Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quýt Mường Khương tìm đường đến thương hiệu

Quýt Mường Khương tìm đường đến thương hiệu
Ngày đăng: 17/04/2015

Cây trồng thoát nghèo

Giống quýt được trồng ở Mường Khương có nguồn gốc từ việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của bà con địa phương từ bên kia biên giới. Khác với giống ban đầu, nhờ việc chăm sóc và khí hậu thích hợp, nên quả quýt Mường Khương giờ đây to, chắc, nhiều nước và có vị ngọt nhẹ. Tính đến hết năm 2014, diện tích quýt của huyện Mường Khương là 217 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 30 ha.

Năng suất cây quýt ngọt tại địa phương bình quân đạt 12 tấn/ha, giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tổng giá trị kinh tế do cây trồng này mang lại khoảng 5 tỷ đồng cho 30 ha. So với những cây trồng khác, quýt mang lại giá trị kinh tế cao hơn và mùa vụ thu hoạch khá ổn định.

Nhận thấy tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế bền vững, năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án phát triển vùng sản xuất quýt hàng hóa huyện Mường Khương với tổng vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện tại các xã Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ và thị trấn Mường Khương.

Đây là khu vực vùng trung của huyện, có khí hậu tương đối mát lành, đất đồi, núi cao, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển cây quýt ngọt. Các hộ dân tham gia Dự án được hỗ trợ 100% cây giống và phân bón trong 3 năm đầu, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và bảo quản quýt sau thu hoạch.

Anh Giàng Seo Di, xã Tả Ngài Chồ, một trong những người dân tham gia Dự án cho biết: Gia đình tôi trồng quýt từ nhiều năm trước nhưng không được hỗ trợ, nên phải chủ động tìm nguồn giống và “học mót” kỹ thuật, do đó năng suất không cao.

Từ khi tham gia Dự án, cây quýt tăng cả năng suất và chất lượng, năm 2014, gia đình tôi thu hoạch trên 3 tấn quả, thu gần 50 triệu đồng. Quýt Mường Khương ngon, ngọt nổi tiếng, nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, cũng không sợ mất giá.

Việc triển khai Dự án đã góp phần phát triển cây quýt hàng hoá trên địa bàn huyện Mường Khương nói riêng và toàn tỉnh nói chung, giúp nhiều hộ có cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến. Đến nay, có thể khẳng định, việc đưa cây quýt ngọt vào sản xuất tại Mường Khương đã phát huy hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Đường đến thương hiệu

Chị Phạm Thị Hạnh, một du khách đến từ Hải Dương chia sẻ: “Ban đầu, thấy quýt ở chợ tôi tưởng là cam vì quả chắc và vỏ dày hơn quýt bình thường. Ăn thử thấy ngon nên tôi lên tận vườn hái và mua về xuôi làm quà”. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, người dân địa phương cũng như du khách đang rất ưa chuộng quả quýt ngọt của Mường Khương, nhưng sản lượng quýt vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Chị Vương Thị Thúy, một tiểu thương buôn bán hoa quả tại thị trấn Mường Khương cho biết: “Sản lượng quýt ngọt Mường Khương chưa nhiều, nên có người đã đặt mua quýt Trung Quốc để bán khiến cho quýt địa phương đang bị ảnh hưởng. Nếu điều này tiếp diễn sẽ khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm quýt ngọt Mường Khương”.

Trên thực tế, Dự án phát triển cây quýt hàng hóa tại Mường Khương đã tính đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm để người tiêu dùng có thêm thông tin về nguồn gốc. Đó cũng là cơ sở để đánh giá, xác định mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng với hàng nông sản nhờ những dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh, tính chất sản phẩm. Việc lập chỉ dẫn địa lý là tiền đề cho xây dựng thương hiệu, tránh nhầm lẫn với sản phẩm khác, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra và cấp chứng nhận cho cơ sở sản xuất giống quýt ngọt tại Mường Khương, nhằm giúp người dân trồng đúng chủng loại giống, đảm bảo giá trị thương hiệu.

Dự kiến đến năm 2018, diện tích trồng quýt toàn huyện lên đến 400 ha, trong đó, sẽ lựa chọn khoảng 10 ha trồng tập trung tại thị trấn Mường Khương để xây dựng mô hình sản xuất quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, việc phát triển quy mô vùng trồng quýt sẽ được gắn với bảo quản và tiêu thụ quýt sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị hàng hóa.

Ông Phạm Xuân Thịnh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Cây quýt mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ đã không chờ nguồn hỗ trợ mà mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng quýt trên quy mô lớn. Đó chính là tín hiệu đáng mừng trước khi cây quýt ngọt Mường Khương có thương hiệu chính thức và mở rộng thị trường tiêu thụ trên phạm vi lớn hơn.


Có thể bạn quan tâm

Chuyện Không Bình Thường Về Con Banh Lông Chuyện Không Bình Thường Về Con Banh Lông

Vài tháng qua, tại một số xã giáp biển của huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nhiều ngư dân đã chuyển hẳn từ bắt cá, ghẹ sang đánh bắt con banh lông, một loài thủy sản còn xa lạ với người dân Kiên Giang. Đã xuất hiện dấu hiệu bất thường, trong khi đó chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn lúng túng.

16/05/2014
Hải Phòng Tổng Sản Lượng Thủy Sản 4 Tháng Đầu Năm Tăng Gần 9% Hải Phòng Tổng Sản Lượng Thủy Sản 4 Tháng Đầu Năm Tăng Gần 9%

Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 32.666 tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2013 (khai thác 16.405 tấn, tăng 7,8%; nuôi trồng 16.261 tấn, tăng 9,6%).

06/06/2014
Áp Dụng Công Nghệ Và Quy Trình Bảo Quản Tiên Tiến Gia Tăng Giá Trị Hải Sản Sau Đánh Bắt Áp Dụng Công Nghệ Và Quy Trình Bảo Quản Tiên Tiến Gia Tăng Giá Trị Hải Sản Sau Đánh Bắt

Theo các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện nay lượng cá sau khi đánh bắt vẫn còn phải bảo quản theo phương pháp truyền thống nên khả năng giữ lạnh thấp, ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Muốn khắc phục những hạn chế trên, cần áp dụng công nghệ và quy trình tiên tiến để bảo quản sản phẩm trên tàu cá.

07/06/2014
Phát Triển Bền Vững Cây Thanh Long Giữ Vững Thương Hiệu Thanh Long Phát Triển Bền Vững Cây Thanh Long Giữ Vững Thương Hiệu Thanh Long

Diện tích trồng cây thanh long đang phát triển với tốc độ nhanh, tự phát, không theo quy hoạch, đã làm phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý điều hành, chỉ đạo sản xuất, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đất trồng lúa và các loại cây trồng đặc sản truyền thống khác. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường...

16/05/2014
Xây Dựng Thương Hiệu Thực Phẩm Sạch Khó Khăn Do Thiếu Kinh Phí Xây Dựng Thương Hiệu Thực Phẩm Sạch Khó Khăn Do Thiếu Kinh Phí

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ nhiều chương trình xây dựng thực phẩm sạch nhằm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

07/06/2014