Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau An Toàn Ra Chợ

Rau An Toàn Ra Chợ
Ngày đăng: 10/05/2014

Thời gian qua, có không ít dự án rau an toàn (RAT) được người nông dân theo đuổi, thế nhưng không bao lâu thì nhiều mô hình RAT phải “phá sản”.

Với quyết tâm đưa RAT đến với người tiêu dùng và cũng xác định vai trò phát triển kinh tế của RAT đối với đời sống và thu nhập của người dân vùng màu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã phối hợp cùng Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện... cho ra mắt mô hình bán RAT tại các chợ. Sau gần 3 tháng triển khai mô hình, bước đầu mang lại hiệu quả.

Phòng NN&PTNT huyện Lấp Vò chọn 3 hộ nông dân tại xã Mỹ An Hưng B thực hiện 2 mô hình trồng RAT với diện tích gần 7.000m2 làm thí điểm. Các hộ dân trồng rau theo hướng an toàn sinh học, có ghi sổ nhật ký bón phân, phun thuốc trừ sâu theo quy trình kỹ thuật do cán bộ chuyên môn hướng dẫn. Ngoài ra, Phòng cũng hỗ trợ mỗi mô hình gần 22 triệu đồng để làm nhà lưới và hệ thống tưới phun, dây cột rau...

Ông Tô Phước Lập - Tổ trưởng Tổ Hợp tác RAT xã Mỹ An Hưng B cho biết: “Bước đầu trồng cũng “hơi ngán” vì nông dân còn quen với cách canh tác cũ, việc ghi chép nhật ký, tuân thủ quy trình kỹ thuật chưa quen nên tương đối khó khăn, nhưng nhờ cán bộ nông nghiệp theo sát hướng dẫn, đến nay, sau hơn 3 tháng trồng đã dần dần quen được cách làm mới”.

Hiện tại, Tổ Hợp tác đang trồng trên 6 loại rau dưa các loại. Trong đó, nhiều nhất là rau muống và mồng tơi với diện tích trên 3.000m2, còn lại là dưa leo, đậu bắp, rau dền...

Để đảm bảo cung cấp cho thị trường, các diện tích cũng như từng loại rau sẽ được xuống giống rải ra, không tập trung nhằm tạo sự liên tục, tránh ùn ứ. Bên cạnh đó, để kiểm tra chất lượng sản phẩm, sau khi thu hoạch, RAT còn được kiểm tra dư lượng nông dược tại chỗ trước khi sơ chế và đem ra các chợ tiêu thụ.

Tại các chợ, Hội LHPN huyện sẽ làm công tác tuyên truyền, vận động chị em tiểu thương tham gia kinh doanh RAT bên cạnh rau thông thường. Mỗi hộ kinh doanh được hỗ trợ 1 tủ kính đựng RAT.

Chị Nguyễn Kim Nghĩa, chủ một cửa hàng tạp hóa chợ Mỹ An Hưng B cho biết: “RAT có giá cao hơn rau thường từ vài ngàn đồng, ban đầu bán cũng ít nhưng nhờ giới thiệu nên dần dần có nhiều khách hàng ghé qua quầy RAT.

Trung bình mỗi ngày tôi bán được vài chục kí RAT, tuy so với rau thường không là bao nhưng tôi cũng tích cực giới thiệu đến người tiêu dùng”.

Được biết, RAT hiện tại được bày bán tại 6 chợ trên địa bàn huyện Lấp Vò thuộc các xã: Tân Mỹ, Tân Khánh Trung, Mỹ An Hưng B, Vĩnh Thạnh, Bình Thành và thị trấn Lấp Vò với sản lượng tiêu thụ mỗi ngày gần 1 tấn rau.

Ông Trần Văn To - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lấp Vò nhận định, mô hình đưa RAT ra chợ mang lại hiệu quả bước đầu, giúp thay đổi nhận thức của người dân trong canh tác rau tại vùng màu, cung cấp RAT đến người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT cùng các phòng liên quan sẽ họp rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các chợ khác trên địa bàn, cũng như mở rộng diện tích canh tác RAT.

Còn theo ông Tô Phước Lập - Tổ trưởng Tổ Hợp tác RAT xã Mỹ An Hưng B bán RAT ra chợ là điều rất phấn khởi với ông và nhiều hộ sản xuất. Thế nhưng, ông cũng lo lắng khi xây dựng được hình ảnh RAT trong mắt người tiêu dùng thì sẽ dễ bị “nhái” từ các loại rau thông thường khác, dẫn tới mất uy tín.

Bởi, mẫu mã RAT hiện nay tương đối bắt mắt nhưng vẫn còn thô sơ và dễ dàng “nhái”, do đó ông kiến nghị huyện sớm có chính sách “bảo hộ” cho sản phẩm RAT để đây thật sự là một bước chuyển quan trọng, nhằm nâng cao giá trị của rau màu trên địa bàn huyện.


Có thể bạn quan tâm

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Dâu Da Đất Thoát Nghèo Nhờ Trồng Dâu Da Đất

Sở hữu hơn 40 cây dâu da đất với năng suất từ 1 tạ đến 3 tạ/cây, gia đình ông Nguyễn Hòa My (ở thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê) đã chọn đúng cây trồng, hợp thổ nhưỡng để thoát nghèo “khỏe” với thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.

07/10/2014
Nông Dân Krông Pa Thi Đua Sản Xuất, Kinh Doanh Giỏi Nông Dân Krông Pa Thi Đua Sản Xuất, Kinh Doanh Giỏi

Tận dụng lợi thế đất đai, thổ nhưỡng kết hợp với phương pháp canh tác khoa học và trên cả là ý chí vượt khó vươn lên, nhiều hộ nông dân ở huyện Krông Pa đã và đang làm đổi thay cuộc đời mình. Những hộ nông dân thu nhập tiền tỷ hay hàng trăm triệu đồng mỗi năm đã không còn là chuyện hiếm trên vùng đất xa xôi này.

07/10/2014
Quang Minh Mùa Lúa Chín Quang Minh Mùa Lúa Chín

Trong nắng Thu dịu nhẹ nhuộm vàng cánh đồng lúa chín là hình ảnh người dân quê nhanh tay gặt những bông lúa vàng trĩu hạt; là sự tất bật thu từng bó lúa đã hanh khô qua nắng để đưa vào máy tuốt... Những hình ảnh ấy tuy bình dị nhưng đã tạo nên bức tranh sinh động cho mùa lúa chín ở xã Quang Minh (Bắc Quang).

07/10/2014
Đổi Thay Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Kim Thạch Đổi Thay Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Kim Thạch

Những thế mạnh, tiềm năng của xã đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tập trung khai thác, biến những lợi thế thành động lực để thúc đẩy mặt bằng kinh tế chung trong toàn xã phát triển đi lên.

07/10/2014
Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp

Ở Hậu Giang, kinh tế tập thể đã thể hiện một phần vai trò tích cực trong cơ cấu nền kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, hiện còn nhiều hợp tác xã yếu kém, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ ngành chức năng.

07/10/2014