Làng Nấm Treo Trại

Các làng trồng nấm ở Đông Nam Bộ sôi động gần 20 năm nay bỗng dưng u ám, sản phẩm làm ra để mốc meo do không có thương lái đến mua.
Xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được xem là “thủ phủ” của làng nấm Đông Nam Bộ giờ đây không còn những nụ cười tươi rói như ngày nào do hàng trăm hộ trồng nấm đang phải “treo trại”. Theo cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, sản phẩm của các làng nghề trồng nấm từ trước tới nay được thương lái thu gom chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Thương lái mất tăm
Chị Hà Thị Châu - một trong những người trồng nấm lâu năm nhất ở xã Sông Trầu - cho biết gia đình chị có 10 trại nấm (10 gian, mỗi gian từ 100-150 m2), lúc cao điểm mỗi trại lãi hơn 10 triệu đồng/mùa (tùy loại nấm, có thể chia thành 2 mùa/năm).
Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, bỗng dưng không hề thấy bóng dáng thương lái đến đặt hàng, thu mua như mọi năm; sản phẩm gia đình chị làm ra để dồn ứ, mốc meo cả trăm kg. “Khổ quá, công đầu tư trang trại, chi phí nguyên liệu cho mỗi trại “ngốn” hết từ 10-15 triệu đồng/mùa. Giờ sản phẩm làm ra dồn ứ thế này thì chỉ có nước khóc ròng”- anh Đỗ Vũ, ở cạnh nhà chị Châu, xót ruột.
Còn gia đình ông Trương Công Học có 6 trại, trồng đủ loại nấm mèo, nấm sò, nấm bào ngư, nấm rơm… Thông thường, nấm mèo trắng bán được giá nhất, từ 90.000-100.000 đồng/kg, thế nhưng hiện tại, ông rao bán 50.000-60.000 đồng/kg cũng chẳng ai mua.
“Trước đây, sản phẩm được thương lái gom đưa lên TP HCM hoặc chuyển ra Bắc xuất sang Trung Quốc. Còn nay thương lái không đến, đầu nậu cũng im lặng, chúng tôi đành phải đóng gói lại rồi ngồi chờ chứ chẳng biết đưa đi đâu” - ông Học than.
Có thể phải bỏ nghề
Không chỉ ở các xã của huyện Trảng Bom, hàng ngàn hộ trồng nấm ở nhiều vùng khác tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng cũng lâm vào tình trạng trên. Các địa phương này được coi là những vùng trồng nấm truyền thống mạnh nhất ở phía Nam.
Khi chúng tôi đặt vấn đề việc thương lái không đến thu mua hàng, ông chủ cơ sở thu mua nấm Minh ở thị xã Long Khánh cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ biết thu gom mua giúp bà con rồi chuyển cho thương lái đưa ra phía Bắc. Giờ họ không đến nữa, tôi mất mối làm ăn nhưng cũng chẳng biết lý do vì sao”.
Còn ông Bùi Văn Vinh, một người trồng nấm thành công ở thị xã Long Khánh, chia sẻ: “Công việc này đã gắn bó với chúng tôi nhiều năm, từ hồi còn trẻ đến lúc con cái lớn lên dựng vợ gả chồng. Giờ gặp khó khăn, nếu đúng là do bắt nguồn từ quan hệ giao thương với Trung Quốc thì cũng mong chính quyền có biện pháp điều chỉnh, khắc phục; nếu không, người trồng nấm đành phải bỏ nghề!”.
Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện sở đã nắm tình hình về việc gặp khó khăn của hàng trăm hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh. Sở đang kiểm tra và sẽ có những đề xuất tìm biện pháp điều chỉnh, khắc phục, hỗ trợ người dân tìm hướng đi cho việc làm ăn.
Đang tìm nguyên nhân
Bà Vũ Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, cho biết trước tình hình khó khăn của bà con tại địa phương, chính quyền huyện đang tìm hiểu nguyên nhân để báo cáo lên tỉnh nhằm tìm biện pháp tháo gỡ. Có thể do người trồng tập trung sản xuất nấm mèo trắng nhiều, khi gặp khó khăn trong xuất khẩu, cộng với nhu cầu thị trường trong nước đối với mặt hàng này có hạn nên bí đầu ra.
Có thể bạn quan tâm

Bộ NNPTNT vừa ban hành hướng dẫn tạm thời kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái quả và sơ chế hạt cây mắc ca. Đây là hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tiên cho mắc ca phát triển tại Việt Nam. NTNN xin giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca theo hướng dẫn của Bộ để nông dân áp dụng vào sản xuất.

Tại Việt Nam, giống cây thanh long khá đa dạng: Ruột trắng vỏ đỏ, ruột trắng vỏ vàng, ruột đỏ vỏ đỏ, ruột tím hồng vỏ đỏ. Trong đó các giống có ruột màu có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao hơn ruột trắng. Qua quá trình sản xuất, nhiều nhà vườn có kinh nghiệm đã lựa chọn, sử dụng phân bón Văn Điển bón cho cây thanh long phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, chị Trương Thị Miền, tổ 9, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang (Gia Lai) từng nghĩ làm nghề nông may lắm cũng chỉ đủ ăn… Nhưng nay chị đã trở thành tỷ phú từ cái nghề mà chị từng coi là khó nhọc và vô vọng…

Vườn nhãn ghép của ông Xê đã được 3 năm, phát triển xanh tốt, tỷ lệ 99% kháng được bệnh chổi rồng. Ông Xê cũng đã thử nghiệm xử lý cho 10 cây ra trái, kết quả đậu sai, trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày và rất thơm ngon.

Cứ khoảng giữa mùa mưa (từ hạ tuần tháng 6 âm lịch) hàng năm, người dân vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang lại bắt đầu làm đặc sản khô nhái.