Rừng Tốt, Dân Giàu
Địa bàn hoạt động rộng, tài sản rừng trồng nằm trên địa bàn 11 xã của hai huyện Tân Sơn và Thanh Sơn, đó là những khó khăn trong công tác quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài.
Tuy vậy, do chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của rừng trong phát triển bền vững; đồng thời giải quyết hài hòa các lợi ích từ trồng rừng và bảo vệ rừng giữa doanh nghiệp, cơ sở và người dân nên hàng năm Công ty vẫn đảm bảo diện tích trồng rừng và bảo vệ rừng; tác động tích cực đến kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Năm 2014, Công ty đạt giá trị sản xuất công nghiệp xấp xỉ 27,4 tỷ đồng; doanh thu 30,3 tỷ đồng, nộp ngân sách 139 triệu đồng. Cả năm, Công ty trồng được 369ha rừng, chăm sóc 855ha, quản lý, bảo vệ 1.200ha… Điều đáng nói là, trong sản xuất lâm nghiệp, Công ty đã thực hiện triệt để cơ chế khoán đến người lao động, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến nên năng suất, sản lượng, chất lượng nguyên liệu giấy đạt mức cao so với các đơn vị thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Đó là những khái quát về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Nhưng điều có ý nghĩa hơn kết quả đó là những lợi ích mang tính xã hội từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty trên địa bàn các xã phía Tây Nam huyện Thanh Sơn, Tân Sơn.
Đồng chí Phạm Mạnh Quỳ, Giám đốc Công ty khẳng định: Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và bảo vệ môi trường sinh thái; là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đi sâu tìm hiểu về vấn đề này, được biết, bên cạnh việc đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, khuyến khích tăng năng suất và hiệu quả trồng rừng, Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ công nhân phát triển kinh tế gia đình. Lãnh đạo Công ty cũng như các đoàn thể thường xuyên tư vấn kiến thức về phát triển chăn nuôi, kinh tế đồi rừng cho các chủ hộ; tổ chức cho CBCNV tham quan một số mô hình kinh tế hộ tiêu biểu để học tập, trao đổi kinh nghiệm. Công ty còn tạo điều kiện về đất đai, vốn, giống để các hộ phát triển kinh tế gia đình.
Chính vì vậy mà đời sống CBCNV trong Công ty được cải thiện và nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình có thu nhập khá cao. Đồng chí Chủ tịch công đoàn Công ty cho biết: Ở đơn vị chúng tôi đến nay không còn hộ nghèo, một số hộ tiêu biểu như các gia đình anh Nguyễn Văn Dũng; anh Phùng Đình Bính (đội 1); anh Trần Văn Khỏi, chị Hà Thị Minh Huệ, anh Nguyễn Văn Chiến (đội 2); anh Phạm Văn Thân (đội 11)… có thu nhập bình quân từ 70 - 80 triệu đồng/năm bằng phát triển kinh tế gia đình.
Hàng năm, Công ty còn thu hút, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 500 - 550 lao động địa phương tham gia công việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng với Công ty. Theo số liệu tài vụ Công ty cung cấp, tổng số tiền công lao động mà Công ty đã thanh toán cho người dân địa phương năm 2014 là 7,8 tỷ đồng! Bằng hợp đồng sản xuất với Công ty, nhiều hộ đã có việc làm và thu nhập ổn định, mua sắm được những vật dụng đắt tiền, xây dựng được nhà ở kiên cố; góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Công ty chú trọng chuyển giao kỹ thuật trồng rừng và dịch vụ cây giống có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để nhân dân địa phương trồng rừng; chủ động phương án thu mua, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân địa phương tham gia phát triển kinh tế đồi rừng. Công ty còn phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quy hoạch các tuyến đường phục vụ vận chuyển gỗ nguyên liệu giấy kết hợp với đường dân sinh; đã nâng cấp, sửa chữa 12,5 km đường vận chuyển với giá trị đầu tư hàng trăm triệu đồng. đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Thực hiện cam kết về “Quản lý rừng bền vững” theo tiêu chuẩn quốc tế, Công ty đã chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung về bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể như không sử dụng các hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng của Việt Nam và Quốc tế trong quá trình sản xuất.
Trong sản xuất cây giống, đơn vị đã sử dụng túi bầu Polyme có thành phần bột cao, thời gian phân huỷ nhanh; khi trồng rừng tất cả túi bầu đã được thu gom để xử lý theo quy định. 100% diện tích rừng sau khai thác đã được trồng rừng hoàn nguyên môi trường theo đề án quản lý rừng bền vững.
Công ty đã thực hiện kế hoạch khoanh nuôi bảo vệ các diện tích rừng ven suối, chân khe nhằm tăng cường tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái. Bên cạnh đó đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ công nhân viên chức trong đơn vị về ý thức bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan nơi trụ sở làm việc của các đội và khu tập thể của công nhân viên luôn đảm bảo xanh - sạch - đẹp.
Tác động tích cực để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tổ chức, vận động, hướng dẫn công nhân, nông dân cùng phát triển lâm nghiệp, thực hiện nông - lâm kết hợp; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện; Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tạo động lực và sức lan tỏa phát triển nghề rừng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Còn theo ngành chuyên môn: Nuôi tôm trái vụ không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, để quản lý tốt các yếu tố môi trường nước trong ao đầm nuôi tôm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, sẽ hạn chế được rũi ro do yếu tố thời tiết bất lợi.
Sở NN&PTNT cho biết, trong vụ lúa hè thu chính vụ 2014, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với nhiều doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa.
Dòng sông Yên lững lờ uốn lượn qua nhiều xã phía nam huyện Quảng Xương. Tự ngàn đời, dòng nước trong xanh với đôi bờ cây lá xum xuê không chỉ mang lại phong cảnh hữu tình cho các xã vùng chiêm trũng mà sông Yên còn bồi lắng phù sa cho đồng ruộng tốt tươi.
Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh xảy ra trên diện rộng đối với cây mít do bà con chưa thực hiện đúng quy trình canh tác và phòng tránh sâu bệnh, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật làm chết các loại thiên địch, cộng với thời tiết không thuận lợi, nóng ẩm thất thường, tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có hại phát triển.
Ông Trần Vững, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), cho biết: Giá cá sặc bổi hiện nay giảm quá mạnh. Nhiều hộ dân đã đến thời điểm thu hoạch cá mà không dám lên hầm vì không có lời, còn hộ nào đi vay nợ để làm mô hình này thì lỗ nặng.