Rau, thịt mất an toàn vẫn về Thủ đô
Còn nhiều nông sản mất an toàn
Hà Nội hiện có gần 10 triệu dân và để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho số dân trên, trung bình mỗi ngày thành phố cần khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau quả các loại.
Trong khi đó, sản xuất tại chỗ bình quân mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, số còn lại nhập từ các tỉnh khác.
Phần lớn thực phẩm từ các tỉnh đưa về được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP gặp nhiều khó khăn.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết kiểm soát ATTP, từ năm 2013 Sở NNPTNT Hà Nội đã thiết lập các thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành.
Đặc biệt, đầu năm nay, Bộ NNPTNT còn quyết định thành lập Ban điều phối chương trình chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP.Hà Nội.
Tất cả những hoạt động trên giúp cho Hà Nội cùng các địa phương phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn sản phẩm rau, thịt đưa về Hà Nội chưa đảm bảo ATTP.
Từ đầu năm đến nay, các địa phương của Hà Nội đã lấy 437 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chợ đầu mối để giám sát chất lượng.
Qua phân tích, 4,76% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng giới hạn cho phép, trong khi năm 2014 chỉ tiêu này chỉ là 2,72%.
Về sản phẩm thịt, có 16,83% mẫu thịt phát hiện vi khuẩn Salmonella (gây bệnh đường ruột) và 9,1% mẫu thịt lợn phát hiện dư lượng chất cấm Salbutamol (có nguồn gốc từ Hải Dương và Bắc Ninh).
Theo ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, việc phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng tối đa cho phép trong một số mẫu rau chứng tỏ việc sử dụng thuốc BVTV của một số hộ nông dân vẫn chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, chưa đảm bảo thời gian cách ly.
Đặc biệt, việc phát hiện dư lượng chất cấm trong các mẫu thịt lợn, thịt gà chứng tỏ người chăn nuôi vẫn lạm dụng chất tạo nạc và hóa chất kháng sinh kích thích tăng trưởng.
Ông Phạm Thế Cường – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La cũng thẳng thắn thừa nhận một thực tế đáng tiếc là, vẫn còn sản phẩm rau mất ATTP của tỉnh này đưa về tiêu thụ trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội.
“Trong quản lý, vẫn còn kẽ hở là khi thiếu rau để cung cấp về Hà Nội, bà con có thu mua thêm rau từ bên ngoài theo kiểu vơ bèo vạt tép”- ông Cường nói.
Cải tiến mối liên kết
Từ năm 2013 Sở NNPTNT Hà Nội đã thiết lập các thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành.
Đặc biệt, đầu năm nay, Bộ NNPTNT còn quyết định thành lập Ban điều phối chương trình chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP.Hà Nội.
Theo nhận định của các địa phương, hiện nay công tác phối hợp quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm đưa về Hà Nội tiêu thụ đang gặp không ít khó khăn.
Đó là một số chỉ tiêu ATTP chưa có quy định về mức giới hạn trong sản phẩm nên khó khăn trong việc xử lý.
Hơn nữa, thời gian nhận kết quả phân tích chậm, khoảng 7 – 10 ngày dẫn tới bất cập trong việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm không đảm bảo ATTP, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống...
Để giải quyết được vấn đề này, không còn cách nào khác là phải tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần công khai rộng rãi các cơ sở vi phạm ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng, vừa để cho người dân biết, vừa tạo sự răn đe đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - ông Ngô Đại Ngọc bày tỏ, áp lực quản lý ATTP đối với Hà Nội là rất lớn vì nguồn nông sản, thực phẩm đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố mỗi ngày không hề nhỏ.
Do đó, việc siết chặt phối hợp với các tỉnh trong quản lý chất lượng nông sản là rất cần thiết.
Theo ông Ngọc, thời gian tới cần có sự cải tiến trong cơ chế phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh để việc quản lý ATTP đạt hiệu quả hơn.
Trong đó, khuyến khích các sản phẩm của các tỉnh đưa về Hà Nội được sản xuất theo chuỗi khép kín, áp dụng quy trình VietGAP, có thương hiệu, gắn tem, logo, nhãn mác nhận diện sản phẩm…
Có thể bạn quan tâm
Canh tác nông sản theo quy trình VietGAP góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Thế nhưng, sản phẩm VietGAP trên địa bàn tỉnh vẫn đang bị “lẫn lộn” với những sản phẩm thông thường khiến người nông dân canh tác theo quy trình VietGAP gặp khó khăn.
Phớt lờ cảnh báo của ngành nông nghiệp, bà con nông dân trong tỉnh ồ ạt chặt bỏ một số cây trồng dài ngày để trồng khoai mì mà không quan tâm đến đầu ra.Vì vậy, hiện bà con nông dân đang đứng trước cảnh dở khóc, dở cười khi khoai đã đến mùa thu hoạch nhưng lại không có người mua; hoặc phải bán với giá rẻ, chịu lỗ.
Đầu năm 2015, giá cá tra nguyên liệu tăng thêm 500 đồng/kg sau khi ổn định ở mức khá cao trong những tháng cuối năm 2014 khiến nông dân phấn khởi. Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua cá tra của nông dân với giá 24.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí, bà con thu lãi 2.000-3.000 đồng/kg.
Vụ đông năm nay, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên - Hà Giang) trồng gần 50ha rau, củ, quả các loại, trong đó có 2ha được trồng theo quy trình VietGAP. Việc trồng rau theo hướng VietGAP ngoài cung cấp cho người tiêu dùng rau sạch còn góp phần nâng cao thu nhập, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Với diện tích gieo trồng khoảng 6.000 ha, tổng sản lượng cung ứng ra thị trường hàng năm lên đến hơn 150.000 tấn, thị xã Vĩnh Châu được xem là “thủ phủ” hành tím của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.