Rộng Đường Xuất Khẩu Cá Cảnh

Xuất khẩu cá cảnh đang mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều hộ nông dân tại TP.HCM và một số tỉnh ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp... khi giá cá ổn định, liên tục có nhiều đơn hàng mới. Xuất khẩu tăng
Thông tin từ Sở NNPTNT TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2013, thành phố đã xuất khẩu (XK) hơn 7 triệu con cá cảnh, tăng 3,5% so cùng kỳ. Tổng đàn cá cảnh của thành phố hiện có hơn 63 triệu con, tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước. Trước đó, lượng cá cảnh XK trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến với mức hơn 32% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Tống Hữu Châu – chủ Doanh nghiệp cá cảnh Châu Tống (quận 12, TP.HCM) cho biết, lượng cá XK tăng do trong thời gian gần đây công tác xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp đã có hiệu quả hơn trước. Nhiều bạn hàng từ các nước như Mỹ, Úc, Canada… đã liên hệ đặt hàng để XK thử, sau đó quay lại tiếp tục hợp tác. Mỹ và Canada đang là 2 thị trường lớn với nhiều khách hàng mới của cá cảnh Việt Nam. “Giá cá cảnh Việt Nam hiện không quá cao, cạnh tranh tốt nên phía đối tác thường chấp nhận luôn mức giá nhà XK đưa ra, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam” - ông Châu nói.
Ông Hồ Nhuận Đăng Sơn – Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An, đồng thời là nông dân nuôi cá cảnh tại TP.Tân An cho biết, từ đầu năm đến nay, các đơn hàng nhập cá cảnh liên tục tăng, giá cá ổn định nên lợi nhuận cho người nuôi cũng rất khá. “Riêng năm 2012, lợi nhuận từ việc nuôi 100 hồ cá dĩa và 2ha cá cảnh đạt gần 500 triệu đồng” - ông Sơn nói. Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cũng cho biết, thị trường tiêu thụ lớn nhất cá cảnh Việt Nam là các nước EU, lên đến 73%, còn lại là châu Á và Mỹ.
Nâng cao chất lượng cá
Dù hoạt động XK cá cảnh đang rất tốt nhưng theo một số doanh nghiệp trong nước, cá cảnh Việt Nam cũng đang gặp một số rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu. Các hộ nuôi cá do đó phải nâng cao kỹ thuật nuôi để đảm bảo chất lượng cá, an toàn với các dịch bệnh… Ông Tống Hữu Châu cho biết, cá chép cũng là một loại cá cảnh được nhiều hộ nông dân nuôi ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, tuy nhiên, hoạt động XK từ đầu năm đến nay không được thuận lợi. Hiện tại có 4 doanh nghiệp được cấp phép XK cá chép sang Mỹ, tuy nhiên, nhiều rào cản kỹ thuật tại nước nhập khẩu đã khiến việc XK bị gián đoạn.
Sở NNPTNT TP.HCM cũng cho biết, giá trị xuất khẩu cá cảnh năm 2012 đạt 400 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2008.
Trước tình hình đó, Sở NNPTNT TP.HCM đã kết hợp với Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM xây dựng dự thảo quy phạm thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh (GMP). Dự án được thực hiện từ tháng 10.2011 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10.2013. Hội Sinh vật cảnh Long An cũng đang hướng các hộ nuôi tới việc áp dụng GMP trong việc nuôi cá cảnh, trong tháng 10 tới sẽ thử nghiệm trên một số trại của các hội viên trong tỉnh. Quy trình GMP cũng đang được ông Tống Hữu Châu nhân rộng trên toàn trại cá Châu Tống nhằm nâng cao chất lượng cá, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và XK thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Hàng năm, thiệt hại trên diện tích tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn lớn, có năm thiệt hại tới 70-80% diện tích thả nuôi. Năm 2013 dù là vụ nuôi tôm khá thành công của các hộ dân tỉnh Sóc Trăng, nhưng thiệt hại cũng chiếm trên 30%. Còn vụ tôm năm 2014, tuy mới qua nửa chặng đường, nhưng thiệt hại đã chiếm tới 36% diện tích thả nuôi.

Cá chiên, loài cá được mệnh danh là chúa tể lòng sông Đà vì bản tính hung dữ và có trọng lượng trưởng thành lên tới 70kg (nhiều tài liệu ghi 90kg). Đây còn là loài cá thuộc nhóm “tứ quý”, dùng để tiến vua... Rất nhiều người đã tốn bao công sức để thuần hóa loài cá này, nhưng đều thất bại. Câu chuyện nuôi cá Chiên tưởng chừng khó thì nay đã thực hiện thành công trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ngày 21-7, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng, Trưởng bộ môn nuôi thủy sản nước mặn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, ông và các cộng sự đã sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh.

Hiện nay, bệnh trên con tôm bùng phát tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, Phú Yên) khiến nhiều người nuôi lỗ vốn. Nguyên nhân vẫn là “điệp khúc” do thời tiết không thuận lợi, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp…

Theo thống kê của phòng NN &PTNT huyện Đà Bắc, tính đến hết tháng 11, toàn huyện đã phát triển được 683 lồng cá, vượt 183 lồng, đạt 136% kế hoạch cả năm.