Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa Trúng Mùa, Nông Dân Vẫn Không Vui

Lúa Trúng Mùa, Nông Dân Vẫn Không Vui
Ngày đăng: 11/09/2013

Nông dân vùng ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2013. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi và nhờ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa tại một số địa phương ĐBSCL cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa vẫn chưa vui, vì giá lúa đang ở mức thấp…

Giá lúa giảm

Thời điểm này, nông dân tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ đã và đang bước vào thu hoạch lúa thu đông 2013, năng suất tương đối khá, đạt từ 35-40 giạ/công (1 giạ tương đương 20kg), tăng bình quân 5 giạ/công so với cùng kỳ năm trước. Song, lợi nhuận mà nông dân thu được trong vụ lúa này chỉ bằng, thậm chí thấp hơn vụ lúa thu đông năm trước do giá lúa ở mức thấp. Bà Lê Thị Mỹ Chi ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: "Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 7 công lúa, bán lúa tươi ngay tại ruộng.

Dù năng suất lúa khoảng 35 giạ/công, tăng 5 giạ/công so với vụ thu đông năm trước, nhưng bán chỉ được 4.100 đồng/kg và phải thuê mướn đất để làm, tính ra trừ chi phí tôi chỉ có lời khoảng 500.000-700.000 đồng/công". Ông Nguyễn Văn Ba ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, cũng cho biết: "15 công lúa của tôi đạt năng suất khá cao, 40 giạ (lúa tươi)/công, tăng hơn 5 giạ/công so với cùng kỳ năm trước.

Trúng mùa nhưng mức lợi nhuận thu được chỉ tương đương năm trước là 1,5 triệu đồng/công". Do giá lúa xuống ở mức thấp, lúa tươi IR 50404 loại đẹp bán ngay tại ruộng có giá 4.100 đồng/kg, trong khi vụ này thuê mướn nhân công và chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như: xăng dầu, điện... đều tăng.

Giá lúa giảm mạnh khiến nông dân chưa hưởng trọn vẹn niềm vui trúng mùa. Theo nhiều nông dân trồng lúa ở TP Cần Thơ, giá lúa tươi phải từ ở mức 5.000 đồng/kg trở lên và lúa khô từ 6.000 đồng/kg, mới đảm bảo có lợi nhuận trên 30% so với giá thành sản xuất. Thực tế, giá lúa đã giảm mạnh và có thể tiếp tục giảm nếu doanh nghiệp không đẩy mạnh thu mua.

So với cách nay 1 tuần, nhiều loại lúa gạo giảm thêm khoảng 100-200 đồng/kg. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận: Hậu Giang, Vĩnh Long… lúa tươi IR50404 được thương lái mua tại ruộng ở mức 4.000-4.100 đồng/kg; nhiều loại lúa tươi hạt dài (như OM 6976, OM 2517, OM 5451…) đang ở mức 4.500-4.600 đồng/kg.

Còn lúa IR50404 và nhiều loại lúa dài thường đã phơi sấy khô dao động từ 5.100-5.500 đồng/kg. Giá gạo lứt nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện được nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu thu mua từ 6.800-6.900 đồng/kg; gạo lứt nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm khoảng 6.500 – 6.700 đồng/kg. Như vậy, từ giữa tháng 8-2013 đến nay, giá nhiều loại lúa và gạo lứt nguyên liệu xuất khẩu tại TP Cần Thơ và nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã liên tục sụt giảm, tổng mức giảm khoảng 400-500 đồng/kg.

Theo tính toán của nông dân trồng lúa, với mức giá hiện tại, nông dân rất khó khăn trong đầu tư vụ mới. Hiện nay, thu mua tạm trữ chỉ giải quyết phần ngọn, còn phần gốc (tổ chức lại sản xuất, liên kết "4 nhà"…) vẫn chưa gỡ được nút thắt, sự gắn kết của nông dân- doanh nghiệp chưa chặt chẽ, vai trò của Nhà nước còn mờ nhạt trong liên kết… Nông dân đang cần giải pháp dài hơi giải quyết căn nguyên của nghịch lý.

Tìm giải pháp căn cơ

Theo nhiều hàng xáo, giá lúa gạo giảm do hoạt động thu mua lúa gạo của các doanh nghiệp không kịp thời. Khi nguồn cung lúa gạo hàng hóa tại ĐBSCL tăng mạnh, nhiều địa phương thu hoạch đại trà lúa thu đông 2013, thương lái, doanh nghiệp chỉ mua vào cầm chừng. Bà Trương Thu Cúc, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chuyên thu mua lúa về xay gạo bán cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Khi các doanh nghiệp kết thúc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu 2013, từ giữa tháng 8-2013 đến nay, hoạt động thu mua lúa gạo của nhiều doanh nghiệp có phần chậm lại và mức giá mà họ đưa ra cũng giảm nhiều so với trước. Lẽ đó, hàng xáo không dám đẩy mạnh thu mua lúa trong dân và buộc phải giảm mạnh giá thu mua, vì lo ngại doanh nghiệp trả giá thấp, bị lỗ nặng".

Theo bà Cúc, trước đây hầu hết các hàng xáo đều thu mua lúa khô của nông dân nên có thể trữ được lâu, còn những vụ lúa gần đây, thương lái chuyển sang mua lúa tươi ngay tại ruộng. Mua xong phải đem lúa đi sấy ngay, rồi xay gạo bán cho các doanh nghiệp, nếu dự trữ sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí vận chuyển, bốc vác,…

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ lúa thu đông 2013 nông dân tại thành phố gieo sạ 66.981ha, dự kiến đến giữa tháng 9-2013 nông dân sẽ thu hoạch rộ. Năm nay, nhiều diện tích lúa thu đông tại TP Cần Thơ huy động được máy gặt đập liên hợp, thời gian thu hoạch có thể rút ngắn.

Nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái nên không lo chuyện phơi sấy lúa. Song, điều mà nông dân trăn trở là họ đang mất sự chủ động trong tiêu thụ lúa, phải bán lúa tươi ngay sau thu hoạch dù giá rẻ. Để giữ giá lúa, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị Chính phủ cho triển khai mua tạm trữ thêm 300.000 tấn quy gạo vụ lúa hè thu và thu đông 2013, thời gian triển khai thực hiện từ 15-9 đến 15-10-2013.

Ông Trần Văn Quân, ngụ ấp Trường Đông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, bộc bạch: "Hầu hết bà con ở đây đều bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái, trong đó nhiều người đã nhận tiền cọc của thương lái khi lúa còn đứng trên đồng! Như vậy thì làm sao chủ động giá bán. Hiện nay, doanh nghiệp thực hiện chính sách mua tạm trữ lúa gạo của Nhà nước chỉ triển khai khi lúa vào vụ thu hoạch. Do vậy, cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế, không đợi tới lúc lúa trên đồng thu hoạch rộ mới triển khai, có như vậy nông dân mới được lợi".

Theo nhiều nông dân tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, xu hướng nhiều nông dân bán lúa tươi tại ruộng sẽ tác động mạnh đến những hộ phơi lúa trữ chờ giá. Nếu trữ lúa, khi muốn bán sẽ khó kêu thương lái hoặc thương lái mua với giá rẻ thì lỗ thêm. Thời gian qua, rất nhiều cuộc họp bàn cách tìm giải pháp để cứu giá lúa, đảm bảo thu nhập cho nông dân, nhưng lại thiếu chương trình hành động thiết thực đi kèm. Giải pháp đã có nhiều, vấn đề là triển khai sao cho hợp lý.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển 34 ngàn hécta nuôi trồng thủy sản Phát triển 34 ngàn hécta nuôi trồng thủy sản

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện đã phát triển được 34 ngàn hécta diện tích nuôi thủy sản, dự kiến năm 2015, đạt trên 45 ngàn tấn thủy sản các loại, tăng gần 27% so với thời điểm năm 2010.

10/09/2015
 Sớm xác định nguyên nhân khiến cho cá nuôi lồng bè bị chết hàng loạt trên sông Chà Và Sớm xác định nguyên nhân khiến cho cá nuôi lồng bè bị chết hàng loạt trên sông Chà Và

Thành lập Ban Chỉ đạo xử lý tình trạng cá nuôi lồng bè bị chết

10/09/2015
Chuyển đổi thành công đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản Chuyển đổi thành công đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt việc chuyển đổi diện tích đất cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng NTTS tập trung đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM của huyện.

10/09/2015
Bấp bênh trồng lúa trên đất nuôi tôm Bấp bênh trồng lúa trên đất nuôi tôm

Nhiều năm qua, mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL được nhiều nông dân áp dụng. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, hệ thống thủy lợi… Vì vậy, việc sản xuất chưa được như mong muốn.

10/09/2015
Diện tích nuôi tôm càng xanh tăng mạnh Diện tích nuôi tôm càng xanh tăng mạnh

Hiện nay đang vào mùa mưa, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bước vào vụ thả tôm nuôi mùa nước lợ. Đối tượng thả nuôi năm nay chủ yếu là tôm càng xanh, do vụ mùa qua, nhiều nông dân trúng đậm vụ tôm càng xanh trên ruộng lúa, nhiều hộ đạt lợi nhuận gần 30 triệu đồng/ha.

10/09/2015