Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Anh hùng Hồ Giáo và những kỷ niệm đẹp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Anh hùng Hồ Giáo và những kỷ niệm đẹp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Ngày đăng: 19/10/2015

Giấy, bút bác Đồng

Theo lời ông Hồ Giáo thì lần đầu tiên ông được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng là vào năm 1965- một năm trước khi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Vào một sáng đầu đông, trời Ba Vì se lạnh, sương mù giăng đầy nông trại bò sữa.

Đang lúi húi đỡ đẻ cho một con bò đốm lông vàng thì ông Hồ Giáo được thông báo về thay quần áo mới để 2 giờ chiều đón khách Trung ương về thăm.

“Tôi để lại 2 công nhân tiếp tục chăm nom con bê mới ra đời, cho cả đội về ăn cơm trưa sớm hơn thường lệ.

1 giờ 30 chiều chúng tôi đã quay trở lại nông trại, quần áo xanh công nhân chỉnh tề.

2 giờ 30 một đoàn cán bộ đến thăm Đội 8 do tôi quản lý.

Đi đầu là giám đốc nông trường, tiếp theo là một người đàn ông cao to, áo đại cán, mũ bêrê.

Trước đó chúng tôi đã được thông báo, sau khi làm việc với Ban lãnh đạo nông trường, đoàn sẽ trực tiếp xuống thăm Đội 8 và nghe tôi báo cáo công việc.

Khi đoàn xuống tôi mới được thông báo đó là Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng”- ông Hồ Giáo nhớ lại.

 

Anh hùng Lao động Hồ Giáo.

Ở thời điểm này ông Hồ Giáo đang được Ban lãnh đạo Nông trường Bò sữa Ba Vì xây dựng thành điển hình tiên tiến.

Ông Hồ Giáo đã thay mặt tập thể công nhân nông trường báo cáo với người đứng đầu Chính phủ.

“Nghe tôi báo cáo xong cụ Đồng hỏi: “Hình như đồng chí người Quảng Ngãi?”.

“Dạ, cháu người Sơn Tịnh!”.

Cụ à một tiếng rồi cười khà khà: “Tôi quê Mộ Đức đây!”.

Tôi thấy nóng ran cả người.

Có gì đó vừa gần gũi, vừa trìu mến.

Sau đó Thủ tướng nói chuyện với anh em công nhân khá lâu.

Cuối buổi cụ Đồng hỏi tôi: “Chú học hết lớp mấy rồi?”.

Tôi ngượng chín cả người, ấp úng: “Dạ cháu mới hết bổ túc lớp 2 thôi ạ”.

Cụ Đồng nói với tôi nhiều điều hết sức chí lý.

Cụ dặn phải nhớ học văn hóa.

Có kiến thức mới phục vụ cách mạng tốt được”.

Kể từ ngày ấy quan hệ giữa người đứng đầu Chính phủ với anh đội trưởng chăn bò càng trở nên thân thiết hơn.

“Một hôm tôi đang lúi húi tắm cho con bê con thì được bảo lên Ban giám đốc nhận quà.

Mở ra thấy mấy tập giấy, một hộp bút và lá thư ngắn của cụ Đồng dặn tôi phải tiếp tục học văn hóa để nâng cao trình độ.

Tôi đứng lặng đi mà hai dòng nước mắt cứ ứa ra”- ông Hồ Giáo kể.

Năm 1966, ông Hồ Giáo được phong Anh hùng Lao động.

Ông về Hà Nội, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời đến nhà ăn cơm.

Khi ra về ông còn được Thủ tướng tặng chiếc xe đạp Thống Nhất.

“Chú về tập đi xe đạp để tối lại đi học văn hóa nhé!”- Thủ tướng ân cần dặn dò ông.

Chuyện nhà ông Hồ Giáo

Năm 1978, trước khi chuyển 502 con trâu Murah vào Nam để xây dựng Nông trường Trâu sữa Sông Bé do Chính phủ Ấn Độ tặng Việt Nam, trong đó có 2 con do đích thân Thủ tướng Ấn Độ tặng riêng cho mình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng căn dặn Anh hùng Hồ Giáo nhiều điều; trong đó đặc biệt nhấn mạnh là ông Giáo phải lo chuyện...

lấy vợ.

Tuy vậy, cũng phải tới 4 năm sau đó, năm 1982, Hồ Giáo mới cưới vợ.

Năm ấy ông đã 52 tuổi.

Ông Hồ Giáo rất hiếm khi kể về cuộc sống riêng của mình, nhất là chuyện ông lấy vợ.

Sống với ông một tuần vào đầu năm 2001, sau không ít lần gợi chuyện, và trong một buổi chiều mưa phùn lạnh giá, bên bếp lửa trại, ông đã trải lòng.

“Tôi đã không có ý định lập gia đình nữa vì tuổi đã cao.

Mặc dù trước khi vào Sông Bé, cụ Đồng đã dặn là phải cưới vợ.

Khi ấy tôi đã hứa với cụ, nhưng cứ nghĩ, nể cụ thì hứa và cụ sẽ quên chuyện ấy thôi, nào ngờ thi thoảng cụ lại hỏi thăm và nhắc chuyện”- ông Hồ Giáo kể.

Trầm ngâm một lúc, rồi ậm ừ mãi, dường như có điều gì đó Hồ Giáo rất muốn nói nhưng không biết bắt đầu ra sao.

Tôi gợi chuyện: "Thế từ trước đến nay ông không yêu ai à?".

Hồ Giáo ngồi yên, mắt nhìn ra xa xăm, rồi ông nói: “Trước khi lên rừng tôi có hẹn ước với một người con gái.

Cô ấy là người cùng làng, đẹp, thuỳ mị.

Trước hôm chia tay cô ấy khóc rất lâu, rồi thổn thức: “Biết là không giữ được chân anh… Anh cứ đi, em sẽ chờ”.

Và cô ấy đã chờ tôi, chờ đến 20 năm trong tuyệt vọng.

Sau này một người bạn cùng quê kể với tôi rằng năm 1968 cô ấy mới đi lấy chồng vì tưởng tôi đã chết.

Tôi cũng chung thuỷ với cô ấy nên suốt những năm tháng ở miền Bắc tôi không hề yêu ai” - Hồ Giáo rơm rớm nước mắt.

“Thế còn chị nhà bây giờ” - tôi tò mò.

Hồ Giáo tủm tỉm cười: “Không biết có phải đây là tình yêu sét đánh không.

Hôm thằng cháu tôi (vợ hắn công tác cùng cơ quan với cô ấy) dắt tôi tới giới thiệu.

Nhìn thấy cô ấy, chào hỏi xong, tôi đặt vấn đề liền: “Tôi  muốn cưới cô làm vợ, ưng không?”.

Bà Huỳnh Thị Thành gật đầu.

Họ nên vợ nên chồng.

Năm 1983 vợ chồng ông sinh con gái Hồ Thị Tuyết Minh.

Từ đó vợ chồng Anh hùng Lao động Hồ Giáo sống trong căn nhà nhỏ tại một con hẻm của đường Bùi Thị Xuân, TP.Quảng Ngãi.

Tới năm 2013, sau 3 năm ông chính thức nghỉ hưu, con gái và con rể đã làm cho vợ chồng ông một ngôi nhà nhỏ để hai vợ chồng ông về quê ông (Tịnh Sơn) sinh sống...

  Sáng 18.10, UBND TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cùng gia đình tổ chức lễ tang ông Hồ Giáo.

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân khắp nơi đã đến viếng, đưa tiễn ông.

Sau lễ truy điệu, linh cữu Anh hùng Lao động Hồ Giáo được đưa về quê nhà xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) an táng. 


Có thể bạn quan tâm

Kinh Nghiệm Vỗ Béo Bò Của Nông Dân Xã Bắc Phong Kinh Nghiệm Vỗ Béo Bò Của Nông Dân Xã Bắc Phong

Gần đây, phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Nhiều hộ nuôi giàu lên nhờ có kinh nghiệm trong chọn giống, chế độ chăm sóc hợp lý.

24/08/2013
Ethoxyquin Trong Thức Ăn Tôm Và Biện Pháp Quản Lý Ethoxyquin Trong Thức Ăn Tôm Và Biện Pháp Quản Lý

Với giá thành rẻ, tác dụng chống oxy hóa cao, nên ethoxyquin được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất thức ăn thủy sản tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Do đó, cấm hẳn việc sử dụng ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản là khó khả thi

15/03/2013
Bò Lai Sind Ở Trường Sa Bò Lai Sind Ở Trường Sa

Xã đảo Song Tử Tây nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có nguồn nước lợ và bãi cỏ xanh tốt về mùa mưa nhưng mùa nắng lại phải đối mặt với những khó khăn thường gặp như khô hạn và thiếu nước ngọt.

26/08/2013
Mô Hình Nuôi Tôm - Cua - Sò Huyết Đạt Hiệu Quả Cao Ở Kiên Giang Mô Hình Nuôi Tôm - Cua - Sò Huyết Đạt Hiệu Quả Cao Ở Kiên Giang

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm - cua - sò huyết trong cùng diện tích canh tác ở các xã vùng ven biển của huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu… Huyện An Biên có 4 xã ven biển, gồm: Nam Thái, Nam Thái A, Tây Yên, Nam Yên. Trong đó xã Nam Thái A có diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều nhất của huyện, diện tích thả nuôi thủy sản kết hợp tôm – cua - sò huyết trên cùng một diện tích khoảng 272 ha, tập trung ở các ấp Xẻo Quao A, Xẻo Đôi, Bảy Biển và Xẻo Vẹt với 52 hộ nông dân thực hiện mô hình.

16/03/2013
Làm Giàu Từ Cây Ổi Xá Lị Làm Giàu Từ Cây Ổi Xá Lị

Đi thăm vườn ổi sai trĩu quả chen trong màu hoa trắng và cành lá xanh mướt của anh Tạ Văn Hồng, 48 tuổi tại khu vực Gò Rít - Dóc Trang (xã Phú Lạc - Tuy Phong - Bình Thuận) thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu.

26/08/2013