Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cấp Điện Nuôi Tôm Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long EVN Kêu Hết Tiền

Cấp Điện Nuôi Tôm Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long EVN Kêu Hết Tiền
Ngày đăng: 24/02/2014

Khi con tôm thẻ chân trắng lên ngôi cũng là lúc tình trạng thiếu điện phục vụ cho hoạt động nuôi loại tôm này ở nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, ngành điện lực lại than hết vốn, không có khả năng đầu tư nếu các địa phương không cho ứng tiền thực hiện.

Ngành điện kêu… hết tiền

Theo báo cáo của Sở Công Thương Sóc Trăng tại cuộc họp “Giải quyết cấp điện cho nuôi tôm nước lợ”, tổ chức tại Sóc Trăng vào chiều hôm qua (19-2), mạng lưới điện cần đầu tư nâng cấp, cải tạo để phục vụ nuôi tôm nước lợ ở địa phương trong năm 2014 khoảng 338 km đường dây (gồm 95 km đường dây trung thế và 243 km đường dây hạ thế cùng 216 trạm biến áp), tổng số vốn đầu tư trên 85 tỉ đồng.

Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư nâng cấp, cải tạo 52 km đường dây trung thế, gần 156 km đường dây hạ thế, 138 trạm biến áp với tổng số vốn đầu tư trên 54 tỉ đồng để phục vụ cho hơn 7.100 héc ta diện tích nuôi tôm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Duy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty điện lực (EVN) miền Nam, cho rằng trong những năm gần đây EVN miền Nam đã tập trung rất nhiều nguồn lực đầu tư cho đường dây Hà Tiên- Phú Quốc (dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên- Phú Quốc ở Kiên Giang- PV); đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện phục vụ nuôi tôm nước lợ ở Bạc Liêu, Cà Mau hay hệ thống lưới điện phục vụ trồng thanh long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… cho nên hiện EVN miền Nam không còn đủ sức đầu tư vào lưới điện ở Sóc Trăng. “Chúng tôi đã phải bỏ ra một số vốn quá lớn nên một mình rất khó có thể đảm đương nổi nữa”, ông Duy nói.

Ông Duy cũng cảm thấy rất bức xúc trước tình trạng thiếu điện phục vụ cho nuôi tôm ở Sóc Trăng. Ông đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng cần ứng vốn cho công trình này. “Trong 54 tỉ đồng cần đầu tư, EVN Sóc Trăng sẽ dành 10 tỉ đồng, EVN miền Nam sẽ cấp cho EVN Sóc Trăng 15 tỉ đồng nữa, phần còn lại do UBND tỉnh ứng vốn ra để đầu tư và EVN miền Nam sẽ chia đều, trả dần trong 5 năm. Năm 2014 chỉ có thể giải quyết được 54 tỉ đồng/tổng nhu cầu (trên 85 tỉ đồng) đó thôi”, ông Duy cho biết.

Cả chục ngàn héc ta tôm nuôi bị ảnh hưởng

Trong năm 2014, ước tính sơ bộ của ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre…, sẽ có hơn 20.000 héc ta diện tích tôm nuôi nước lợ bị ảnh hưởng do thiếu điện.

Riêng tại Sóc Trăng, kết quả điều tra của Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan được công bố tại cuộc họp, trong năm 2014 sẽ có khoảng 9.200 héc ta diện tích nuôi tôm ở các huyện, thị xã như Cù Lao Dung, Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Vĩnh Châu bị ảnh hưởng vì thiếu điện.

Ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND Sóc Trăng, cho biết sở dĩ có tình trạng thiếu điện cung cấp cho nuôi tôm nước lợ là do có sự dịch chuyển mạnh mẽ đối tượng nuôi, từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng.

Theo ông Nghiệp, khi có sự chuyển đổi như trên, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng lên 5-6 lần bởi vì ngoài yếu tố thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn ngày, quay vòng vụ nuôi trong cùng một năm nhanh, thì yếu tố mật độ thả nuôi tôm thẻ chân trắng dày hơn tôm sú nên nhu cầu sử dụng điện để chạy các hệ thống quạt sục bọt khí, tạo ô-xi cho tôm phát triển cũng nhiều hơn. “Do đó, tiêu tốn năng lượng điện nhiều hơn nên cần phải nâng cấp, đầu tư mới hệ thống lưới điện”, ông Nghiệp nói.

Cũng theo ông Nghiệp, trong năm 2013, lần đầu tiên Sóc Trăng lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu, hơn 520 triệu đô la Mỹ, trong đó có đóng góp rất lớn từ ngành tôm. “Nếu trong năm 2014, vấn đề cung cấp điện cho nuôi tôm không được giải quyết, tôi e tình hình sản xuất và xuất khẩu của tỉnh sẽ rất khó khăn”, ông Nghiệp cho biết.

Về đề nghị ứng vốn của ông Duy ở EVN miền Nam, ông Nghiệp cho biết sẽ báo cáo UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét và sớm có câu trả lời cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Lợn “Không Tắm” Mang Lại Hiệu Quả Cao Mô Hình Nuôi Lợn “Không Tắm” Mang Lại Hiệu Quả Cao

Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, không tắm cho lợn suốt quá trình nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

06/06/2013
114 Trại Được Cấp Chứng Nhận An Toàn Dịch Bệnh 114 Trại Được Cấp Chứng Nhận An Toàn Dịch Bệnh

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Đồng Nai đã hướng dẫn và đề nghị cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 18 trang trại chăn nuôi trong tỉnh và tái đăng ký cho 46 trang trại. Hiện toàn tỉnh có 114 cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, gồm 65 trang trại gà và 49 trang trại heo

06/06/2013
Những Giống Lúa Lai Thích Nghi Với Độ Mặn Cao Những Giống Lúa Lai Thích Nghi Với Độ Mặn Cao

Đề tài Tuyển chọn các giống lúa chịu mặn thích nghi với vùng canh tác lúa chịu ảnh hưởng mặn ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được chính thức triển khai từ năm 2011 đến năm 2013.

06/06/2013
Xây Dựng Mô Hình Khắc Phục Hiện Tượng Sượng Trái Sầu Riêng Xây Dựng Mô Hình Khắc Phục Hiện Tượng Sượng Trái Sầu Riêng

Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã tổ chức Hội đồng Khoa học nghiệm thu Dự án “Xây dựng mô hình khắc phục hiện tượng sượng trái sầu riêng trên địa bàn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre”, do Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm (công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách) làm chủ nhiệm.

06/06/2013
Nuôi Hươu Sao Lấy Nhung Nuôi Hươu Sao Lấy Nhung

Năm 2011, gia đình chị Nguyễn Thúy Hoa, tổ 1, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi hươu sao lấy nhung.

06/06/2013