Rộng Đường Xuất Khẩu Cá Cảnh

Xuất khẩu cá cảnh đang mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều hộ nông dân tại TP.HCM và một số tỉnh ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp... khi giá cá ổn định, liên tục có nhiều đơn hàng mới. Xuất khẩu tăng
Thông tin từ Sở NNPTNT TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2013, thành phố đã xuất khẩu (XK) hơn 7 triệu con cá cảnh, tăng 3,5% so cùng kỳ. Tổng đàn cá cảnh của thành phố hiện có hơn 63 triệu con, tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước. Trước đó, lượng cá cảnh XK trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến với mức hơn 32% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Tống Hữu Châu – chủ Doanh nghiệp cá cảnh Châu Tống (quận 12, TP.HCM) cho biết, lượng cá XK tăng do trong thời gian gần đây công tác xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp đã có hiệu quả hơn trước. Nhiều bạn hàng từ các nước như Mỹ, Úc, Canada… đã liên hệ đặt hàng để XK thử, sau đó quay lại tiếp tục hợp tác. Mỹ và Canada đang là 2 thị trường lớn với nhiều khách hàng mới của cá cảnh Việt Nam. “Giá cá cảnh Việt Nam hiện không quá cao, cạnh tranh tốt nên phía đối tác thường chấp nhận luôn mức giá nhà XK đưa ra, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam” - ông Châu nói.
Ông Hồ Nhuận Đăng Sơn – Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An, đồng thời là nông dân nuôi cá cảnh tại TP.Tân An cho biết, từ đầu năm đến nay, các đơn hàng nhập cá cảnh liên tục tăng, giá cá ổn định nên lợi nhuận cho người nuôi cũng rất khá. “Riêng năm 2012, lợi nhuận từ việc nuôi 100 hồ cá dĩa và 2ha cá cảnh đạt gần 500 triệu đồng” - ông Sơn nói. Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cũng cho biết, thị trường tiêu thụ lớn nhất cá cảnh Việt Nam là các nước EU, lên đến 73%, còn lại là châu Á và Mỹ.
Nâng cao chất lượng cá
Dù hoạt động XK cá cảnh đang rất tốt nhưng theo một số doanh nghiệp trong nước, cá cảnh Việt Nam cũng đang gặp một số rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu. Các hộ nuôi cá do đó phải nâng cao kỹ thuật nuôi để đảm bảo chất lượng cá, an toàn với các dịch bệnh… Ông Tống Hữu Châu cho biết, cá chép cũng là một loại cá cảnh được nhiều hộ nông dân nuôi ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, tuy nhiên, hoạt động XK từ đầu năm đến nay không được thuận lợi. Hiện tại có 4 doanh nghiệp được cấp phép XK cá chép sang Mỹ, tuy nhiên, nhiều rào cản kỹ thuật tại nước nhập khẩu đã khiến việc XK bị gián đoạn.
Sở NNPTNT TP.HCM cũng cho biết, giá trị xuất khẩu cá cảnh năm 2012 đạt 400 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2008.
Trước tình hình đó, Sở NNPTNT TP.HCM đã kết hợp với Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM xây dựng dự thảo quy phạm thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh (GMP). Dự án được thực hiện từ tháng 10.2011 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10.2013. Hội Sinh vật cảnh Long An cũng đang hướng các hộ nuôi tới việc áp dụng GMP trong việc nuôi cá cảnh, trong tháng 10 tới sẽ thử nghiệm trên một số trại của các hội viên trong tỉnh. Quy trình GMP cũng đang được ông Tống Hữu Châu nhân rộng trên toàn trại cá Châu Tống nhằm nâng cao chất lượng cá, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và XK thời gian tới.
Related news

Có một thời gian do nhiều yếu tố như thị trường không ổn định, người dân thiếu quan tâm, nhiều diện tích cam bị già cỗi, sâu bệnh, vùng cam Bắc Quang và một số vùng trồng cam trong tỉnh Hà Giang bị suy giảm diện tích. Từ đó, làm lãng phí một tiềm năng và một đặc sản vốn là niềm tự hào của đất Hà Giang. Với chủ trương phục hồi và phát triển các diện tích cam, quýt, huyện Bắc Quang đã và đang quan tâm, chú trọng đến vấn đề chất lượng nhằm không chỉ phục hồi mà còn đưa trái cam sành Bắc Quang không ngừng vươn xa...

Huyện Tân Phước là một huyện nghèo của tỉnh Tiền Giang, nhân dân quanh năm chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Xác định cây khóm, khoai và lúa là cây trồng chủ lực nên huyện Tân Phước từng bước thay da đổi thịt.

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2013 Trung tâm KNKNKN Thái Bình thực hiện mô hình nuôi ghép cá chép V1 là chính thuộc dự án “Phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống và nuôi cá hồ chứa” với qui mô 10.000m2 tại huyện Vũ Thư.

Tính đến cuối tháng 10-2013, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong cả nước giảm mạnh, chỉ còn bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái, dù số địa phương có dịch có chiều hướng tăng lên. Đây được xác định là điều kiện góp phần đưa xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám tại Hội nghị "Phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014" do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 8-11 tại TP Cần Thơ.