Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rải Vụ Có Giải Quyết Được Tình Trạng Trúng Mùa Mất Giá?

Rải Vụ Có Giải Quyết Được Tình Trạng Trúng Mùa Mất Giá?
Ngày đăng: 08/07/2013

Cục trồng trọt vừa đề ra giải pháp rải vụ trên 5 loại cây ăn trái, kỳ vọng giải quyết được tình trạng cung vượt cầu vào chính vụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, giải pháp này chưa chắc mang lại hiệu quả. Ngay cả địa phương được phân công làm nhóm trưởng cũng lo nông dân... không nghe theo.

5 loại trái cây được chọn rải vụ

PGS.TS. Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, qua các lần khảo sát, lấy ý kiến các địa phương, dựa vào đặc tính mùa vụ, điều kiện sinh thái, kỹ thuật rải vụ của nông dân… Cục trồng trọt đề xuất 5 loại trái cây chủ lực áp dụng giải pháp rải vụ. Bước đầu áp dụng trên 5 loại trái cây có diện tích lớn, lịch rải vụ cho từng loại và phân công cho từng vùng như sau:

- Cây xoài hiện có diện tích 53.400 ha (Đông Nam bộ 17.700 ha, ĐBSCL 35.700 ha), diện tích rải vụ 11.120 ha, địa bàn áp dụng rải vụ tại 5 tỉnh là Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ. Nhóm trưởng điều hành là Đồng Tháp do là địa phương có diện tích lớn nhất (8.300 ha), Sở NN&PTNT Đồng Tháp sẽ đề xuất thời vụ với các địa phương còn lại. Thời gian rải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.

- Cây nhãn hiện có diện tích 40.800 ha (ĐBSCL 33.200 ha, Đông Nam bộ 7.500 ha), diện tích rải vụ sẽ là 14.000 ha, các địa phương tham gia rải vụ gồm Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang. Trưởng nhóm điều hành là Vĩnh Long với diện tích 9.300 ha. Thời gian rải vụ trên nhãn từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

- Cây chôm chôm sẽ áp dụng lịch rải vụ từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, Bến Tre sẽ là nhóm trưởng điều hành, hiện diện tích chôm chôm vùng Nam bộ 21.500 ha. Diện tích sẽ rải vụ cho vùng là 3.200 ha tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long.

- Cây sầu riêng có diện tích 14.800 ha (ĐBSCL 8.900 ha, Đông Nam bộ 5.900 ha), diện tích rải vụ là 4.100 ha, thời gian rải vụ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Các địa phương tham gia rải vụ là Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre. Tiền Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất (5.300 ha) nên sẽ là địa phương điều hành rải vụ.

- Cây thanh long, diện tích toàn vùng 19.000 ha, diện tích rải vụ là 11.000 ha, trong đó Bình Thuận 9.200 ha, Tiền Giang 1.200 ha, Long An 600 ha. Bình Thuận là nhóm trưởng điều hành lịch rải vụ. Thời gian rải vụ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Cục trồng trọt đề xuất các giải pháp chủ yếu là thực hiện quy hoạch sản xuất trái cây rải vụ gắn với sản xuất cây ăn trái tập trung. Địa phương cần xác định rõ đối tượng cây ăn trái, phạm vi địa bàn, quy mô, sản lượng rải vụ, lịch mùa vụ, gắn với sản xuất an toàn.

Mở rộng thị trường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trái cây xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm chủ lực. Nghiên cứu chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ mới cho vùng trồng (thu hoạch, bảo quản, chế biến…). Vận động nông dân tham gia liên kết, doanh nghiệp liên kết nông dân.

Sợ nông dân… không theo

Ông Nguyễn Văn Liêm, phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho rằng, giải pháp rải vụ sẽ gặp phải khó khăn khi dịch bệnh tấn công. Ngay như Vĩnh Long khi đối phó với bệnh chổi rồng trên nhãn, phải xử lý đồng loạt nhưng nông dân không hưởng ứng đồng loạt. Khi khuyến cáo rải vụ, nếu nông dân không giải quyết đầu ra thì sẽ đổ lỗi cho cấp điều hành.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Thuận lưu ý, nông dân Bình Thuận hiện đang áp dụng rải vụ 10.000 ha (toàn tỉnh có 20.000 ha), nông dân biết tính toán ngày, tháng và dịp nào thị trường cần trái thanh long mà xử lý ra hoa. Nhiều nhà vườn áp dụng ra trái quanh năm trong vườn. Do vậy, khi phân công rải vụ theo vùng lo nông dân không chịu vì không đảm bảo tốt đầu ra cho họ.

Bà Phan Thị Thu Sương, phó giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, rải vụ thực tế nông dân đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, để áp dụng đồng loạt, trên diện tích lớn cần có chủ trương hoặc có chỉ đạo từ cấp bộ vì phạm vi áp dụng không riêng địa phương mà bao gồm các tỉnh khác. Mặt khác, chỉ rải vụ đơn thuần mà thiếu doanh nghiệp tham gia cũng sẽ khó khăn.

Theo ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho rằng, rải vụ cần thiết giảm cung quá lớn, tuy nhiên khi khuyến cáo lịch rải vụ liệu thị trường tiêu thụ có tốt hơn không. Mặt khác, khi xử lý rải vụ (làm nghịch vụ) sẽ phát sinh nhiều sâu bệnh tấn công và nông dân phải dùng hóa chất để xử lý ra hoa trái vụ, thị trường thì tràn lan.

Phải tính đến tiêu thụ

TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam lưu ý, giải quyết bài toán cho tiêu thụ trái cây cần nhiều yếu tố, trong đó thị trường rất quan trọng, vì vậy song song với rải vụ phải có tiêu thụ, phải đặt yêu cầu này ra với nhà thu mua. Biện pháp chế biến, bảo quản cũng quan trọng, nếu thị trường gặp khó sẽ chuyển vào bảo quản hoặc chế biến. Việc xúc tiến thương mại cũng phải luôn chú trọng, việc này hiện còn quá yếu. Rải vụ nhưng phải đảm bảo chất lượng như chính vụ.

PGS.TS. Trần Văn Hâu (ĐH Cần Thơ) cho biết, rải vụ chỉ là một biện pháp, bởi việc “dội chợ” hiện nay chủ yếu tập trung chợ nội địa trong khi tiềm năng trái cây Việt Nam ở nước ngoài còn lớn nhưng chưa “chen chân” tốt. Nên cần mở rộng thị trường và cần nhiều doanh nghiệp tham gia.

Sẽ gặp khó khăn khi phân bố rải vụ vì nông dân không chấp hành lịch thời vụ mà sản xuất theo tính toán của mình. Mặt khác, mỗi vùng còn phụ thuộc điều kiện thời tiết khác nhau. Do đó chỉ áp dụng biện pháp hành chính cho rải vụ sẽ khó khả thi, trừ trường hợp rải vụ trên cơ sở thị trường tiêu thụ tốt cho nông dân.

PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam khẳng định, do trái cây chính vụ sản lượng lớn trong khi tiêu thụ chưa tốt nên cứ lặp lại cảnh “trúng mùa, mất giá”. Vì vậy cần áp dụng rải vụ giảm bớt trái cây tập trung. Đồng thời chú trọng tiếp thị, hiện nay việc này còn “mạnh ai nấy làm”, chưa xây dựng chương trình tiếp thị trọng điểm lâu dài như các nước. Trái cây trong nước dư thừa trong khi các nước rất ít thấy trái cây Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Đón sóng TPP nguy cơ ngành chăn nuôi thua trên sân nhà Đón sóng TPP nguy cơ ngành chăn nuôi thua trên sân nhà

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi được coi là ngành kinh tế bị tổn thương nhiều nhất khi TPP có hiệu lực, bởi lẽ, đây là ngành phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn của nước ngoài và thiếu sự liên kết bền vững.

19/11/2015
Nông nghiệp Việt Nam đón sóng TPP cơ hội và thách thức Nông nghiệp Việt Nam đón sóng TPP cơ hội và thách thức

Khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn thị trường chung rộng lớn với gần 800 triệu người tiêu dùng và 40% GDP toàn cầu.

19/11/2015
Phải ủng hộ các đại gia đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp Phải ủng hộ các đại gia đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp

Tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.Thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình nên rất khó khăn khi cạnh tranh với các nước trên thế giới.

19/11/2015
Chính phủ đang xây dựng các giải pháp ứng phó với hội nhập Chính phủ đang xây dựng các giải pháp ứng phó với hội nhập

Trả lời thêm về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do, chuẩn bị tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN…

19/11/2015
Giàu lên từ cá bớp lồng bè Giàu lên từ cá bớp lồng bè

Gần 2 năm nay, một số hộ dân Bình Đông, Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tận dụng thế mạnh khu vực biển phía sau bờ chắn sóng Nhà máy đóng tàu Dung Quất (giáp cửa biển Sa Cần), phát triển nghề nuôi cá bớp trong lồng bè.

20/11/2015