Quyết Tâm Bảo Vệ Diện Tích Lúa Vụ 3
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tự ý xuống giống lúa vụ 3 (còn gọi là vụ thu đông) năm 2013 với tổng diện tích lên đến gần 1.000ha, tập trung nhiều ở 2 huyện Hồng Ngự và Tân Hồng (Đồng Tháp), dù ngành chức năng khuyến cáo không nên xuống giống vì hệ thống đê bao không đảm bảo an toàn. Hiện tại, nước lũ thượng nguồn đang đổ về mạnh, chính quyền và người dân đang “gồng mình” quyết tâm bảo vệ lúa vụ 3 nhằm tránh thiệt hại cho người dân.
Có mặt tại cánh đồng Bào Quế, ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, qua trao đổi bà Nguyễn Thị Nga cho biết, mặc dù thu hoạch vụ lúa hè thu không có lời, cuộc sống chủ yếu dựa vào 10 công ruộng, nên gia đình tiếp tục xuống giống vụ thu đông, hy vọng vụ này trúng mùa và được giá. Khi chúng tôi đặt vấn đề lũ đang về tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con không nên xuống giống vụ 3 vì chưa có hệ thống đê bao hoàn chỉnh thì bà Nga cho rằng cũng có tính toán lịch thời vụ (thu hoạch vụ hè thu sớm, vùng đất gò), nhưng ít nhiều cũng mạo hiểm nếu lũ về bất thường.
Ông Nguyễn Chi Lăng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng cho biết, toàn huyện có gần 300ha xuống giống lúa vụ 3 ở những ô đê bao không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì phần lớn số diện tích nói trên thu hoạch vụ hè thu sớm, nông dân có tính toán lịch thời vụ mới tiếp tục xuống giống lúa vụ 3, nên nhiều diện tích sẽ thu hoạch vào giữa tháng 7 âm lịch có khả năng đảm bảo an toàn. Song, ngành nông nghiệp huyện cũng đang phối hợp với các địa phương tiến hành gia cố đê bao, lấp miệng cống... ở những khu vực xuống giống lúa vụ 3 nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.
Ông Phan Văn Chạy ngụ ấp 1, xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) có 8 công lúa vụ 3 đang trong giai đoạn trổ đều nhưng ông rất nóng lòng vì thời điểm này nước lũ từ thượng nguồn đổ về mạnh. Mực nước trên kênh lên mỗi ngày vài phân, trong khi diện tích sản xuất của ông cũng như nhiều hộ dân khác nằm trong hệ thống đê bao không đảm bảo an toàn nên ngành chức năng đã khuyến cáo không xuống giống trước đó. Ông Chạy nói, giữa tháng 7 âm lịch mới thu hoạch, thấy nước lên nhanh cũng sợ, nếu mất mùa thì gia đình sẽ gặp khó khăn trong vụ tới, do đó bà con cùng chính quyền đang tập trung gia cố những đoạn đê xung yếu nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.
Tương tự, mặc dù ngành chức năng khuyến cáo không nên xuống giống tại khu vực có hệ thống đê bao chưa đảm bảo an toàn nhưng ông Phạm Văn Chớ ngụ ấp 1, xã Thường Phước 1 (Hồng Ngự) vẫn xuống giống lúa vụ 3 với diện tích hơn 20 công, hiện lúa được 60 ngày tuổi. Ông Chớ cho biết, cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào ruộng, xuống giống ở khu vực đê bao không đảm bảo ăn chắc nên cũng lo, nếu lũ “chụp” thì hết vốn đầu tư cho vụ sau.
Toàn huyện Hồng Ngự có trên 500ha lúa vụ 3 xuống giống ở những nơi có hệ thống đê bao không bảo đảm an toàn, tập trung ở xã Thường Thới Hậu B và xã Thường Phước 1. Tuy nhiên, trước diễn biến nước lũ thượng nguồn đổ về mạnh, chính quyền và người dân huyện Hồng Ngự đang “gồng mình” bảo vệ diện tích lúa vụ 3 do người dân tự ý xuống giống.
Ông Nguyễn Quốc Hưng-Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết, huyện đã có chủ trương tổ chức gia cố các đoạn đê xung yếu ở những ô đê bao không đảm bảo an toàn; quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể địa phương để thống nhất chủ trương, quyết tâm, vận động người dân đồng thuận cao trong đóng góp bảo vệ đê bao; lắp đặt hệ thống bơm tiêu bảo vệ diện tích lúa vụ 3, trong đó UBND xã làm trung gian để nông dân bàn bạc với hợp tác xã thống nhất về nội dung hợp đồng, phương thức thực hiện, mức thu tiền rút nước chống úng nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên; UBND xã xây dựng kế hoạch riêng cho việc bảo vệ lúa vụ 3, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên để thường xuyên bám sát địa bàn nhằm thực hiện việc bảo vệ lúa vụ 3 có hiệu quả, tránh thiệt hại cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 3-8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri (Bến Tre) phối hợp với Công ty TNHH Mai Duy Anh (TP. HCM) tổ chức Hội thảo chuyên đề áp dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò thịt.
Mặc dù đã áp dụng những giải pháp từ giới khoa học và các quy trình xử lý ao hồ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, sau đợt đại dịch tôm sú, hơn 1.100 hộ nuôi tôm tại Trà Vinh vẫn bị thiệt hại do tôm nuôi vụ hai tiếp tục chết trên diện rộng, với tổng diện tích thiệt hại đã trên 1.000 ha.
Sau mùa vụ nuôi tôm kéo dài hơn 6 tháng, nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau) đang bắt tay vào làm vụ lúa cấy trên đất nuôi tôm. Khắp nơi bà con đang nhanh tiến độ gieo mạ, làm đất để dồn sức cho mùa vụ mới.
Cồn Cống là cù lao nhỏ nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền, thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Với một mặt hướng thẳng ra Biển Đông, Cồn Cống không khác gì chốt tiền tiêu thiên nhiên, ngày đêm canh giữ vùng biển hạ lưu sông Tiền.
Làm thế nào để tiêu thụ hết sản lượng thanh long sản xuất ra với giá cả hợp lý, tăng thu nhập cho nông dân…? Đó là mục tiêu để mô hình liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tiêu thụ thanh long và cung ứng vật tư nông nghiệp được hình thành.