Xã Thành Sơn (Khánh Hòa) Chuẩn Bị Vụ Chuối Tết

Cây chuối mốc là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa). Hiện người dân đang tập trung chăm sóc cho vụ chuối Tết Nguyên đán 2015.
Xã Thành Sơn là khu vực tập trung phần lớn diện tích trồng chuối của huyện Khánh Sơn với khoảng 500ha. Theo ông Lương Tấn Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, mọi bộ phận của cây chuối đều có thể mang lại thu nhập quanh năm cho người dân. Nhất là vào dịp Tết, toàn xã có hàng chục hộ thu nhập 20 - 30 triệu đồng từ bán chuối. Nhờ đó, người dân có tiền chi tiêu trong dịp Tết và mua các vật dụng cần thiết trong gia đình.
Vì thế, cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm, bà con nông dân trong xã tập trung chăm sóc cho vụ chuối Tết. Chị Cao Thị Văn (thôn A Pa 1) cho biết: “Nhà tôi có gần 1ha chuối mốc. Hiện tôi chỉ chặt những buồng xấu hoặc quá già để bán, còn những buồng đẹp tôi để dành đến Tết âm lịch bán cho được giá cao hơn. Mỗi năm, gia đình tôi cũng thu được khoản tiền kha khá nhờ bán chuối Tết”.
Chuối ở Khánh Sơn nói chung và Thành Sơn nói riêng thường được các thương lái thu mua chở đi tiêu thụ ở miền Tây Nam bộ, miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Lương Tấn Vinh cho biết, hiện nay, hầu hết diện tích chuối của đồng bào đều đã được các tiểu thương trong vùng đặt hàng thu mua vào dịp Tết. Tuy nhiên, bà con cần chăm sóc tốt, chuối đẹp mới bán được giá cao. Cửa hàng thương mại xã Thành Sơn cũng đã niêm yết giá thu mua chuối trong dịp Tết là 3.500 đồng/kg.
So với mọi năm, năm 2014 có một số yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng chuối tại Thành Sơn như thời tiết ít mưa, nhiều vườn cũng đã xuất hiện tình trạng rầy lửa (nấm Panama) hại cây. Do giá thu mua bắp chuối hiện nay đang ở mức cao (gấp 2 - 3 lần trước đây), nhiều vườn chuối thường xuyên bị cắt trộm ngay cả khi cây chuối mới trổ buồng được một vài nhánh.
Cũng theo ông Vinh, may nhờ đợt mưa cách đây hơn 1 tháng nên chuối tại Thành Sơn vẫn phát triển khá tốt. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con không cắt bắp chuối quá sớm, đồng thời hướng dẫn cách xử lý những bụi chuối nhiễm rầy lửa, tránh lây lan ra diện rộng. Nhờ đó, sản lượng chuối có thể vẫn đạt tương đương mọi năm, khoảng hơn 1.000 tấn.
Ông Vũ Văn Thuy, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết, trong vài ngày tới, UBND xã sẽ họp triển khai công tác chuẩn bị đón Tết trên địa bàn. Trong đó, sẽ chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp với các thôn hướng dẫn bà con chăm sóc, thu hoạch chuối đúng thời điểm, nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và giá bán ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Anh là người tiên phong, cũng là người giúp nông dân trong xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình nuôi dông (kỳ nhông) trên cát. Anh là Phạm Khắc Bảo (25 tuổi, thôn Hải Triều, xã Cam Hải Đông) chủ một trại nuôi dông có giá trị lên đến cả tỷ đồng.

Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.

Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ cho bà con nhà vườn trong phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn, theo Công văn số 498/TTg-KTN, ngày 13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các bước để làm cơ sở cho việc hỗ trợ nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng. Bước đầu tiên là thống kê sơ bộ diện tích nhiễm bệnh và mức độ thiệt hại để có cơ sở công bố dịch; bước tiếp theo là lập biên bản xác định diện tích nhiễm bệnh, tỉ lệ thiệt hại được lập cho từng hộ là căn cứ để hỗ trợ kinh phí phòng trừ bệnh; bước thứ ba là thẩm định việc phòng trừ bệnh của nhà vườn theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT để xác định chính xác số tiền được hỗ trợ của từng hộ trồng nhãn.

Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.