Vua Xoài Xứ Bảy Ngàn
Với thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm từ 7ha xoài, ông Đinh Văn Phương (Sáu Phương), ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A là người rất thành công với mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc tại địa phương. Nhiều người đã gọi ông là “vua xoài” của xứ Bảy Ngàn.
Được cán bộ thị trấn giới thiệu, chúng tôi về ấp 2A để tìm đến nhà ông vua xoài của xứ Bảy Ngàn. Hỏi thăm nhà ông Sáu Phương thì người dân nơi đây không ai còn xa lạ, bởi cái tên của ông đã gắn liền với cây xoài cát Hòa Lộc, đây là cây trồng chủ lực thứ 2 (sau cây lúa) của Bảy Ngàn.
Do bén duyên với cây xoài từ những ngày mới lập gia đình, trải qua gần 30 năm miệt mài, đến nay ông Phương đã “an cư, lạc nghiệp” với căn nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng cạnh vườn xoài trĩu trái.
Gặp chúng tôi khi đang chăm sóc bên vườn xoài, ông Phương kể lại: “Lúc mới ra riêng, vợ chồng chỉ có 2 công ruộng làm vốn.
Nhưng với ý chí chịu khó làm ăn và tích lũy nên vài năm đã sang thêm được 1ha ruộng. Tuy nhiên, thấy làm lúa quần quật cả năm mà cũng không có dư, một lần tình cờ được người quen giới thiệu về giống xoài cát Hòa Lộc, thấy đây là cây trồng mới và cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình quyết định chuyển toàn bộ 1ha lúa lên trồng xoài. Nhờ xoài liên tục trúng mùa và bán được giá cao nên cuộc sống gia đình trở nên khá giả hơn, từ 1ha xoài nay đã tăng lên 7ha”.
Với diện tích xoài hiện tại, mỗi năm gia đình ông Phương xử lý ra trái 2 lần (vào mùa thuận và mùa nghịch), tổng sản lượng 2 đợt thu hoạch khoảng 50 tấn trái, giá bán thấp nhất 15.000 đồng/kg và cao nhất là 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình ông còn thu nhập gần 1 tỉ đồng. Ông Phương tâm sự: “Để có được hiệu quả từ cây xoài thì phải có sự gắn bó và đam mê.
Muốn vườn cây phát huy được hiệu quả kinh tế cao, trước tiên cần chú ý đến nhu cầu của thị trường và chọn những thời điểm thích hợp nhất để xử lý cây ra trái. Khi sản phẩm đạt được yêu cầu của thị trường thì lúc đó mô hình kinh tế của mình sẽ thành công. Bên cạnh đó, cần phải liên tục học hỏi và cập nhật những cách làm mới, những phương pháp hiệu quả mà ngành nông nghiệp khuyến cáo”.
Trong vài năm gần đây, dù thời tiết diễn biến rất bất thường, nhiều nhà vườn trồng xoài phải lao đao vì cây trồng, nhưng với “vua xoài” Sáu Phương thì dù thời tiết có xấu, có mưa hay nắng thì ông vẫn cho vườn xoài của mình ra trái đều đặn, nhất là vào mùa nghịch.
Chính điều này, nhiều nhà vườn trồng xoài xứ Bảy Ngàn đều cảm phục. Về kỹ thuật chăm sóc, ông Sáu Phương cho biết: “Cái chính là việc cân đối giữa lượng phân và nước sao cho phù hợp với từng giai đoạn, từng mùa.
Chẳng hạn, trong thời kỳ để cây ra đọt thì dùng nhiều phân đạm, riêng thời điểm nuôi trái thì tăng cường bón kali. Đặc biệt, xoài nghịch vụ thì trời thường mưa, do vậy, muốn xoài đậu trái nhiều thì cứ sau những cơn mưa, bà con nên tiến hành rung đọt và kết hợp phun thuốc. Bên cạnh đó, cần áp dụng biện pháp bao trái để nâng cao năng suất và giá trị trái xoài”.
Không chỉ là người thành công với mô hình trồng xoài, ông Phương còn là tấm gương sáng cho những người biết sống vì cộng đồng. Những kinh nghiệm có được, ông sẵn sàng chia sẻ cho những người có nhu cầu và ham học hỏi, có ước vọng làm giàu…
Đặc biệt, ngoài phát triển kinh tế gia đình, hàng năm, ông Phương còn dành riêng khoảng 50 triệu đồng để làm công tác an sinh xã hội như: ủng hộ tiền xây cầu, làm đường, hỗ trợ gạo cho người nghèo…
Ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: Gần 10 năm nay, cây xoài cát Hòa Lộc đã đem lại lợi ích kinh tế khá nhiều cho bà con.
Đến nay, toàn thị trấn có 131ha xoài cát Hòa Lộc, với 146 hộ, thu nhập bình quân từ 75-150 triệu đồng/ha, cá biệt có một số hộ thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ giống xoài đặc sản này, điển hình như vua xoài Sáu Phương. Với những hiệu quả đem lại, hiện xoài cát Hòa Lộc là cây trồng góp phần giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Để nhà vườn có điều kiện trao đổi kỹ thuật trong sản xuất và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng trái xoài, dự kiến trong tháng 9 này, thị trấn sẽ ra mắt Hợp tác xã (HTX) trồng xoài cát Hòa Lộc, với 16 thành viên. Bên cạnh thành lập HTX, thị trấn cũng đang xúc tiến xây dựng nhãn hiệu VietGAP cho xoài cát Hòa Lộc để đầu ra được thuận lợi...
Có thể bạn quan tâm
Công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công Thực hiện chiến lược phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, mô hình 3F (Farm - Feed - Food)
Với sự nhạy bén, cần cù, dám nghĩ, dám làm, nông dân Phan Văn Sần tại huyện Bến Lức quyết định làm giàu từ trồng chanh không hạt trên đất mía
Nhờ triển khai mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm biogas và phụ phẩm nông nghiệp, hàng chục xã viên Hợp tác xã Duyên Thái, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội)
Đam mê làm nông nghiệp, ông Võ Văn Chưng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn bỏ vốn lớn đầu tư nhà kính trồng dưa lưới.
Trồng dừa xiêm đỏ làm giàu là cách làm hay của nông dân Nguyễn Văn Út, cư ngụ tại xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho.