Rau Sạch Đà Lạt GAP
Năm 2013, Công ty TNHH Đà Lạt GAP (Phường 8 - Đà Lạt) vinh dự được Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Đức Quận tặng Giấy khen của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Lạt ghi nhận thành tích “Xây dựng hệ thống quản lý Global GAP, xây dựng chuỗi thực phẩm sạch từ sản xuất đến bàn ăn”.
Từ tâm huyết của mình, ông Lê Văn Cường – Giám đốc Công ty, một tiến sĩ đã chọn con đường trở về với đất đai và làm giàu từ sản xuất rau sạch. Hơn 15 năm có mặt trên thị trường, với 26 sản phẩm các loại rau, củ, quả sạch cao cấp tiêu chuẩn Global GAP mang thương hiệu Đà Lạt GAP đã chinh phục người tiêu dùng trong nước, đặc biệt ở các đô thị lớn Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Đây là công ty đầu tiên được cấp chứng chỉ "Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế" (Global G.A.P) về rau quả do Control Union (Hà Lan) cấp, cũng là công ty đầu tiên được cấp chứng nhận "Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mỗi ngày, Đà Lạt GAP cung ứng ra thị trường từ 1,5 - 2 tấn rau các loại, riêng năm 2013 đã xuất sang Nhật Bản 600 tấn, mục tiêu phục vụ cho người tiêu dùng nội địa để đảm bảo sức khỏe là kỳ vọng của ông Lê Văn Cường: “Từ năm 2008 chúng tôi xây dựng thương hiệu rau Đà Lạt GAP, chúng tôi kỳ vọng đạt 1% dân số Hà Nội và 3% dân Sài Gòn và Đà Nẵng biết đến thương hiệu rau Đà Lạt GAP”.
Các loại rau, củ, quả được sản xuất và bán ra theo quy trình khép kín, hàng hoá sản xuất từ trang trại Công ty Đà Lạt GAP được cung cấp trực tiếp cho khách hàng không thông qua trung gian hoặc thu mua, thiết lập chuỗi Đà Lạt GAP Store là chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng với hệ thống sỉ và lẻ. Sản phẩm đến với khách hàng đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn Global GAP và giá cả tốt nhất.
Đưa chúng tôi tham quan nơi đóng gói sản phẩm, ông Lê Văn Cường ăn như biểu diễn những quả cà chua bi mà không lo ngại bẩn và nói chắc nịch: “Chúng tôi sản xuất rau sạch nên đảm bảo chất lượng tốt nhất, có thể ăn thoải mái tại vườn mà không phải sợ thuốc trừ sâu.
Nếm thử xem, bạn có thể cảm nhận ngay vị ngọt lịm và giòn của cà chua bi Đà Lạt GAP rất khác xa loại cà chua bi bày bán nhiều nơi có vị rất chua. Rồi đây những quả dưa leo baby có màu xanh đậm được các công nhân dùng khăn lông lau cẩn thận để đóng gói. Các loại rau, củ, quả sau thu hoạch được sơ chế theo quy trình chế biến tiêu chuẩn HACCP”.
Cách văn phòng công ty 20 km, trang trại Đà Lạt GAP ở Đạ Nghịt (Lạc Dương) rộng hơn 15 ha, trong đó 7 ha nhà kính hiện đại, có hệ thống nước tưới tự động và phương thức trồng trên giá thể tự chế giúp giảm chi phí và tăng sản lượng cũng như chất lượng cây trồng. Trang trại được phân chia theo từng giai đoạn sinh trưởng cây trồng, bao gồm: vườn ươm giống cây trồng và trang trại trồng cây thành phẩm.
Các loại rau sạch cao cấp của Công ty Đà Lạt GAP được trồng tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Global GAP, đó là: Cách xa khu dân cư và được xây dựng trong môi trường sạch, nằm trong thung lũng với những rừng thông xanh mướt bao quanh; tưới bằng nguồn nước ngầm được kiểm định nghiêm ngặt, các loại giống cây trồng được chọn lọc kỹ trước khi được đưa vào vườn ươm, trồng trọt theo hướng hữu cơ và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; quy trình trồng trọt, đóng gói và bảo quản phải được lập hồ sơ theo dõi. Tất cả sản phẩm đều có thể truy xét nguồn gốc dưới sự giám sát nghiêm ngặt của đội ngũ kỹ sư được đào tạo bởi các chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, trang trại có phòng nghiên cứu và nuôi cấy mô thực vật và hệ thống vườn ươm chuyên sản xuất giống cây trồng theo công nghệ châu Âu. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, sản lượng rau lớn nhưng rất tiết kiệm nhân công, chỉ có 46 lao động toàn công ty.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối rau, củ, quả tươi sạch cao cấp, ông Lê Văn Cường khẳng định: “Chúng tôi sản xuất ra các mặt hàng rau có thương hiệu, về mặt hàng rào kỹ thuật đã có chứng nhận Global GAP và chúng tôi chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu.
Làm rau an toàn không khó khăn, khó khăn nhất là phải tuân thủ quy trình một cách nghiêm chỉnh. Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề nan giải trong sản xuất rau an toàn nhưng mà thực ra trên thị trường có những loại thuốc nguồn gốc từ sinh học, giá hơi đắt gấp 30 lần so với thuốc hóa học nhưng khách hàng đã chấp nhận giá chúng tôi thì chúng tôi duy trì thường xuyên an toàn thực phẩm, luôn luôn có trách nhiệm với khách hàng”.
Có thể bạn quan tâm
Công trình thủy lợi hóa đất màu bằng hệ thống ống tưới kín có tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng, được triển khai tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ). Sau gần 2 năm thi công, đến nay đã bắt đầu đi vào hoạt động đã giải quyết bài toán thiếu nước dai dẳng của hàng trăm hộ dân địa phương.
Không có nước tưới, 17ha mía xứ đồng Bờ An Cây Dừng, thôn Phước Đức, xã Đức Phú (Mộ Đức) năng suất chỉ đạt 2 tấn/sào. Với giá mía hiện nay, người trồng mía nơi đây không tránh khỏi thua lỗ. Chuyển đổi giống cây trồng là phương án đã được tính đến, nhưng trồng cây gì khi nơi đây chỉ có thể trông chờ vào nước trời. Đó là bài toán khó đối với 110 hộ dân chỉ biết sống nhờ vào đồng ruộng.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 08 - NQ/HU ngày 17/7/2008 của Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) về đẩy mạnh phát triển cây cao su giai đoạn 2008 - 2010; Kết luận số 28 - KL/HU ngày 25/11/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây cao su giai đoạn 2011 - 2015, diện tích cây cao su của địa phương đã phát triển mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến cơ bản về cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai hợp lý và giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích đất có khả năng trồng lạc lớn và quy mô tập trung, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất luân canh, xen canh, thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Với quy mô sản xuất ổn định hơn 700 ha, đứng thứ hai sau cây lúa, hiện lạc là cây trồng có tính hàng hóa cao, mang lại nguồn thu nhập chính góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện.
Chăn nuôi bò thâm canh đang là hướng đi đầy triển vọng được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển. Ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những năm qua việc phát triển đàn bò lai theo hướng thâm canh được địa phương quan tâm triển khai và đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.