Rau Rớt Giá Nông Dân Điêu Đứng

Xã Tân An là một trong những vựa rau lớn của Gia Lai nói chung và huyện Đak Pơ nói riêng. Thế nhưng những ngày qua, bầu không khí ảm đạm đang bao trùm khắp nơi đây, bởi lẽ người dân phải bán tống bán tháo hoa màu, thậm chí phá bỏ cho gia cầm, gia súc ăn vì giá quá rẻ.
Nông dân điêu đứng
Thị trường rau củ thời điểm hiện tại so với trước Tết Ất Mùi không mấy khả quan đã khiến cho không ít người trồng rau rơi vào tình cảnh khó khăn, lỗ vốn nặng. Dạo quanh một vòng vựa rau An Sơn, có thể cảm nhận rõ không khí buồn bã đang hiện hữu. Nhiều ruộng rau thu hoạch dang dở rồi để đó cho gia súc, gia cầm thưởng thức. Một số nông dân quyết định cày cả ruộng rau chưa thu hoạch trộn lẫn vào đất để làm phân vi sinh, chuẩn bị cho mùa vụ sau mà không thu được một đồng vốn. Đưa mắt nhìn những luống rau xanh tốt nay phải bán bỏ, người trồng chúng không khỏi xót xa.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thu (thôn Tân Sơn) có 1 sào đất trồng xà lách, thu được hơn 300 kg rau thương phẩm. Thế nhưng, “tiền thu hồi từ sản phẩm không đủ trả nổi một ngày công chứ tính gì đến quá trình gieo trồng, chăm bón. Hiện tôi phải vận động nhân công từ gia đình ra ruộng thu hoạch rau để tiết kiệm chi phí. Ngày trước rau được giá, có khi lên đến mười mấy ngàn đồng, còn bây giờ thì...”-anh Thu lắc đầu ngán ngẩm.
Không riêng gì xà lách, hầu hết các loại rau khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đáng buồn nhất phải kể đến những hộ gia đình trồng dưa leo và bắp cải. Chi phí gieo trồng cao trong khi giá bán ra lại rất thấp khiến họ dở khóc dở cười. Bà Trần Ngọc Hà (thôn An Sơn) chia sẻ: “Trước Tết, tôi thu được hơn 2 tấn dưa leo trên 1,2 sào đất. Giá bán chỉ 500 đồng/kg, thu về được đúng 1 triệu đồng. Giờ thì giá còn bèo bọt hơn, thậm chí không có người mua nên đành bỏ cho gia súc ăn. Thiệt hại đến hơn 30 triệu đồng”.
Theo ông Phạm Quang Hùng-Trưởng thôn Tân Sơn, hiện trên địa bàn, hơn 213 hộ gia đình có nguồn thu nhập chính bằng nghề trồng rau. “Việc giá cả hoa màu thấp như hiện nay là do thị trường tiêu thụ thấp nên đầu ra chậm. Đây là tình trạng chung của cả vùng chứ không riêng hộ dân nào. Biết là bấp bênh nhưng như đã thành thói quen, mọi người vẫn cứ duy trì và bám trụ”-ông Hùng cho hay.
Tiểu thương khó khăn
Khảo sát tại một số khu chợ lớn, nhỏ trên địa bàn huyện Đak Pơ và thị xã An Khê, chúng tôi nhận thấy các loại rau được bày bán đồng giá và tương đối rẻ. Cụ thể: đậu cô-ve, xà lách, cải ngọt, bắp cải có giá 2.000 đồng/kg; khổ qua, dưa leo 5.000 đồng/kg... Tuy vậy, so với giá thu mua tại nơi sản xuất, mức giá bán ra ở chợ vẫn cao hơn nhiều.
Thậm chí thời điểm từ mùng 4 đến mùng 10 Tết, giá rau được đẩy lên cao gấp 2-4 lần so với ngày thường. Nguyên nhân được người bán lý giải rằng, một bó rau từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng phải qua tay nhiều người, từ cò rau, đại lý thu mua đến các chợ đầu mối.
Cũng theo các tiểu thương, tình hình buôn bán những mặt hàng rau, củ, quả cũng không được mau mắn cho lắm. Người bán nhiều mà người mua chẳng bao nhiêu, dù giá rau bây giờ khá rẻ. Chị Nguyễn Thị Hồng-một người bán rau tại Trung tâm Thương mại An Khê, bày tỏ: “Khoảng từ ngày 28 tháng Chạp cho đến mùng 2 Tết, hàng bán rất chạy, có ngày tôi bán được hơn 1 tạ rau. Còn giờ thì ế ẩm lắm, nửa bán nửa đổ đi vì hàng để lâu bị thối, hỏng”.
Nói thêm về lý do dẫn đến thực trạng trên, chủ đại lý thu mua rau cùng một số tiểu thương khẳng khái cho rằng, do năm vừa rồi ít xảy ra bão, thời tiết thuận lợi cho người trồng rau làm cho lượng rau cung ứng ra thị trường khá dồi dào. Từ đó, kéo theo việc xuất rau ra các tỉnh khác phần nào bị hạn chế.
Mặt khác, với tâm lý cung ứng rau vào dịp Tết nên nông dân thường xuống giống nhiều hơn dẫn đến hàng hóa bị ứ đọng, góp phần đẩy giá rau xuống thấp. Ngoài ra, phần đông người dân tại một số thị thành rời phố về quê nghỉ Tết, mức độ tiêu thụ vì thế cũng giảm mạnh. Do đó, đây cũng được cho là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến giá rau không ngừng hạ thấp như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.Thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình nên rất khó khăn khi cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Trả lời thêm về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do, chuẩn bị tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN…

Gần 2 năm nay, một số hộ dân Bình Đông, Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tận dụng thế mạnh khu vực biển phía sau bờ chắn sóng Nhà máy đóng tàu Dung Quất (giáp cửa biển Sa Cần), phát triển nghề nuôi cá bớp trong lồng bè.

Đã chục năm nay, cam Cao Phong (Hòa Bình) nức tiếng cả nước giúp hàng trăm nông dân nơi đây kiếm tiền tỷ. Nhà bà Đặng Thị Thu ở khu 2, do có hơn 300 gốc cam, quýt nên đều đặn từ năm 2010 đến nay thu lãi 2-5 tỷ đồng/năm.

“Nói rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là cái nhìn… méo mó”. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).