Rơm Rạ Được Mùa, Trúng Giá
Trong khi nhiều nông dân ở các địa phương khác phải đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch xong lúa để chuẩn bị dọn đồng, làm đất xuống giống cho vụ mùa tới thì tại các xã Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ (Trà Ôn - Vĩnh Long), nhiều nông dân phấn khởi vì rơm rạ ngoài đồng được thương lái đến thu mua với giá khá cao, từ 1 triệu đồng/ha trở lên.
Trước đây, giá rơm rất rẻ, dao động trong khoảng 40.000 - 50.000đ/công nhưng vẫn có rất ít người hỏi mua. Nhiều nông dân phải đốt bỏ hoặc cho người khác nuôi bò hoặc phủ gốc giữ ẩm cho cây trồng.
Song những ngày gần đây, rơm rạ ở một số cánh đồng của huyện Trà Ôn được thương lái đến thu mua tại ruộng với khối lượng lớn và giá khá cao, mang lại niềm vui bất ngờ cho nhiều bà con nơi đây và nhất là cho những người được thuê mướn cuốn rơm thành phẩm.
Từ tiền bán rơm, người dân có thể xoay xở chi trả tiền công gặt hái, tiền thuê mướn nhân công chuyên chở lúa về nhà. Nhiều người còn hồ hởi, vui mừng vì có tiền mua sắm, trang trải trong những ngày tết.
Anh Trần Văn Hiểu (ấp Vĩnh Khánh I, xã Vĩnh Xuân - Trà Ôn) phấn khởi cho biết: “Năm nay nông dân làm lúa trúng mùa mà lại rớt giá. Nhờ có Công ty Phước Lê thu mua rơm, rơm ruộng ven quốc lộ bán được 100.000đ/công. Tui được 15 công, bán được một triệu rưỡi. Số tiền này mua sắm, trang trải được trong ba ngày xuân”.
Còn anh Lê Văn Châu (Càng Long - Trà Vinh) thì vui mừng nói: “Tôi được người ta thuê lên đây để xe rơm, cuốn rơm. Một công rơm vậy là 100.000đ. Hổm nay, tui xe cũng được năm sáu chục công rồi. Từ nay đến tết chắc cũng xe được vài trăm công, kiếm được một số tiền để vui xuân đón tết”.
Nguyên nhân khiến rơm rạ trở nên khan hiếm, hút hàng là do hiện tại có nhiều hộ dân địa phương mở rộng mô hình trồng nấm, trồng rau; nuôi bò trang trại, tích trữ rơm làm thức ăn cho bò vào mùa khô do thiếu cỏ; một số người thì dùng lót giỏ trái cây, củ quả khi vận chuyển, nhất là thu hoạch dưa hấu dịp tết này.
Riêng các công ty kinh doanh thương mại thì thu mua rơm để bán lại cho các đầu mối ở các tỉnh (Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, Bình Thuận) và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc cung không đủ cầu dẫn đến nhiều thương lái bỏ lỡ hợp đồng với các công ty nước ngoài.
Ông Lê Minh Phước - Giám đốc Công ty Phước Lê (TP Hồ Chí Minh) tiếc rẻ nói: Công ty Phước Lê chuyên nhập khẩu và phân phối máy cuốn rơm cũng như kinh doanh về lĩnh vực trang trại chăn nuôi bò. Tôi xuống Trà Ôn, Vĩnh Long để thu mua rơm và tổ chức cuốn rơm. Giá công ty mua hiện tại là 100.000đ công tầm 3 thước. Tuy nhiên, do hạn chế về sản lượng thu gom rơm nên chưa thể đáp ứng thị trường xuất khẩu được”.
Rơm rạ - sản phẩm tưởng như phế phụ bỏ đi giờ lại tăng vọt trong khi giá lúa lại thấp. Nhiều nông dân ở đây cho biết bán rơm “khỏe” và nhanh hơn nhiều so với bán lúa.Vụ lúa Đông Xuân này, nhiều nông dân ở các xã Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ (Trà Ôn) không còn cảnh ngập khói, ngột ngạt vì hiện tượng đốt đồng, đốt rơm. Năm nay, nông dân Trà Ôn thất giá lúa, nhiều thương lái bẻ kèo, bỏ cọc không mua, bù lại trúng mùa.
Có thể bạn quan tâm
Bằng Giã là một trong những xã có diện tích mặt nước lớn của huyện Hạ Hoà, rất thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản. Xã có 12 khu dân cư, với tổng diện tích tự nhiên là 840ha, trong đó diện tích mặt nước 154ha. Hệ thống đầm, hồ ở đây rất phong phú, đa dạng lại ở sát bờ sông Thao và ngòi Lao nên có thế mạnh để phát triển thuỷ sản đa dạng.
Bệnh nhiệt thán hay còn gọi là bệnh than là bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loài gia súc và người. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn một số tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang…) đã xảy ra nhiều ổ bệnh nhiệt thán ở gia súc và lây sang người.
Những năm gần đây, do quá trình đô thị hoá diện tích đất nông nghiệp của xã Sông Lô, thành phố Việt Trì ngày càng thu hẹp, chính quyền địa phương đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó vùng sản xuất rau an toàn là một trong những hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đồng thời đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Trong thời gian 3 tháng, những nông dân nòng cốt tại các địa phương này tập trung học theo chu kỳ phát triển của cây trồng ngay trên đồng ruộng. Hình thức tổ chức lớp học thực tế theo nhóm nhằm giúp người nông dân hiểu được việc canh tác theo phương thức sinh thái, thâm canh tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Thực tế tại nhiều địa phương của Đại Lộc như: Đại Hồng, Đại Chánh, Đại Sơn, Đại Hưng… trâu là vật nuôi được bà con chú trọng. Việc nuôi trâu để tạo sức kéo, cày bừa không còn được quan trọng mà tạo sản phẩm hàng hóa mới là vấn đề cốt lõi tại các địa phương này.