Trang chủ / Cây công nghiệp / Cây tiêu

Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu

Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu
Tác giả: Cục Bảo Vệ Thực Vật
Ngày đăng: 29/11/2017

Để bảo vệ và phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng sản xuất an toàn và bền vững, ngày 6/3/2015, Cục Bảo vệ thực vật có Công văn số 371/BVTV-QLSVGHR ban hành Qui trình kỹ thuật tạm thời phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xin giới thiệu để cán bộ kỹ thuật và nông dân trồng hồ tiêu áp dụng vào sản xuất.

I. MỤC TIÊU

Nhằm đưa ra các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng sản xuất an toàn và bền vững.

II. PHẠM VI ÁP DỤNG

Quy trình kỹ này được phổ biến áp dụng trong các cơ quan chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; các tổ chức, cá nhân trồng hồ tiêu trên lãnh thổ Việt Nam.

III. TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI

A. BỆNH CHẾT NHANH

1. Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Phytophthora spp. gây ra, trong đó 2 loài Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici gây hại nặng hơn cả.

2. Triệu chứng

Bệnh hại vùng rễ, ban đầu các đầu chóp rễ bị biến màu, có mầu nâu nhạt hay nâu ướt, sau chuyển sang nâu đen, rễ bị thối nên không cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cho cây làm cho cây bị héo nhanh, mép lá hơi co lại, chuyển màu vàng trước khi rụng. Bổ đôi thân thấy mạch dẫn bị thâm đen. Từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo, sau 1-2 tuần thì cây chết nhưng các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Có trường hợp cây chết, lá bị héo khô nhưng không rụng.

3. Đặc điểm phát sinh, gây hại của bệnh chết nhanh

Nấm bệnh phát sinh, xâm nhiễm và gây hại rễ hồ tiêu vào đầu hoặc giữa mùa mưa nhưng cuối mùa mưa cây mới biểu hiện chết hàng loạt, nặng nhất vào khoảng tháng 9-10. Bệnh phát triển và lây lan mạnh trong điều kiện vệ sinh đồng ruộng kém, vườn không được thoát nước tốt, bón phân không cân đối, …

B. BỆNH CHẾT CHẬM

1. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh chết chậm (vàng lá chết chậm, bệnh tàn vườn) do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và một số nấm trong đất gây ra.

Tuyến trùng chủ yếu là giống Meloidogyne spp. gây ra các nốt u sưng trên rễ; một số loài tuyến trùng nội ký sinh, ngoại ký sinh khác như Meloidogyne incognita, Rotylenchulus reniformis, Tylenchus sp.; Nấm trong đất như Fusarium solani, Lasiodiplodia theobromae, Rhizoctonia solani, Pythium sp.,…).

2. Triệu chứng

Bệnh gây hại vùng rễ, khi gặp điều kiện thuận lợi, các loài tuyến trùng, nấm bệnh phát sinh, gây hại làm cho rễ kém phát triển. Những vết thương do tuyến trùng gây ra là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhập hại rễ, làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh.

Rễ bị tổn thương mất khả năng hấp thu dinh dưỡng và vận chuyển nước, gây hiện tượng vàng lá, cây còi cọc vì thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. Ngoài tuyến trùng gây hại trực tiếp thì các loài nấm bệnh cũng xâm nhập và gây hại làm cho hệ rễ tơ và rễ chùm bị thối hết, chỉ còn rễ cọc. Lá rụng gần hết chỉ còn lại các dây thân chính.

3. Đặc điểm phát sinh, gây hại của bệnh chết chậm

Các tác nhân gây bệnh chết chậm thường xâm nhập và gây hại nặng vào các tháng mùa khô, nặng nhất là vào các tháng 1-2 và giảm dần vào các tháng mùa mưa. Quá trình này lặp lại trong 2-3 vụ mới làm cho cây hồ tiêu tàn lụi, không còn khả năng phục hồi.

IV. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH CHẾT NHANH, BỆNH CHẾT CHẬM HẠI HỒ TIÊU

1. Sử dụng giống chống chịu, giống sạch bệnh

- Trồng các giống tiêu có năng suất cao ít bị nhiễm bệnh như giống tiêu trâu làm gốc ghép, tiêu trung lá lớn, tiêu trung lá vừa, tiêu sẻ lá lớn.

- Sản xuất và sử dụng hom giống:

Chỉ sử dụng hom giống khỏe từ những cây không bị bệnh; lựa chọn nguồn đất từ vườn không bị bệnh, phơi nỏ hoặc sấy khô, trộn với phân chuồng hoai mục làm bầu giống theo tỷ lệ 4 đất : 1 phân chuồng.

Bổ sung chế phẩm sinh học (có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma + xạ khuẩn Steptomices + vi khuẩn Bacillus, các vi sinh vật có ích khác và thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, Ankanoid ) để xử lý đất làm bầu.

- Xử lý hom giống trước khi đưa vào bầu trồng bằng các thuốc trừ tuyến trùng và thuốc trừ nấm có hoạt chất Fosetyl-aluminium 95%, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm.

- Trong trường hợp kiểm tra vẫn còn nhiều tuyến trùng và nấm bệnh trong bầu giống cần tiến hành tưới bổ sung các chế phẩm sinh học nêu trên, hoặc có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Chitosan thời gian cách nhau khoảng 15 - 20 ngày/lần.

2. Biện pháp canh tác

a/ Đất trồng

- Chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa, giữ nước trong mùa khô (hoặc tưới chủ động).

- Đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 - 50 cm (3 hàng ngang một rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh), nếu đất quá dốc thì đào theo hình xương cá. Đào rãnh thoát nước chính sâu > 50 cm xung quanh vườn.

- Xử lý đất trồng: Phơi ải đất trước khi trồng. Trong trường hợp có điều kiện với những vườn tiêu trồng lại trên đất đã bị bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm cần được xử lý đất bằng vôi bột và phân gà tươi với lượng 7-10 kg/hố, ủ tại hố trước khi trồng ít nhất 6-8 tháng và phải lấp đất dày trước khi trồng.

- Tuyệt đối không tạo bồn giữ nước tại gốc tiêu trong mùa mưa.

b/ Tưới nước

- Đảm bảo đủ ẩm cho đất để cây và vi sinh vật trong đất phát triển.

- Nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa, thời gian tưới trong mùa khô 15-25 ngày/lần tùy thời điểm.

c/ Bón phân

Bón cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ. Bón 10-15 kg phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học và đạm, lân, kali (lượng bón và cách bón theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

d/ Vệ sinh đồng ruộng

- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm, thu gom và tiêu hủy triệt để các tàn dư cây bị bệnh, xử lý các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột.

- Cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu được thông thoáng.

Hàng năm, khử trùng bề mặt đất bằng vôi bột (không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây) với lượng 1 tấn/ha (chia làm 2 lần, mỗi lần 500kg), hoặc rắc vào rãnh thoát nước để khử trùng nguồn bệnh và nâng cao độ pH của đất (5-7 tạ/ha).

3. Biện pháp sinh học

- Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma, xạ khuẩn Steptomices, vi khuẩn Bacillus, các vi sinh vật có ích khác và thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, ankanoid), nấm ký sinh côn trùng Metarhizium với phân vi sinh, phân hữu cơ hoai mục để phòng trừ nấm và tuyến trùng gây bệnh trong đất.

Sử dụng các chế phẩm sinh học trên để bón kết hợp với các đợt bón phân cho cây, rắc chế phẩm (trong vùng rễ) rồi phủ lớp đất lên. Trong mùa khô có thể hòa chế phẩm sinh học trong nước để tưới kết hợp.

4. Biện pháp hoá học

Thuốc hoá học phải được sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng, chỉ sử dụng các thuốc đã được đăng ký sử dụng trên cây hồ tiêu trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam.

- Đối với bệnh chết nhanh:

+ Những vườn đã có ổ bệnh chết nhanh từ vụ trước, tiến hành xử lý phòng bệnh bằng thuốc hóa học 1 lần vào đầu mùa mưa.

+ Xử lý ổ bệnh: Tiến hành vào đầu hoặc giữa mùa mưa, xử lý thuốc 2 lần cách nhau 7-10 ngày.

Xử lý các cây tiêu chớm bị bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất axít Phosphoric, hoạt chất Fosetyl-aluminium (95%), hoạt chất Metalaxyl. Nồng độ, liều lượng thuốc sử dụng theo khuyến cáo trên bao bì.

Cần bổ sung các chế phẩm có hoạt chất Chitosan sau những lần dùng thuốc hóa học để tăng cường hệ vi sinh vật có ích cho cây tiêu.

- Đối với bệnh chết chậm:

Khi bệnh chết chậm xuất hiện sử dụng các loại thuốc trừ tuyến trùng, thuốc trừ nấm bệnh, thuốc trừ rệp sáp để phòng trừ, nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì. Xử lý thuốc 1-2 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày, xử lý các cây bị bệnh và các cây xung quanh vùng cây bị bệnh.

Trừ tuyến trùng: Dùng các thuốc trừ tuyến trùng vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, nếu đã sử dụng chế phẩm sinh học thì chỉ sử dụng thuốc hóa học 1 lần (vào tháng 4 hoặc tháng 10).

Trừ nấm đất: Sử dụng thuốc có hoạt chất Carbendazim, Metalaxyl, Mancozeb, … xử lý 1 hoặc 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa bằng phương pháp tưới hoặc sục gốc. Khi sử dụng thuốc BVTV phải đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.

Lưu ý: không được xử lý thuốc hóa học vào vị trí đã bón chế phẩm sinh học; nếu diện tích đã nhiễm bệnh cần xử lý thuốc hóa học thì phải xử lý thuốc hóa học trước khi bón chế phẩm 15-20 ngày.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trồng hồ tiêu và các tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần báo cáo kịp thời về Cục Bảo vệ thực vật để cùng phối hợp, giải quyết.


Có thể bạn quan tâm

Lợi ích của việc sử dụng cây trụ sống cho cây hồ tiêu Lợi ích của việc sử dụng cây trụ sống cho cây hồ tiêu

Tại Việt Nam, việc sử dụng các loại cây trụ sống trong sản xuất hồ tiêu của nông dân phụ thuộc vào đặc điểm của từng vùng và nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương.

10/10/2017
Trồng cây lạc dại bổ sung hữu cơ và vi sinh vật tốt cho đất Trồng cây lạc dại bổ sung hữu cơ và vi sinh vật tốt cho đất

Không nên dùng thuốc trừ cỏ trong vườn cây. Thuốc trừ cỏ gây hại cho đất nhất là làm suy giảm hệ vi sinh vật, làm giảm đa dạng hóa sinh học đất.

10/10/2017
Khắc phục hiện tượng rụng gié tiêu Khắc phục hiện tượng rụng gié tiêu

Hiện nay cây hồ tiêu đang trong giai đoạn hình thành, phát triển trái nên các vườn tiêu thường gặp phải vấn đề rụng gié tiêu.

02/11/2017
Trụ sống và lợi ích của việc sử dụng cây trụ sống cho cây hồ tiêu Trụ sống và lợi ích của việc sử dụng cây trụ sống cho cây hồ tiêu

Cây tiêu (Piper nigrum L.) có thể được trồng trên trụ chết như trụ gỗ, trụ xi măng, gạch… và trên các loại cây trụ sống như lồng mức, muồng đen, keo dậu, cau…

02/11/2017
Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu

Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu (quy trình tạm thời)

29/11/2017