Quảng Ngãi Thu Nhập Cao Từ Khoai Môn
Nhiều bà con nông dân ở các vùng ven sông đang hớn hở vì bội thu từ khoai môn (hay còn gọi là khoai sáp). Một sào khoai môn có thể cho thu nhập tới 20 triệu đồng.
1 vốn 5 lời
Vui như tết vì vừa bỏ túi được hơn 20 triệu đồng, lão nông Nguyễn Chuyển ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) hớn hở: “Trồng gì cho bằng trồng khoai. Một vốn 5 đến 6 lời. Nó mà trúng mùa cầm tiền run đấy!”. Nói rồi lão cười khà khà. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của người nông dân hồn hậu khiến tôi cũng vui lây.
Thể là vài ngày trước lão nông Nguyễn Chuyển vừa thu hoạch ruộng khoai dưới chân núi Thiên Ấn. Chỉ với diện tích 600m2, ông thu được tới 1,4 tấn khoai môn. Giữ lại một ít để làm giống cho vụ sau, mang biếu bà con lối xóm mỗi người một ít, số còn lại ông bán được tới 20.000 đồng/kg. Sau khi tính toán trừ chi phí đầu tư, ông thu về hơn 20 triệu đồng.
Những ngày này, về thôn Ngọc Thạch, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán vui nhộn khi khoai trúng mùa, lại trúng giá. “Tui đào có 250m2 mà được tới 7 tạ, kiếm được gần 14 triệu đồng. Nghẹt nỗi ở đây đất ít quá chứ nhiều mình làm luân phiên quanh năm đỡ phải trông chờ vào lúa”- lão nông Nguyễn Chín hồ hởi.
Rời thôn Ngọc Thạch, chúng tôi về xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), nơi có nhiều ruộng khoai xanh mơn mởn. Lọt thỏm giữa ruộng khoai cao ngang ngực, chị Nguyễn Thị Lại, ở thôn Đồng Giữa phấn khởi khoe: “Tui có 600m2, thương lái tới đào củ xem thử thấy củ xinh quá trả giá 21 triệu đồng mà tôi chưa bán. Bao nhiêu năm trồng khoai, tui đoán phải được 25 triệu đồng. Được giá đó mới bán còn không mình đào rồi kêu người tới bán chứ tội gì”.
Hiện tại nhiều nông dân trồng khoai đang háo hức vì khoai vừa cho năng suất cao, vừa bán được giá. Khoai môn là cây trồng có hiệu quả, lợi nhuận kinh tế cao. Mặc dù có thời điểm giá khoai xuống thấp chỉ còn 10.000 đồng/kg, nhưng so với trồng lúa và các cây trồng ngắn hạn khác như ớt, bắp và các loại đậu thì trồng khoai vẫn cho thu nhập cao hơn, nếu người trồng trồng đúng kỹ thuật.
Thấy hiệu quả, rất nhiều bà con không ngần ngại chuyển cây lúa sang trồng cây khoai môn trên diện tích lúa kém hiệu quả vì thiếu nước. Nhờ mô hình này mà nhiều hộ dân ở những vùng ven sông, đất thịt, đất cát có nguồn thu nhập đáng kể, vươn lên thoát nghèo.
Cần hỗ trợ kỹ thuật
Theo người dân trồng khoai, khoai rất dễ trồng, trồng bằng củ hay trồng bằng ngó; khoảng cách giữa 2 luống là 70 đến 100cm, giữa 2 cây là 25cm. Cây khoai sáp thích hợp trên chân ruộng đất thịt, đất ven sông vì đất luôn ẩm ướt.
Trồng khoai từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng, không tốn nhiều vốn đầu tư, chỉ cần bón nhiều phân chuồng, phân NPK và phân kali ở giai đoạn cây làm củ để tăng hàm lượng bột.
Đây là loại cây trồng ưa nước nên phải có nguồn nước đảm bảo để cung cấp, giúp cây phát triển tốt và cho củ vừa to vừa đảm bảo hàm lượng tinh bột. Khoai sáp trồng quanh năm, không phân biệt thời vụ như các giống cây trồng khác. Hiệu quả kinh tế từ việc trồng khoai sáp rõ rệt, tuy nhiên, cũng có nhiều bà con nông dân thất bại vì ruộng khoai không cho củ như mong đợi hoặc bị sùng đục thúi củ.
Lão nông Nguyễn Chín bảo rằng, nguyên nhân trồng khoai không đạt là do bà con chưa tường tận kỹ thuật. Nếu được hướng dẫn kĩ thuật canh tác, phòng, trừ sâu bệnh thì chắc chắn mô hình này sẽ phát huy hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập.
Cả chục năm trồng khoai, ông Chín rút ra kinh nghiệm không vì ham thu nhập cao mà xuống giống khoai liên tục trên cùng một thửa ruộng, tốt nhất 2 năm xuống giống 3 vụ. Nếu như thế thì vụ sau chắc chắn khoai sẽ không có củ hoặc bị sùng đục thúi củ. Cứ sau một vụ phải cải tạo lại đất bằng cách cày xới thật kỹ, bón nhiều phân chuồng, bón vôi để diệt khuẩn, khử trùng và xuống giống cây trồng khác.
Bà con cũng không nên giữ thói quen xuống giống càng nhiều cho củ càng nhiều, làm hàng quá dày mà chỉ nên hàng cách hàng 1m, cây cách cây 60cm. Trước khi xuống giống cần bón lót phân chuồng và giống phải được ủ cẩn thận, không sâu bệnh, phủ 1 lớp rơm rạ lên để giữ ẩm cho đất. Điều kiện quan trọng nhất để khoai môn phát triển tốt chính là tuới nước phải đúng và đủ.
Có thể bạn quan tâm
Sắp Tết nhưng người chăn nuôi gà đang lo… mất Tết vì bù lỗ, nhất là tại Yên Thế (Bắc Giang), huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước hiện nay.
Năm 2007, sau khi đi tham quan mô hình nuôi chim cút của một người quen ở xóm Mỹ Trọng, anh Hoàng Trung Sơn, thôn Thượng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) đã mở trang trại nuôi chim cút. Trải qua nhiều gian truân và thất bại, giờ đây anh Sơn đã có 4 giàn chuồng nuôi chim cút khá quy mô với số lượng lúc cao điểm lên đến trên 1 vạn con.
Ngay tại thị xã Bắc Kạn, những mô hình nuôi lợn lai rừng theo hình thức bán hoang dã đã được thực hiện hiệu quả. Nông hộ bỏ vốn đầu tư không quá lớn; công chăm sóc ít mà thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nuôi lợn bán hoang dã đang hứa hẹn trở thành hướng làm kinh tế hiệu quả cao.
Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp nhưng chi phí cao đã khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương. Theo nhiều chuyên gia, nếu Nhà nước không có hành động quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.
Dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã… của Bắc Ninh.