Quảng Ninh Tăng Cường Vốn Đầu Tư Cho Lĩnh Vực Thuỷ Sản
Với những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, ngành Thuỷ sản Quảng Ninh đã có những bước phát triển, đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, có thể thấy dù đã được áp dụng một số chính sách ưu đãi nhưng ngành Thuỷ sản trên địa bàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề vốn sản xuất vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, với việc sở hữu rất nhiều lợi thế nổi trội và là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, ngành Thuỷ sản Quảng Ninh hoàn toàn có thể phát triển thành ngành sản xuất hàng hoá mũi nhọn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 45.400 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Trong đó sản lượng khai thác đạt 29.900 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng đạt 15.500 tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Những con số trên đã cho thấy sản lượng thuỷ sản của tỉnh không ngừng tăng trưởng, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Ngành thuỷ sản đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo những mô hình sản xuất mới cho nông dân địa phương học tập; xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về cơ chế chính sách, công nghệ... thiếu vốn đầu tư là khó khăn lớn nhất hiện nay khiến ngành thuỷ sản phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững.
Qua tìm hiểu được biết, nguồn vốn của các ngân hàng như hiện nay khá dồi dào hoàn toàn cung ứng đủ những nhu cầu về vốn trên địa bàn.
Thêm vào đó, mức lãi suất cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn nói chung và thuỷ sản nói riêng đã giảm đáng kể. Thống kê sơ bộ hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 30 ngân hàng đang thực hiện cho vay vốn đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, có thể thấy, ngoài Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng CSXH đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực cho vay vốn phục vụ phát triển thuỷ sản thì nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại dường như vẫn chưa mặn mà lắm với lĩnh vực này. Do đó, việc tiếp cận vốn vay của người nông dân hiện nay vẫn qua 2 kênh là Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng CSXH mà chưa có sự tham gia nhiều của các ngân hàng khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tất Đạt, Trưởng phòng tín dụng Ngân hàng NN&PTNT cho biết: Do đối tượng khách hàng hướng tới của ngân hàng ngay từ khi thành lập đã chú trọng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn nên nhiều năm qua ngân hàng chúng tôi đều có những giải pháp để mở rộng thị phần ở khu vực này. Trong thời gian gần đây, ngân hàng đang tập trung vào lĩnh vực thuỷ sản.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng dự nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là trên 4.500 tỷ đồng, doanh số cho vay là trên 628 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực thuỷ sản chiếm tỷ lệ không nhỏ với tổng dư nợ lĩnh vực thuỷ sản là trên 400 tỷ đồng. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn trong lĩnh vực này là 8-10%/năm, trung và dài hạn là 9-11%/năm.
Bên cạnh việc hỗ trợ lãi suất cho vay, ngân hàng còn thực hiện các chính sách hỗ trợ khác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân tiếp cận được với vốn vay ưu đãi như gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho các hộ sản xuất gặp rủi ro...
Điển hình như việc ngân hàng đã cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long triển khai Dự án sản xuất giống thuỷ sản chất lượng cao tại huyện Đầm Hà với số vốn là 70 tỷ đồng trong vòng 7 năm với lãi suất 10%/năm. Dự án đi vào hoàn thiện sẽ góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo cung ứng giống chất lượng cho các hộ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT cho biết: Các ngân hàng không mặn mà cho nông dân vay vốn phần nhiều là do những trở ngại về tài sản thế chấp của đối tượng này thường thiếu thủ tục, giấy tờ. Ngay cả đối với “kênh” vay vốn có tài sản đảm bảo, các chủ hộ vẫn gặp khó dù lãi suất ngân hàng hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và thuỷ sản nói riêng đã thấp hơn trước rất nhiều. Nguyên nhân do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chủ hộ không đủ điều kiện về tài sản đảm bảo.
Việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho ngư dân lại không có ưu đãi riêng mà vẫn thực hiện theo cơ chế tín dụng thông thường nhất là trong trường hợp gặp rủi ro, nên việc tiếp cận nguồn vốn càng khó khăn hơn. Hoạt động thuỷ sản có tính rủi ro rất cao, thường xuyên gặp thiên tai, dịch bệnh nên khả năng tích trữ của ngư dân rất hạn chế...
Các vấn đề ngay chính trong “nội tại” của ngành Thuỷ sản Quảng Ninh cũng khiến cho các ngân hàng “rụt rè” trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Việc sản xuất con giống còn gặp nhiều khó khăn, số lượng ít chưa đáp ứng được nhu cầu người nuôi, chất lượng con giống còn hạn chế.
Chưa hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất thuỷ sản, chưa liên kết giữa người sản xuất giống, người nuôi trồng thuỷ sản và người chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng cho các vùng, khu vực nuôi trồng thuỷ sản còn thiếu trầm trọng.
Đối với việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng tồn tại khá nhiều bất cập. Số tàu công suất lớn trên 90CV hoạt động xa bờ tăng chậm, sản lượng khai thác thuỷ sản vượt quá trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản có khả năng khai thác để đảm bảo khả năng tái tạo nguồn lợi gây cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ và vùng lộng.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách và giải pháp nhằm phát triển thuỷ sản đến năm 2020.
Theo đó, đối với việc đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hoá; bốc xếp hàng hoá: Với tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm; với tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
Đối với việc đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ vỏ gỗ, vỏ thép, chủ tàu được vay tối đa từ 70-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả từ 1-3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù từ 4-6%/năm.
Tàu vỏ gỗ công suất dưới 400CV được nâng cấp thành tàu có công suất từ 400CV trở lên được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Cùng với đó, Nghị định cũng quy định việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung; ưu đãi về thuế, bảo hiểm...
Thiết nghĩ, để ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi giúp họ yên tâm bám biển sản xuất cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Thêm vào đó, việc càng nhiều ngân hàng tham gia vào lĩnh vực này càng giúp người dân có điều kiện lựa chọn tiếp cận nguồn vốn tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
Theo Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, năm 2016, hơn 200 ha cao su trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu thu hoạch. Song, đến thời điểm này vẫn còn nhiều vướng mắc giữa công ty với người dân, chính quyền và các ngành liên quan trong việc góp đất trồng cao su.
Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ không áp dụng trở lại chính sách trợ giá lúa gạo - hãng tin Bloomberg cho biết. Nước này hiện đang đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ và cố gắng thúc đẩy kế hoạch giải quyết lượng gạo tồn kho khổng lồ.
Xuất khẩu thủy sản liên tục giảm do cá tra bị áp thuế chống bán phá giá cao; tôm cạnh tranh với Ấn Độ và Indonesia.
Với 577 phiếu chống, 75 phiếu thuận và 38 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã phủ quyết dự luật do Ủy ban châu Âu đề xuất với nội dung cho phép các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tự quyết định việc hạn chế hoặc cấm mua bán và sử dụng thực phẩm biến đổi gen (GMO).
Ngày 29/10, tại hội nghị Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất trong ngành thủy sản hiện nay đang trong tình trạng báo động.