Thêm Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Ở Thành Phố Việt Trì
Những năm gần đây, do quá trình đô thị hoá diện tích đất nông nghiệp của xã Sông Lô, thành phố Việt Trì ngày càng thu hẹp, chính quyền địa phương đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó vùng sản xuất rau an toàn là một trong những hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đồng thời đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Để thực hiện mô hình trồng rau an toàn, Sông Lô đã quy hoạch diện tích 3ha trồng màu trước đây thành vùng chuyên sản xuất rau an toàn với 70 hộ dân khu 1 và khu 2 tham gia. UBND xã đã lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp cận đô thị của thành phố để hỗ trợ các hộ gia đình có diện tích trồng rau làm nhà lưới trên toàn bộ diện tích trồng rau, nhằm hạn chế sương muối, mưa to, tránh dập nát rau.
Khai thác hồ nước tại chỗ, UBND xã phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng hệ thống tưới tự động nhằm mục tiêu đầu tư mô hình trồng rau theo hướng hiện đại, giảm bớt sức lao động cho người nông dân. Xã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông và Phòng Nông nghiệp thành phố mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng rau về phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi sổ nhật kí đồng ruộng, các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tổ chức đoàn đi tham quan học tập các mô hình đạt hiệu quả ở một số địa phương.
Cùng với trang bị kỹ thuật trồng rau an toàn, xã đã xây dựng 10 nhóm hộ trồng rau an toàn, thành lập Tổ vận hành như tổ bơm nước và bảo vệ diện tích rau do các hộ dân đóng góp căn cứ theo đơn vị diện tích thực có của mỗi hộ. Bà Đỗ Thị Hợi - khu 1, là hộ tham gia sản xuất rau an toàn cho biết: Trước đây làm rau theo phương pháp truyền thống nếu muốn rau tốt nhanh là bón đạm, rau có sâu là phun thuốc, không theo một quy trình nào cả.
Từ khi tham gia mô hình sản xuất rau an toàn, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc phù hợp với đặc tính của từng loại rau, do vậy rau ít bị sâu bệnh hơn. Việc sử dụng các loại phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật được hạn chế mà thay vào đó là phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, giúp giảm bớt chi phí. Từ khi sản xuất rau an toàn, tôi có ý thức hơn trong việc đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng, hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn”.
Sau hơn một năm, mô hình sản xuất rau an toàn của xã Sông Lô được đánh giá là thực hiện thành công. Cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ đều công bố chất lượng rau đạt tiêu chuẩn an toàn. Sản phẩm đã từng bước gây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Năm 2014, lượng rau cung cấp cho thị trường được khoảng 200 tấn rau, giá trị bình quân đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, gấp 5 lần so với trồng lúa...
Hiện nay, các hộ nông dân tham gia sản xuất rau an toàn ở Sông Lô đang tích cực chăm sóc rau vụ đông, chuẩn bị tốt các điều kiện để kịp thời phục vụ rau dịp Tết, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho các hộ nông dân, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Việc hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Sông Lô không chỉ mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng ven mà còn tạo tiền đề để phát triển gắn với lợi thế của địa phương nhằm phát triển sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Trong định hướng xây dựng nông thôn mới, những mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả như mô hình trồng rau an toàn chứng minh phương châm liên kết bền vững giữa ba nhà: Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông. Đây chính là cơ sở để chứng minh một trong những hiệu quả thiết thực trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201412/them-mo-hinh-san-xuat-rau-an-toan-o-thanh-pho-viet-tri-2383385/
Có thể bạn quan tâm
Theo sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn chúng tôi đến thăm gia đình anh Lại Văn Diến, khu 2, thị trấn Kỳ Sơn là hộ gia đình hội viên nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.
Sáng ngày 6/8, Hội chợ triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam (VietFish) lần thứ 16 năm 2014 do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Những năm qua, Trạm khuyến nông - khuyến lâm huyện Lạc Thủy đã làm tốt chức năng cầu nối chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Cá mú nghệ trước đây được xuất khẩu hoàn toàn qua Đài Loan. 2 năm nay, thị trường này không nhập khẩu nữa, người nuôi cá mú nghệ tại vùng đìa Bãi Giếng Nam (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đứng ngồi không yên.
Năm 2008, huyện Lương Sơn có 6.712 hộ ở 18 cơ sở hội đăng ký gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiến 60% hộ nông dân toàn huyện. Ngày càng nhiều những mô hình nông dân làm kinh tế giỏi có mức thu nhập từ 30 triệu đồng/năm trở lên ở các xã Hòa Sơn, Tân Vinh, Cư Yên, Nhuận Trạch, Thị trấn...