Rau Sạch Không Lo Ế
Mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) triển khai hơn 7 năm qua tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội với sự hỗ trợ của Hội Nông dân (ND) đang giúp ND nâng cao thu nhập...
Yên tâm đầu ra
Ông Nguyễn Văn Nghi- Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cổ Loa cho biết: Mô hình trồng rau an toàn triển khai ở Cổ Loa từ năm 2007, với diện tích ban đầu là 13,6ha.
Để vận động ND chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống sang cách làm mới, HTX và Hội ND xã đã chủ động tuyên truyền, “đả thông” tư tưởng nên ND cũng tích cực hưởng ứng. Trồng rau theo cách làm mới không chỉ hạn chế được dịch bệnh mà còn đảm bảo sức khỏe, số lượng ND tham gia trồng ngày một tăng. Đến năm 2010, diện tích trồng rau an toàn của xã tăng lên thành 56ha và duy trì cho đến nay.
Ông Nghi thông tin: “Để giúp ND yên tâm sản xuất, HTX và Hội ND liên kết với Phòng Kinh tế huyện hỗ trợ người trồng rau 2 lần/vụ thuốc trừ sâu sinh học các loại; thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống các thôn, xóm tập huấn, tuyên truyền dùng thuốc sinh học, thảo mộc cho RAT. Trung bình 1 năm, HTX tổ chức tập huấn 5-6 buổi cho 500 lượt người”.
Điều làm người ND vui hơn cả đó là họ hoàn toàn có thể yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Khi triển khai mô hình trồng RAT, HTX cũng liên kết, ký hợp đồng bao tiêu rau (50% sản lượng rau) với các bếp ăn thuộc các trường đại học, cao đẳng; các xí nghiệp... trên địa bàn thành phố. Theo đó, những hộ sản xuất RAT sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp cho chất lượng rau của mình khi đưa ra tiêu thụ.
Ngoài những địa chỉ tiêu thụ ổn định, ND Cổ Loa còn cung cấp rau cho chợ dân sinh trong xã và các xã lân cận. Trung bình mỗi năm Cổ Loa cung ứng cho thị trường khoảng 1.500 tấn rau các loại.
Thu nhập tăng, sức khỏe đảm bảo
Là một trong những hộ tham gia trồng RAT đầu tiên của xã, ông Đỗ Phương Quân, xóm Thượng cho hay: “Gia đình tôi có hơn 1 sào canh tác RAT. Mùa nào rau nấy. Vụ này, gia đình tôi chủ yếu trồng rau gia vị như hành, mùi, xà lách và các loại su hào, súp lơ, cà chua... Trồng RAT khác với cách làm truyền thống, là không dùng thuốc hóa học, có hại cho sức khỏe người trồng và người tiêu dùng”.
"Người trồng RAT ở Cổ Loa luôn tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, liều lượng, thời kỳ, phương pháp nên chất lượng rau rất đảm bảo”.
Ông Nguyễn Văn Nghi
Làm theo cách mà cán bộ khuyến nông, cán bộ Hội ND hướng dẫn, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón vi sinh, thảo mộc nên hạn chế được sâu bệnh, giảm tối đa ảnh hưởng sức khỏe con người. Bên cạnh đó, những hộ trồng rau còn giảm được chi phí mua thuốc trừ sâu đáng kể mỗi vụ nhờ được sự hỗ trợ của HTX.
Nói về thị trường, ông Quân phấn khởi: “Gia đình tôi chưa bao giờ rơi vào tình trạng rau “ế ẩm”, bởi đã có bếp ăn Mầm non Sao Mai, các quán phở tiêu thụ rồi. Nhờ vậy mà gia đình tôi thu nhập mỗi ngày cũng được vài trăm nghìn đồng”.
Cạnh ruộng rau nhà ông Quân, ruộng rau của gia đình bà Đỗ Thị Lựu cũng đang cho thu hoạch. Nhìn những luống rau xanh mướt chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người trồng rau ở Cổ Loa.
“Trồng RAT năng suất tăng gấp rưỡi so với trước; chất lượng cũng đảm bảo hơn. Tuy giá bán rau năm nay có giảm so với năm ngoái nhưng do RAT ở Cổ Loa đã có thương hiệu từ trước nên gia đình tôi vẫn bán chạy. Với hơn 2 sào trồng rau các loại, kết thúc vụ thu hoạch năm nay, tôi cũng thu được từ 5-7 triệu đồng”- bà Lựu thổ lộ.
Có thể bạn quan tâm
Cũng giống như các loại gia súc, gia cầm khác, các mặt hàng thủy sản cũng cần được kiểm dịch. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Tiền Giang có hơn 550.000 con heo và sản lượng thịt hơi hằng năm cung cấp cho thị trường trên 120.000 tấn. Tuy nhiên, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh một thời gian dài, khiến nông dân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thua lỗ nặng, nhiều hộ không còn khả năng tái đầu tư đành ngậm ngùi "treo chuồng".
Củ Chi huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của thành phố. Củ Chi có tổng đàn bò 74.430 con trong đó số lượng bò sữa 58.700 con được nuôi nhiều tại các xã An Phú, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng, Phạm Văn Cội…
Trở về từ chiến trường Campuchia sau năm 1982, anh Phạm Hiền ở thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), chỉ có hai bàn tay trắng nay đã có một cơ ngơi khá giả, là một trong những tấm gương điển hình của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Công ty TNHH một thành viên Phúc Toàn Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán, Đồng Nai) được thành lập từ tháng 8/2012. Hiện, doanh nghiệp đang đầu tư cho hàng chục nông dân ở xã Phú Hòa tham gia mô hình chăn nuôi cá - ếch - rắn, mang lại thu nhập cao.