Cây Vụ Đông Sớm Giá Trị Kinh Tế Cao
Hiện nay một số loại rau màu vụ đông trồng sớm, có thời gian sinh trưởng ngắn như: bí xanh, dưa chuột bao tử, su hào, cải bắp, súp lơ, cà chua… đang cho thu hoạch. Bí xanh được bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg; dưa chuột xuất khẩu giá 5.000-7.000 đồng/kg; cải bắp giá 5.000-6.000 đồng/cây; su hào 3.000-4.000 đồng/củ; cà chua 6.000-7.000 đồng/kg… cho thu nhập cao hơn, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn so với chính vụ.
Có mặt tại cánh đồng thôn Cổ Ra, xã Nam Hùng (Nam Trực) những ngày đầu tháng 12, chúng tôi chứng kiến không khí lao động nhộn nhịp của bà con nông dân.
Vừa ngắt lá ngoài che đậy cho những ngù hoa lơ, ông Phạm Văn Khiêm cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, biết súp lơ là cây ưa lạnh, trồng sớm rất khó nhưng thường bán được giá cao nên ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, tôi làm đất và trồng ngay 3 sào súp lơ sớm, còn lại trồng rau ăn lá. Với giá súp lơ bình quân từ đầu vụ đến nay bán được 6.000 đồng/cây, trừ chi phí, trong vòng 3 tháng mỗi sào cho thu lãi trên 5 triệu đồng.
Tôi đã thu hoạch xong 2 sào súp lơ, giờ tập trung chăm sóc, bảo vệ để giữ cho cây đẹp, 3 ngày nữa xuất bán nốt”. Theo ông Khiêm, trồng vụ đông sớm quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào thời tiết, đồng ruộng phải chủ động được tưới tiêu nước bởi trồng vụ đông sớm hay gặp mưa lớn đầu vụ. Trong đợt mưa lớn cuối tháng 10 vừa qua, ông phải dùng một máy bơm điện “dã chiến” bơm tát ngày đêm để cứu cho toàn bộ diện tích súp lơ không bị úng.
Tại cánh đồng sản xuất vụ đông tập trung của Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), thời điểm này, nông dân cũng đang thu hoạch bí xanh, thương lái khắp nơi đổ về thu mua. Ông Đặng Văn Liêm, đội 4 có diện tích trồng bí lớn nhất với 1,5 mẫu, đồng thời có “thâm niên” trồng bí xanh vụ đông, cho biết: Nông dân Quỹ Nhất có bề dày kinh nghiệm trồng bí. Bà con trồng bí xanh rất sớm, từ khi chưa gặt lúa mùa, vì thế từ cuối tháng 9 đã thu hoạch lứa quả non đầu tiên.
Năm nay, bí đầu vụ được bán tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg, hiện giá giảm xuống còn 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu giá giữ ổn định như hiện nay, mỗi sào bí cũng cho thu gần 3 triệu đồng, trừ chi phí người trồng vẫn lãi 2 triệu đồng trở lên.
Những năm qua, tỉnh ta duy trì ổn định diện tích trồng cây vụ đông trên đất màu và từng bước mở rộng diện tích trên đất 2 lúa. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đa dạng hóa cây trồng hàng hóa và đa thời vụ, đặc biệt ưu tiên phát triển mạnh các cây vụ đông sớm thuận lợi tiêu thụ và có hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột...
Tỉnh còn chỉ đạo các địa phương bố trí trồng các loại cây vụ đông sớm ưa nhiệt trên đất 2 lúa như: đậu tương, ngô lương thực, cà chua, dưa chuột, bí xanh ở những diện tích lúa mùa trỗ bông trước ngày 5-9. Trên đất chuyên màu thực hiện đa cây, đa thời vụ; trồng sớm, quay vòng nhanh đảm bảo từ 2-3 lứa rau/1 vụ đông; tập trung gieo trồng các cây rau quả truyền thống ngắn ngày. Hiện nay, cây cà chua được xác định là một trong những cây vụ đông chủ lực của tỉnh.
Theo hạch toán kinh tế, năng suất bình quân của cây cà chua tại tỉnh ta đạt 25 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập trên mỗi ha là 115 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí đầu tư cho sản xuất cho lợi nhuận 45-50 triệu đồng/ha. Bí xanh, bí đỏ là những cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, năng suất bình quân đạt 14,5-17 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập 70-82 triệu đồng/ha, lãi 35-40 triệu đồng/ha. Dưa chuột là loại cây dễ tiêu thụ, được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, năng suất bình quân đạt 20,8 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập 83,5 triệu đồng, lãi trên 40 triệu đồng/ha.
Tại nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây vụ đông sớm, tập trung theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Điển hình như các vùng chuyên canh cây cà chua ở Hải Tây, Hải Xuân (Hải Hậu); Nam Điền, Quỹ Nhất, Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… đều tập trung trồng các giống cà chua làm nguyên liệu chế biến để cung cấp cho các Cty lớn.
Các địa phương phía nam tỉnh như: Nghĩa Phong, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); Hải Tân, Hải Toàn, Hải Đường (Hải Hậu)… sử dụng các giống bí xanh đá lai số 1 và số 2, Thiên Thanh 5, TN448. Ở các vùng trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu theo mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm Trực Hùng, Trực Thái, Trực Nội (Trực Ninh); Yên Cường, Yên Thành (Ý Yên); Hải An, Hải Toàn, Hải Tây (Hải Hậu)… sử dụng những giống Marinda, Mirabelle (Hà Lan).
Đây là các bộ giống rau, quả có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến ngày 8-12-2014, toàn tỉnh đã gieo trồng được 14.800ha cây vụ đông, đạt 90% kế hoạch, tập trung vào cây khoai tây 1.947ha, cây ngô 2.444ha và các loại cây vụ đông sớm như: bí 1.388ha, cà chua 590ha, dưa chuột 288ha và rau các loại. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, vụ đông năm nay gặp rất nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào cho sản xuất như: giống, phân bón, thuốc BVTV… tăng nhanh.
Ở nhiều địa phương, sản xuất vụ đông chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khó khăn trong tưới tiêu, bảo vệ sản xuất. Trong 2 ngày 28 và 29-10-2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa bình quân 96,2mm, tại một số huyện phía Nam tỉnh lượng mưa bình quân trên 120mm (Nghĩa Hưng 185mm, Nam Trực 128mm, Hải Hậu 123mm) đã gây ngập úng nặng, ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của nhiều diện tích cây vụ đông.
Mặc dù, các địa phương đã huy động tối đa phương tiện, khẩn trương bơm tát, tiêu, rút nước, tuy nhiên mưa úng đã làm mất trắng hơn 1.000ha cây vụ đông tập trung vào những diện tích trồng trên đất 2 lúa và diện tích khoai tây mới trồng. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới tiến độ gieo trồng cây vụ đông, đặc biệt là cây khoai tây trồng chậm hơn hẳn mọi năm; rau màu bị dập nát làm giảm năng suất.
Để khắc phục tình trạng này, các địa phương tập trung vệ sinh đồng ruộng, kiểm tra đánh giá và phân loại thiệt hại đối với từng diện tích, tiếp tục các biện pháp chăm sóc bổ sung đối với diện tích bị thiệt hại nhẹ và trồng dồn, trồng dặm các cây trồng còn thời vụ. Với nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân, các cây trồng bị ảnh hưởng mưa úng đã hồi phục và phát triển tốt.
Theo khảo sát, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm các cây vụ đông khá thuận lợi, đặc biệt là một số loại cây được liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các Cty như: dưa chuột bao tử xuất khẩu, cà chua đều có giá ổn định. Còn các loại rau màu khác tuy giá cao hơn chính vụ nhưng chủ yếu bán ở thị trường tự do, phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá cả không ổn định. Tình trạng hạn chế, yếu kém trong khâu bảo quản, chế biến sản phẩm tại chỗ của nông dân nên bị tư thương ép giá vẫn là bài toán nan giải đối với ngành NN và PTNT.
Hiện các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây vụ đông ngắn ngày còn thời vụ. Tiếp tục mở rộng diện tích nhóm cây ưa lạnh, ưu tiên mở rộng diện tích trồng rau, quay vòng nhanh các cây rau ngắn ngày trên những diện tích đã thu hoạch để có thêm thu nhập đảm bảo vụ đông thắng lợi.
Nguồn bài viết: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201412/cay-vu-dong-som-gia-tri-kinh-te-cao-2383634/
Có thể bạn quan tâm
Sáng 22/3, UBND huyện Tuy An (Phú Yên) đã tổ chức buổi họp triển khai biện pháp giải quyết các trường hợp xây dựng hồ nuôi tôm tại khu vực bãi biển thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (Tuy An), gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý đất đai và gây dư luận không tốt trong nhân dân trong suốt thời gian qua.
Hướng đến kỷ niệm ngày Truyền thống ngành Thuỷ sản (1-4), sáng ngày 21-3, tại Cảng cá Ninh Chử (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận tổ chức thả 625.000 tôm giống xuống biển, nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Các tỉnh thành miền Trung đang cấp tập bổ sung vaccine tiêm phòng cúm gia cầm (A/H5N1) cho ngành thú y tiêm phòng cho gia cầm để hạn chế dịch lây lan. Trong khi đó, dù vừa được tiêm phòng nhưng gia cầm vẫn chết khiến ngành thú y lo lắng, còn người dân thì đứng ngồi không yên.
Có khả năng trong năm nay Việt Nam nhập khẩu hơn 150.000 con gia súc sống (trâu, bò - pv) từ Úc, trở thành thị trường tiêu thụ mặt hàng này lớn thứ hai của Úc sau Israel, theo thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Úc được đăng trên trang thị trường nước ngoài ttnn.com.vn hôm 19-3.
Manh nha từ một vài mô hình nhỏ, đến nay, phong trào nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa ở Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã phát triển khá mạnh. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, "gà vườn" Mai Sơn giờ đây đã được thị trường biết đến nhờ nuôi "gà vườn", đời sống kinh tế - xã hội của người dân đã được nâng lên, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.