Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Để Hương Chè Hà Thượng Bay Xa

Để Hương Chè Hà Thượng Bay Xa
Ngày đăng: 21/08/2013

Cây chè được xác định là cây mũi nhọn, nhưng trong nhiều thập niên qua vẫn chưa thực sự giúp người làm chè ở Hà Thượng giàu lên. Hơn thế, sản phẩm chè chưa an toàn khiến người thưởng trà không mặn mà, thậm chí không biết đến chè Hà Thượng. Với tâm huyết và trách nhiệm, những cán bộ của NuiPhao Mining đã góp phần đưa chè Hà Thượng từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bước đầu khẳng định thương hiệu

Hà Thượng là một trong những xã có diện tích chè lớn của huyện Đại Từ, với 116ha chè kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn diện tích lại được trồng bằng giống chè cũ (chè Trung du) cho năng suất, chất lượng thấp, cộng với phương thức sản xuất truyền thống, lạc hậu, người làm chè phải tốn nhiều công sức, chi phí cao mà chất lượng chè không ngon, giá bán bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp…

Trước thực trạng đó, để góp phần giúp người trồng chè ở những xã trong vùng Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, từ năm 2007, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã triển khai chương trình “Canh tác chè theo hướng bền vững” thu hút hơn 400 hộ dân tham gia, trong đó có 174 hộ thuộc xã Hà Thượng.

Những người tham gia thực hiện chương trình đã phải nỗ lực vượt qua không ít khó khăn để thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất lạc hậu… của người làm chè mới có được thành quả bước đầu: Ngày 29/7/2013, 18 hộ dân ở xóm 7 (Hà Thượng) đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGAP của Trung tâm Kiểm định Giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp.

Đồng nghĩa với đó, giá sản phẩm chè đã tăng lên gấp 1,5 lần so với những sản phẩm chè trước đây; năng suất đạt trên 20kg chè búp khô/sào/ lứa (tăng khoảng 5 kg chè búp khô/sào/lứa). Nhờ vậy, dù diện tích chè bị thu hẹp do ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, nhưng thu nhập của người nông dân không hề bị thay đổi, thậm chí còn cao hơn trước.

Nhưng điều đáng mừng hơn cả là nhờ sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè đã không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không gây độc hại cho người uống trà và cả người sản xuất, hạn chế được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định.

Trong số 13 xóm trong toàn xã, xóm 7 là một trong những xóm trồng nhiều chè của Hà Thượng, đồng thời cũng là xóm có chất lượng chè cao hơn so với các xóm khác và nhiều xã trong khu vực, có 70% số hộ trồng chè, 30% diện tích đã được bà con chuyển sang trồng các giống chè cành có chất lượng cao như LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… Từ những tiêu chí trên, xóm 7 mới được lựa chọn là địa điểm xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, khi triển khai chương trình, bênh cạnh những thuận lợi (nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; thuận lợi về khi hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước tưới chè…), thì những người làm chương trình cũng gặp phải không ít khó khăn: người  nông dân đa phần đã quen với phương pháp sản xuất chè truyền thống trong khi đó sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP không phải là dễ do các tiêu chí rất khắt khe, bao gồm 12 nội dung như: đánh giá và lựa chọn vùng trồng chè; mẫu đất, mẫu nước, quản lý thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất..., tất cả đều phải ghi chép đầy đủ, lưu trữ hồ sơ, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản phẩm…

Do vậy, khi bước đầu thực hiện, không phải hộ nông dân nào cũng có thể hiểu và làm tốt được, phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, tập huấn… Nhưng bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ Dự án Núi Pháo, sự phối hợp, ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền địa phương, chương trình bước đầu đã đạt được những thành công nhất định.

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc NuiPhao Mining chia sẻ: Để đạt được các yêu cầu đề ra, Công ty đã tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật, trình độ hiểu biết về sản xuất chè an toàn cho người dân; tổ chức đưa các hộ nông dân đi tham quan các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ.

Hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất, như: Hỗ trợ 50% số vốn mua tôn inox sao chè, 50% số vốn mua máy hút chân không; hỗ trợ nhãn mác, bao bì, đăng ký mã số, mã vạch và quảng bá sản phẩm…

Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ 18 hộ làm chè ở xóm về việc ghi chép nhật ký, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sắp tới các hộ sẽ tham gia Hội chè ở huyện và tỉnh. Bộ phận Quan hệ cộng đồng của Công ty đang có kế hoạch mở rộng chương trình sang một số xóm khác của xã Hà Thượng và sau đó có thể thực hiện chương trình này ở 2 xã Hùng Sơn và Tân Linh.

Sản phẩm chè an toàn không đủ bán

Dạo quanh những nương chè ở xóm 7, chúng tôi cũng như những người nông dân đang thu hái chè không cần phải bịt khẩu trang để tránh mùi thuốc bảo vệ thực vật sộc vào mũi như trước đây. Anh Nguyễn Đình Năng, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè an toàn xóm 7 phấn khởi giới thiệu: Tổ sản xuất có 18 hội viên với 6,5ha chè được trồng bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nếu trước kia, giá bán chè của chúng tôi chỉ được 40-60 nghìn đồng/kg (chè Trung du) thì nay đã bán được với giá 160-180 nghìn/kg (chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…). Điều đáng mừng là các hộ làm chè an toàn đều không có đủ sản phẩm để bán, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó.

Có nhiều tư thương còn phải đặt hàng trước cả tháng. Trước kia, chúng tôi thường phun thuốc trừ sâu độc hại, sản xuất chè theo kiểu “sân sao, gà đảo, chảo lấy hương”… khiến sản phẩm chè không chỉ bẩn mà còn có tồn dư của thuốc trừ sâu rất nguy hại cho sức khỏe, thì nay, chè được trồng bằng giống mới, phun các loại thuốc sinh học nằm trong danh mục cho phép; sau khi chè thu hái về, được cho lên giàn héo cách ly mặt đất; sao sấy chè bằng ton inoc có ống khói thay cho tôn sắt không ống khói…

Chúng tôi có được niềm vui, thành quả ngày hôm nay là nhờ có Dự án Núi Pháo, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho chúng tôi được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm; được tập huấn kỹ thuật và áp dụng các phương pháp tiên tiến vào sản xuất chè… Cây chè từng bước cho hiệu qủa kinh tế cao đã giúp các hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Để khẳng định lời ông Năng nói là đúng, hội viên Nguyễn Văn Đề cho biết: Gia đình tôi có gần 5.000 mét vuông chè, sản phẩm làm ra không đủ bán, bình quân thu nhập mỗi tháng đạt hơn 6 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí). Tôi cảm ơn Dự án Núi Pháo, chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ người làm chè như chúng tôi, để chúng tôi không chỉ thoát nghèo nhờ cây chè mà còn làm giàu nhờ cây chè…

Việc triển khai mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGapcó ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người nông dân, thay đổi tập quán canh tác chè theo hướng truyền thống sang thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm mang lại năng suất, chất lượng cao. Từ kết quả bước đầu của mô hình, theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với NuiPhao Mining đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chăm sóc thâm canh đẩy mạnh cây chè theo hướng an toàn nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, với mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và bảo vệ môi trường đồng thời nhân rộng được mô hình ra toàn xã, tạo dựng được thương hiệu riêng cho chè Hà Thượng và để việc phát triển cây chè thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Hà Thượng.

Trước khi chia tay, ông Nguyễn Đình Năng còn níu chúng tôi lại để khoe những sản phẩm chè của gia đình đã được sản xuất, bảo quản kỹ càng ra sao. Mắt ông ánh lên niềm vui khi nâng trên tay những gói chè đã được hút chân không, bọc bằng giấy vàng óng ánh. Ông còn kéo chúng tôi xuống bếp, mở cho xem chiếc tủ lạnh đầy ăm ắp thức ăn; giới thiệu về lò nướng thịt, bếp ga của gia đình… Tôi vui lây niềm vui của người nông dân khi đời sống đã được nâng cao và ngày càng khấm khá. Lướt qua những vạt chè búp non tua tủa, tôi thầm nghĩ: Đây đích thực là cây “làm giàu”. Mong sao ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.


Có thể bạn quan tâm

Đổi thay Măng Lùng Đổi thay Măng Lùng

Làng Măng Lùng thuộc thôn 2 xã Trà Linh (Nam Trà My), theo tiếng Xê Đăng có nghĩa là sương mù. Ở độ cao hơn 1.000m trên sườn núi Ngọc Linh nhưng cuộc sống của người Xê Đăng nơi đây không còn nghèo đói là nhờ trồng sâm Ngọc Linh.

28/10/2015
Sắp xếp đổi mới các nông lâm trường còn nhiều ách tắc Sắp xếp đổi mới các nông lâm trường còn nhiều ách tắc

Quảng Nam chủ trương sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh nhiều năm nay, song còn đó những bất cập trong quản lý, phát triển tài nguyên rừng.

28/10/2015
Đồng quản lý nghề cá ven bờ góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản Đồng quản lý nghề cá ven bờ góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản

Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ ở Khánh Hòa đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản.

29/10/2015
Nghiên cứu tác động môi trường phát triển bền vững nghề nuôi cá lóc Nghiên cứu tác động môi trường phát triển bền vững nghề nuôi cá lóc

Ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt đề tài nghiên cứu các vấn đề môi trường và đề xuất giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi cá lóc trên địa bàn tỉnh (Công văn số 3376/NN-UBND).

29/10/2015
Quyết tâm làm giàu từ biển Quyết tâm làm giàu từ biển

Một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh xác định từ nay đến năm 2020 là đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển.

29/10/2015