Quýt Đường Ở Suối Giêng
Vùng đất thôn Suối Giêng, xã Tân Đức (Hàm Tân) có nhiều người dân vùng sông nước miền Tây lên lập nghiệp. Ở đó có những gia đình đã gây dựng cho mình cuộc sống mới ổn định, nhờ trồng cây ăn trái. Vườn quýt đường 600 cây đang thu hoạch của gia đình ông Tô Văn Viễn là một minh chứng cho cách làm hiệu quả.
Những ngày giáp tết, về vùng đất thôn Suối Giêng, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, chúng tôi nhận thấy cảnh tấp nập của bà con nhà vườn đang thu hoạch trái cây bán cho thương lái. Gặp và trò chuyện với chủ vườn Tô Văn Viễn (65 tuổi), mới thấy ý chí và quyết tâm của người đi làm kinh tế ở vùng đất mới nơi đây.
Cũng giống như bao người dân “vùng miệt vườn sông nước”, ông Viễn rời miền đất Kiên Giang về đây lập nghiệp từ năm 2009. Khi mới đến ông mua 1 ha đất để lập vườn. Đầu năm 2010, ông Viễn bàn tính cùng gia đình quyết định đầu tư mua 600 cây quýt đường để trồng trên diện tích đất gần 1 ha. Khi đưa vào trồng gia đình ông cũng không mấy tin tưởng vào hướng đi này.
Nhưng với kinh nghiệm trồng cây ăn trái, cộng với những gia đình đi trước đã có thu nhập cao từ giống cây trồng này, vì thế ông yên tâm đầu tư. Sau hai năm trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn quýt đường phát triển tốt. Bước sang năm thứ ba, vườn quýt đường cho bông đậu trái nhiều, nhưng vì cây còn nhỏ, để trái nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về sau, vì thế ông Viễn lặt bỏ trái chỉ để mỗi cây một ít trái.
Kết quả, khi thu hoạch mùa trái năm đầu tiên được hơn 2 tấn, bán giá 20.000 đồng/kg, ông thu hơn 40 triệu đồng. Nguồn thu này so với vốn đầu tư trồng, chăm sóc trong 3 năm chưa thấm vào đâu, nhưng bước đầu nhận thấy cây quýt đường thích hợp để phát triển ở vùng đất này.
Nhờ thời tiết khá ổn định, cộng với kinh nghiệm chăm sóc, bón phân, tưới nước, tỉa cành đúng kỹ thuật giúp cây phát triển mạnh. “Hiện vườn quýt đường 600 cây bước sang năm thứ 4, đang cho trái xum xuê. Những ngày qua thương lái mua với giá từ 23.000 - 25.000 đồng/kg. Theo ước tính đợt trái này thu hoạch đến tết âm lịch là xong, ước đạt khoảng 20 tấn. Với giá ổn định như hiện nay sẽ thu khoảng 460 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 250 triệu đồng” - ông Tô Văn Viễn cho biết.
Theo tính toán của ông Viễn cùng một số gia đình đang áp dụng trồng quýt đường ở vùng đất thôn Suối Giêng, xã Tân Đức, trung bình 1 ha đất trồng khoảng 600 cây quýt đường, vốn đầu tư từ khi trồng đến khi cây cho trái (tức cây quýt đường trồng được 4 năm) gần 300 triệu đồng.
Hiện trên địa bàn thôn Suối Giêng nói riêng và xã Tân Đức nói chung đã phát triển trên 30 ha cây quýt đường. Đa số diện tích quýt đường đã bước sang năm thứ 4 trở lên và đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác như nhãn, xoài, ông Đào Văn Cầu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đức cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Đến hẹn lại lên, cuối hạ, dọc theo tuyến đường ĐT616 đoạn qua xã Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) lại thấy một màu xanh vàng đẹp mắt của những trái thanh trà, đặc sản vùng quê Trà Khân…
Chọn loại cây trồng gì trên những chân đất, vùng đất cụ thể, phù hợp, thời vụ gieo trồng ra sao, để có thể “né” những tác động xấu của thiên tai. Điều đó được coi là những yếu tố tiên quyết để có một vụ đông thắng lợi.
Để nâng cao hiệu quả giám sát 3 dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm là lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm, hiện nay Cục Thú y đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo về báo cáo thu thập thông tin về dịch bệnh gia súc gia cầm.
Hiện nay đang vào đầu mùa mưa, chính là thời điểm sinh sản duy trì nòi giống của các loại thuỷ sản, trong đó có nguồn cá đồng. Tuy mới bắt đầu mùa sinh sản, cá còn rất nhỏ nhưng đã xuất hiện nhiều hình thức bắt cá non, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì nguồn lợi cá đồng sẽ cạn kiệt nhanh.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã đầu tư trồng cây chôm chôm Thái. Với đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, cây chôm chôm Thái đang trở thành một giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.