Mô Hình Nuôi Tôm Bền Vững Theo Hướng An Toàn Sinh Học
Những năm qua, tình hình dịch bệnh trên diện rộng đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, khiến tỷ lệ hộ nuôi tôm thành công ít dần. Trước thực trạng đó, những mô hình nuôi tôm thành công theo hướng an toàn sinh học rất đáng được quan tâm, đúc kết, để tìm ra quy trình nuôi mang lại hiệu quả bền vững.
Triển khai chương trình nuôi tôm an toàn sinh họcHội chứng tôm chết sớm (EMS) hay còn gọi là Hội chứng AHPNS với triệu chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính, đã được các nhà khoa học tìm ra tác nhân gây bệnh là do vi khuẩnVibrio parahaemolyticus.
Để khắc phục tình trạng lây lan dịch bệnh, từ tháng 2/2012 đến nay, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã liên tục triển khai chương trình CPFGreen House và CPF-Turbo Program. Điểm nổi bật của mô hình nuôi tôm này là giảm bớt sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ, từ đó tăng được tỷ lệ sống và tăng sức khỏe của tôm.
Mô hình được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tôm giống sẽ được ương trong nhà kính CPF-Green House từ 25 - 30 ngày, đạt trọng lượng 1 - 2gam/ con. Giai đoạn 2, tôm được chuyển sang mô hình CPF-Turbo Program nuôi trong 45 - 60 ngày, có thể thu hoạch với năng suất trên 15 tấn/ha.
Theo ông Nguyễn Lê Huy Vũ, Phó TGĐ Công ty, để nuôi tôm thành công, cần phải đảm bảo 3 yếu tố: cải tiến di truyền của tôm bố mẹ, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe của tôm nuôi thương phẩm. Chương trình trên của C.P. được xây dựng trên chính 3 yếu tố này.
Về yếu tố cải tiến di truyền, C.P. Việt Nam hiện đã sản xuất và cung cấp cho thị trường những con giống tôm chân trắng có tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao, đồng đều về cỡ, đạt được cỡ lớn như tôm sú. Công ty cũng cung cấp thức ăn đảm bảo chất lượng cho các hộ tham gia chương trình.
Để bảo vệ sức khỏe cho tôm, nhất là giúp tôm tránh được bệnh chết sớm do hoại tử gan tụy và những dịch bệnh nguy hiểm khác, Công ty yêu cầu các chủ trang trại tham gia CPF - Turbo Program phải làm hệ thống an toàn sinh học. Theo đó, các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, phải đầu tư hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập.
Trang trại phải làm nhà ương để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày đầu tiên rồi mới thả xuống ao. Điều này sẽ góp phần tránh cho tôm bị hoại tử gan tụy vì dịch bệnh này có tần suất xuất hiện cao nhất là ở tôm từ 20 - 45 ngày tuổi. Trước khi thả nuôi, chủ trại phải kiểm tra đầy đủ các yếu tố môi trường như đo ôxy, độ kiềm, mật độ tảo…
Một điều đáng chú ý là mật độ thả tôm, quy mô nuôi tôm phải phù hợp với điều kiện thiết bị, khả năng đầu tư thực tế của từng trang trại. Do đó, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của C.P. Việt Nam đã được cử đến giúp các chủ trại thực hiện tốt những vấn đề nói trên, nhằm đạt được mục tiêu: 3 cao - 1 thấp - 0 thiệt hại. Trong đó, 3 cao gồm tốc độ tăng trưởng của tôm cao, tỷ lệ sống cao và số vụ/ năm cao; 1 thấp là hệ số thức ăn thấp; 0 thiệt hại là không xảy ra dịch bệnh ở ao tôm.
Đem niềm tin trở lại với người nuôi
Theo chân các chuyên viên của C.P. Việt Nam, chúng tôi đến thăm trang trại ương giống và nuôi tôm của ông Võ Ngọc Thạch ở Tp Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Đã từ nhiều năm, Tp Cam Ranh cùng với huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa là những địa bàn trọng điểm phát triển nuôi tôm của tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, người dân chủ yếu phát triển tôm sú và đa số là nuôi quảng canh, nhưng những năm gần đây đều không thành công, mà thất bại là khá nhiều. Ông Võ Ngọc Thạch, nguyên là Phó Giám đốc Xí nghiệp Tư doanh Chế biến Thủy sản Cam Ranh, đã đi tìm hiểu nhiều nơi và chọn mô hình nuôi tôm theo hướng bền vững an toàn sinh học của C.P. Việt Nam.
Ông Thạch cho biết ao ương giống mô hình CPF-Green House của ông có diện tích khoảng 1.000 m2 đã và đang sản xuất ra những con tôm giống rất tốt, khỏe mạnh và chất lượng cao. Với mật độ ương khoảng 900 con/m2 trong vòng 31 ngày, chỉ tốn khoảng 758 kg thức ăn là ông đã thu được gần 800 kg tôm giống. Như vậy, so với ương nuôi bình thường, mô hình CPF-Green House đã tiết kiệm được gần 70% chi phí thức ăn.
Không chỉ có vậy, tôm giống được sản xuất ra cũng có sức khỏe và sức đề kháng khá cao, “Tôi mới cấp giống cho ao nuôi của một người bạn cách đây khoảng 1 km, chúng tôi cho tôm vào rổ và vận chuyển khô luôn (không cần nước), chạy nhanh đến và thả ngay xuống ao. Tôm hoàn toàn khỏe mạnh, không bị sốc và không bị cong thân như mọi người e ngại”- ông Thạch chia sẻ.
Bên cạnh đó, hiện 3 ao nuôi theo chương trình CPF-Turbo Program với diện tích mỗi ao khoảng 2.000 m2 của ông Thạch cũng đang sắp đến kỳ thu hoạch và 2 ao nuôi nữa đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào sản xuất. Ông Thạch đang đầu tư hệ thống ống dẫn để tự động chuyển tôm từ ao ương sang ao nuôi bên cạnh một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn, không phải vận chuyển thủ công nữa. Ông Thạch tin tưởng trong tương lai, khi dần khấu hao được hết số vốn đã đầu tư khá lớn vào mô hình ao ương và nuôi tôm này, lợi nhuận cao sẽ là cú hích đem niềm tin trở lại với người nuôi sau bao năm thua lỗ và thất bại vì dịch bệnh.
Theo đánh giá của chuyên viên của C.P, Việt Nam, từ khi triển khai đến nay, các hộ nuôi tôm áp dụng theo mô hình này đều đạt tỷ lệ thành công trên 90%. Nhiều DN, bà con nuôi tôm áp dụng chương trình CPF-Green House và CPF-Turbo Program cũng đã thắng lớn sau thời gian dài lao đao bởi dịch bệnh.
Ông Nguyễn Lê Huy Vũ cho biết, để đáp ứng nhu cầu về tôm giống trong năm 2014, C.P. Việt Namhiện đang tiến hành xây dựng thêm 2 trại giống mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang với công suất 300 triệu PL12/tháng.
Trong năm 2014, C.P. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục triển khai mô hình nuôi tôm mới CPF-Green House và CPF-Turbo Program với sự cải tiến về kỹ thuật, công nghệ và tính phối hợp mà công ty gọi là “CPF Combine Program”. Ở một số trang trại đủ điều kiện, C.P. Việt Nam sẽ triển khai thêm mô hình nuôi tôm trong nhà và mô hình nuôi tôm năng suất cao. Đây sẽ là giải pháp tốt nhất, thực sự mang đến thành công bền vững cho người nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm
Được sự chấp thuận của UBND và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngày 08/8/2014, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh đã tổ chức buổi Tổng kết chương trình Chuỗi cung ứng cá tra bền vững và trao giấy chứng nhận GlobalGAP cho Tổ hợp tác Nuôi cá tra bền vững tại hai huyện Tiểu Cần và Cầu Kè do ông Giãng Văn Bảy làm Tổ trưởng.
Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Sinh học thuộc Công ty cổ phần Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam-Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), đã phân lập và nhân nuôi thành công chủng nấm có trong Đông trùng hạ thảo.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TACN& NL) của Việt Nam tháng 8/2014 đạt 320 triệu USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 8 tháng đầu năm, ước đạt 2,243 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Cách nay 2 tuần, giá thuê máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để thu hoạch lúa tại nhiều nơi chỉ ở mức 250.000-260.000 đồng/công (lúa không đổ ngã) thì nay tăng lên mức 280.000-300.000 đồng/công; còn đối với các diện tích lúa bị đổ ngã từ 30-70% muốn thuê máy GĐLH thu hoạch, nông dân phải chịu giá từ 350.000-400.000 đồng/công, thậm chí 500.000 đồng/công đối lúa bị đổ ngã hoàn toàn.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, vụ Đông xuân 2013-2014, toàn tỉnh Tây Ninh trồng mới được 24.701 ha mì, đạt 123,5% kế hoạch vụ và tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước (SCK). Đến nay đã thu hoạch 7.377 ha, năng suất bình quân 35 tấn/ha.