Nạn Cắt Trộm Dây Tiêu Hoành Hành

Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở thôn 11, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin - Dak Lak) “đứng ngồi không yên” khi vườn tiêu 3-4 năm tuổi đang bước vào thời kỳ kinh doanh bị kẻ gian cắt trộm dây về làm giống, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Trong 2 năm trở lại đây, giá tiêu trên thị trường liên tục tăng cao (có thời điểm lên tới hơn 130.000 đồng/kg) nên phong trào trồng tiêu lan rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Kéo theo đó là dây hồ tiêu giống cũng trở nên có giá không thua kém hạt tiêu.
Theo bà con nông dân, mỗi dây tiêu giống được bán với giá 5 đến 10 ngàn đồng; dây tiêu ác (1 sợi 3 mắt, dây chủ của trụ tiêu), được bán giá 20 ngàn đồng, nếu cắt dây này của trụ tiêu đã trồng 3 năm đem ươm giống thì có thể bán được 800 ngàn đồng. Với lợi nhuận cao như vậy nên nhiều đối tượng đã tìm mọi thủ đoạn cắt trộm dây tiêu, chúng không hành động liên tục mà thường theo chu kỳ 15-20 ngày mới thực hiện một vụ.
Ông Trần Xuân Hồng, Trưởng thôn 11, xã Ea Tiêu cho biết: từ tháng 12 năm 2013 đến nay, trên địa bàn thôn đã xảy ra hàng chục vụ cắt trộm dây tiêu, trong đó hơn 10 hộ có vườn tiêu bị cắt trộm từ 20 đến 30 trụ, chưa kể còn có thêm vài hộ khác ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), giáp ranh với xã Ea Tiêu cũng bị kẻ trộm cắt từ 5-10 trụ/vườn.
Theo lời kể của anh Nguyễn Thanh Xuân, thôn 11, vào một ngày đầu tháng 3 năm 2014, anh lên thăm rẫy thì phát hiện hàng chục trụ tiêu có dấu hiệu héo lá, khô ngọn, lại gần thì thấy phần dưới trụ tiêu (ngang đầu người trở xuống mặt đất) đã bị kẻ gian cắt sạch dây chủ.
Kiểm tra lại toàn bộ khu vườn thì có đến 26 trụ bị kẻ gian cắt trộm. Được biết, gia đình anh Xuân trồng hơn 1.000 trụ tiêu, bình quân mỗi trụ từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch mất 3 năm, tính ra mỗi trụ tiêu anh phải đầu tư từ 5 đến 7 triệu đồng.
Ở thời điểm bị kẻ gian phá hoại, vườn tiêu của gia đình anh đang trong kỳ cho thu hoạch, mỗi trụ thu từ 15 đến 17 kg tiêu hạt, như vậy mỗi trụ tiêu bị cắt trộm dây, anh mất trắng từ 2 đến 2,2 triệu đồng (tính theo giá tiêu hiện nay ở mức 130 đến 140 ngàn đồng/kg). Cùng chung “số phận” như vườn tiêu của anh Xuân, gia đình chị Nguyễn Thị Thu cũng bị kẻ gian cắt mất 24 trụ tiêu 3 năm tuổi đang trong thời kỳ thu hoạch chỉ trong 1 đêm.
Chị Thu cho biết: bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đổ dồn vào vườn tiêu, trồng cây đã đến ngày ăn quả, vậy mà bọn trộm phá hoại không thương tiếc, nhìn vườn tiêu, lòng chị như đứt từng khúc ruột. Tới đây, gia đình chị phải trả tiền ngân hàng, tiền lo cho các cháu ăn học mà chưa biết xoay xở vào đâu.
Được biết, việc phá hoại vườn tiêu không chỉ lần đầu xảy ra tại thôn 11 mà đã từng xảy ra ở nhiều địa phương khác trong huyện các vụ mùa trước đây, nhưng ở mức độ nhỏ lẻ nên không được người dân báo cáo.
Chẳng hạn như cách đây không lâu, gia đình anh Trần Văn Hạnh ở xã Ea B’hôk (huyện Cư Kuin) đã bị trộm vào hái mất hơn 50 trụ tiêu trên tổng số 500 trụ của gia đình, ước thiệt hại gần 100 triệu đồng. Không riêng gì vườn tiêu nhà anh Hạnh, nhiều hộ trồng tiêu khác trong vùng cũng bị hái trộm.
Có khi chúng kéo nhau từng tốp 3 - 5 tên vào vườn tiêu, ngang nhiên dùng cào sắt kéo cả dây tiêu trên trụ xuống, thậm chí chặt cả gốc tiêu chuyển đến chỗ vắng để tuốt lấy hạt. Đôi khi chủ vườn phát hiện xua đuổi thì bị thách thức, chống trả lại bằng hung khí như dao rựa, gậy gộc.
Hộ anh Lê Huy (cùng xã Ea B’hôk) phát hiện kẻ trộm đã xua đuổi, nhưng bị chúng dùng dao dọa đánh, anh báo lên chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ. Và cái giá anh phải trả là vườn tiêu nhà anh đã bị kẻ xấu chặt phá hơn 50 trụ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ông Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu cho biết: theo phản ánh của người dân, trên địa bàn xã đã xảy ra hàng loạt vụ phá hoại tiêu với số lượng lớn.
Qua kiểm tra hiện trường ban đầu nhận định có 2 loại đối tượng gây ra những vụ việc trên. Một là loại đối tượng cắt trộm dây tiêu đem bán cho các chủ vườn ươm hoặc mang về nhà ươm nhân giống; hai là các đối tượng do thù hằn cá nhân nên chặt tiêu, cà phê phá hoại kinh tế để trả đũa.
Một lý do nữa là những hộ bị cắt trộm dây tiêu chủ yếu trồng tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị) - là giống tiêu có thân khỏe, phát triển mạnh, chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, năng suất cao từ 5-7 tấn/ha. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã đã chỉ đạo Công an xã vào cuộc điều tra, động viên bà con tăng cường cảnh giác với bọn trộm.
Tại những địa bàn xảy ra vụ việc, Công an xã đã tổ chức tuần tra vào các buổi: trưa, chiều tối, ban đêm hoặc mật phục, nhưng gặp khó khăn do thôn 11 có địa hình giáp với xã Ea Kao, nên khi gây án ở Ea Tiêu nếu bị phát hiện, kẻ gian có nhiều đường để tẩu thoát. Chưa kể, chúng thường ăn mặc như người đi làm rẫy, lợi dụng lúc vắng người, mới vào các vườn tiêu hành động. Đôi khi chúng đi thành tốp cả nam lẫn nữ và cử người canh gác vòng ngoài, nếu phát hiện nguy hiểm, thì dùng điện thoại liên lạc cho đồng bọn tẩu thoát…
Thượng tá Nguyễn Bường, Trưởng Công an huyện Cư Kuin cho biết, các vụ trộm tiêu đã được người dân báo lên Công an huyện và đơn vị cũng mới lập Chuyên án để điều tra, xử lý.
Trước mắt, để ngăn chặn, Công an huyện đã chỉ đạo công an các xã phối hợp với chính quyền và mặt trận, đoàn thể ở cơ sở thành lập các đội an ninh tự quản tại thôn, buôn, cùng các chủ vườn tiêu tăng cường tuần tra, bảo vệ; khi phát hiện kẻ trộm thì nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng có biện pháp phối hợp xử lý.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 12.8, ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết: Vụ hè thu 2013, toàn tỉnh Sơn La gieo trồng được 162.000ha ngô, tăng 10.000ha so với năm 2012.

Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (gọi tắt là Công ty Trúc Anh), Doanh nghiệp tư nhân tôm giống Dương Hùng (gọi tắt là DNTN Dương Hùng) đầu tư, hỗ trợ và xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học (ATSH), nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật và xây dựng mô hình để nhân rộng ra cho nông dân học tập kinh nghiệm.

Nuôi cá tra nguyên liệu theo hình thức gia công là biện pháp được cho là tiếp sức cho người nuôi cá trong giai đoạn cá tra nguyên liệu bị rớt giá trầm trọng.

Cá chẽm là loài cá có giá trị kinh tế, dễ nuôi do cá có khả năng chịu đựng được tốt với điều kiện môi trường, với các loại thức ăn rộng nên là đối tượng nuôi thích hợp cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích mặt nước, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu thị trường, đa dạng hoá đối tượng, sản phẩm và hạn chế rủi ro.

Theo tin từ TX Quảng Yên (Quảng Ninh), trên địa bàn thị xã có trên 6.200ha ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản nhưng đến thời điểm hiện tại đã có 264ha ao, đầm có hiện tượng tôm bị chết hàng loạt.