhận định: Nếu trồng su su ồ ạt sẽ mất đi tính đặc hữu của sản phẩm su su tại đây.
Bởi thế, những năm tiếp theo, huyện Sa Pa sẽ ổn định diện tích trồng su su ở mức 120 ha và tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá và nâng cao giá trị kinh tế.
Tại những địa phương khác, su su là cây ngắn ngày và được trồng hằng năm bằng quả giống. Còn ở Sa Pa, su su là cây lưu gốc, có thể cho thu hoạch đến 10 năm liên tiếp mà không phải trồng lại.
Với chu kỳ thu hoạch dài hạn, ngành nông nghiệp huyện Sa Pa khuyến khích và có nhiều biện pháp tư vấn, hỗ trợ người trồng su su kiên cố hóa hệ thống giàn bằng cột bê tông và dây thép.
“Việc kiên cố hóa giàn su su là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển cây trồng này trong tương lai, bởi những năm gần đây, Sa Pa liên tục có mưa tuyết, băng giá, nếu giàn không được kiên cố hóa dễ bị đổ, gãy, tốn nhiều công lao động cũng như chi phí đầu tư lại của người dân.
Cột chống để dựng giàn su su được đổ bê tông thay cho cột gỗ sẽ hạn chế việc người dân khai thác lâm sản, đồng thời chiều cao của giàn sẽ đồng đều hình thành “cánh đồng” su su trải dài trên tuyến đường từ thị trấn Sa Pa lên khu du lịch Thác Bạc, Thác Tình yêu.
Nếu được đầu tư xây dựng đồng bộ thì vùng trồng su su Sa Pa sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái thú vị, hấp dẫn” - ông Hùng nhấn mạnh.
Những năm gần đây, giá su su cũng từng bước được ổn định, không còn tình trạng mất giá, “ế hàng” như trước đây nữa.
Ngành nông nghiệp Sa Pa cũng quan tâm đến công tác xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa cho sản phẩm quả su su, từ khâu sản xuất đến việc liên kết với các đơn vị thu mua, có chiến lược quảng bá cho sản phẩm.
Nhằm xây dựng thương hiệu su su sạch, toàn bộ vùng trồng su su đều được quy hoạch nằm trong diện tích rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP huyện Sa Pa.
Đây cũng là tín hiệu vui cho người trồng su su tại Sa Pa.
Anh Nguyễn Trung Triết, một hộ dân trồng su su tại tổ dân phố số 12, thị trấn Sa Pa cho biết:
“Chúng tôi được tuyên truyền, hướng dẫn phải đảm bảo 100% là sản phẩm sạch, bản thân cây su su cũng không cần đến thuốc thuốc bảo vệ thực vật.
Do đó, trong quá trình thu hái và bảo quản, su su không cần sử dụng hóa chất”.
Ngoài thị trường tiêu thụ trong tỉnh, su su Sa Pa đang từng bước vươn ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Sản phẩm su su cũng dần được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các gian hàng tại các hội chợ thương mại, hội chợ quảng bá sản phẩm du lịch.
Thời gian tới, huyện Sa Pa sẽ xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm du lịch của Sa Pa, trong đó có su su tại thành phố Lào Cai cũng như các điểm dừng, đỗ dọc tuyến đường cao tốc để có thể quảng bá thương hiệu cho su su Sa Pa.
Với tất cả những động thái trên, hứa hẹn một tương lai phát triển ổn định và bền vững của cây su su trên vùng đất du lịch Sa Pa.
Có thể bạn quan tâm
Xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), vùng đất kinh tế mới hôm nay gần như độc canh cây cà phê với trên 95% diện tích đất nông nghiệp. Làm sao để cây cà phê nơi đây phát triển bền vững, mang lại lợi ích kinh tế cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và người thu mua cũng như giữ ổn định môi trường sinh thái đang là câu hỏi được đặt ra.
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Long Khánh (phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh - Đồng Nai) hiện có 10 hội viên chuyên sản xuất nấm. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường cả trăm tấn nấm các loại. Trong đó, thế mạnh của HTX là nấm mèo và nấm linh chi.
Hiện, ông Sùng Seo Sì đang hoàn tất những phần việc cuối cùng cho việc trồng cây tam thất, như làm đất, đóng cọc tre, chăng lưới sắt… Dự kiến sau gần 2 năm nữa, lứa tam thất đầu tiên của gia đình ông sẽ cho thu hoạch.
Thực hiện dự án mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới, năm 2013, huyện Sa Pa trồng mới được 29,4 ha đào Pháp tại các xã Sa Pả, Tả Phìn, Lao Chải, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 400 triệu đồng.
Dù được Nhà nước triển khai các chính sách hỗ trợ trong quá trình khai thác hải sản, nhưng nhiều ngư dân chuyên câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi sản lượng khai thác và giá cá giảm. Theo thống kê của Sở NN-PTNT sản lượng cá ngừ từ đầu năm đến nay ước đạt 4.250 tấn, giảm so với năm trước 29,8%.