Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cánh Đồng Rau Việt Nam Ở Volgagrat

Cánh Đồng Rau Việt Nam Ở Volgagrat
Ngày đăng: 28/07/2011

Chủ Công ty Volga - Việt, người mang ý tưởng táo bạo thực hiện việc sản xuất nông nghiệp với tầm cỡ lớn đầu tiên ở Nga là ông Dương Hải An. Ông cho rằng, việc đầu tư vào nông nghiệp, ban đầu có thể chưa thu lãi được ngay, có thể lãi suất chưa cao, nhưng nó mang tính ổn định, lâu dài, tạo chỗ đứng và vị thế cho người Việt trên nước bạn...

Cũng như các cộng đồng người Việt đang sinh sống trên hai chục thành phố khác của nước Nga, cộng đồng người Việt tại thành phố Volgagrat mưu sinh chủ yếu bằng nghề kinh doanh buôn bán.

Chợ hàng vải Tractor tại trung tâm thành phố có tới gần 300 quầy hàng do Công ty Volga - Việt quản lý, tạo điều kiện công ăn việc làm cho hơn một nửa cộng đồng. Do Volgagrat xa thủ đô Matxcơva, do có nhiều rủi ro xảy ra bất thường khi khai thác nguồn hàng trên chặng đường gần một ngàn km, Công ty đã cho xây dựng một xưởng may hợp pháp, tuân thủ các yêu cầu của Chính quyền sở tại để cung cấp quần áo cho các chủ hàng Việt Nam theo thời vụ.

Song song với việc củng cố, ổn định kinh doanh, năm năm qua, Công ty đã đầu tư vào sản xuất, lợi dụng những lợi thế của địa phương, mở ra một hướng mới cho cộng đồng phát triển một cách có định hướng dài lâu.

Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính quyền thành phố, Công ty đã mua 200 hecta đất nông nghiệp nằm cách trung tâm thành phố 38 km, để đưa vào sản xuất. Mảnh đất này Công ty được sử dụng trong vòng 49 năm.

Khó khăn lớn nhất của Công ty là sản phẩm nông nghiệp ở Nga giá rất thấp; người Việt không quen và không có kinh nghiệm trồng trọt lúa mỳ, khoai tây và các sản phẩm xứ lạnh. Vì vậy, phương thức duy nhất để khai thác cánh đồng màu mỡ 200 ha là trồng rau quả để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân Nga và cộng đồng người Việt.

Nhưng khi Công ty chưa bước vào sản xuất, thì các công ty lớn của Trung Quốc tại Thành phố Volgagrat đã đầu tư sản xuất trồng rau một cách có quy củ, ký hợp đồng mua bán với các siêu thị lớn với tư cách của Nhà nước.

Khi chuẩn bị cho việc sản xuất rau thì trong tay Công ty Volga-Việt hoàn toàn chưa hề có một nhân viên nào có kinh nghiệm và có trình độ nông nghiệp, số cán bộ hiện có chỉ có thâm niên quản lý ốp và chợ. Chưa có sản phẩm thì dĩ nhiên cũng chưa thể tìm thấy đầu ra, nguồn tiêu thụ. Công ty đã mạnh dạn cử người về Việt Nam học tập kinh nghiệm trồng các loại rau phổ biến, có thể thích nghi với khí hậu hàn đới; thể nghiệm mua các loại hạt, giống rau như cà chua, cà, rau muống, rau cải, cải bắp, ớt, mướp, bí v.v… Đồng thời, Công ty mời các chuyên gia nông nghiệp Nga có kinh nghiệm tư vấn, giúp đỡ, cùng tham gia hợp tác.

Để xây dựng một nhà kính có lò sưởi, có hệ thống tưới tiêu vài hec-ta như các trang trại thời Xô Viết thì phải đầu tư cả chục triệu đôla, huống hồ với 200 hec-ta thì việc hoàn chỉnh hệ thống chuẩn mực là điều ảo tưởng.

Công ty căn cứ vào khả năng thực tế, mua tới cả ngàn mét khối gỗ cây, dựng khu trồng trọt phủ ni-lông dày trắng trong thay cho việc lắp đặt kính, sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân Nga. Khu vực được che kín hiện tại chiếm khoảng hơn một chục hec-ta chủ yếu làm nơi ươm giống và trồng vào giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa Đông sang mùa Xuân. Về mùa Đông khi nhiệt độ xuống dưới độ âm, có lúc lạnh tới -15, 20 độ, theo hướng dẫn của các kỹ thuật viên, một hệ thống đường ống sưởi nóng đốt bằng than chảy quanh khu ươm giống, đảm bảo nhiệt độ cho cây ươm mầm. Khi nắng ấm, tuyết tan hết, giống được nhân lên và sản xuất đại trà.

Để tưới tiêu, cung cấp nước đầy đủ cho cả cánh đồng mỗi chiều rộng hơn 4 km,  một hệ thống bơm nước có áp suất mạnh với hệ thống đường ống có đường kính 60 cm được bơm liên tục từ nhánh của sông Vol-ga lên đảm bảo đủ nước tưới cho các loại rau theo liều lượng. Hệ thống trạm bơm được đầu tư một cách rất tốn kém vì khoảng cách từ nhánh sông đến điểm cuối của cánh đồng dài gần 6km.

Hệ thống quản lý sản xuất chỉ có 10 người Việt, nhưng các công nhân Nga trực tiếp làm việc trên hiện trường bao gồm công nhân và thợ kỹ thuật luôn có tới khoảng 100 người. Vào mùa thu hoạch, trên cánh đồng rau luôn có hàng trăm người Nga được thuê khoán theo thời vụ. Cộng đồng người Việt ở các ốp, chợ được huy động một tuần một ngày để giúp đỡ Công ty thu hoạch cấp tập.

Khác với các công ty Trung Quốc thu hoạch xong, đưa rau vào siêu thị, Công ty Volga - Việt quảng cáo và bán trực tiếp cho các chủ kinh doanh người Nga đến từ nhiều thành phố khác. Ngày mùa luôn có hàng chục xe vận tải loại 20 tấn chờ sẵn trên đồng để nhận hàng.

Một số mặt hàng rau quả có thể bảo quản được dài ngày như bí đao, cà, mướp hương, mướp đắng, bắp cải, công ty cho xe chở lên Matxcơva phân phối cho các chủ xưởng may người Việt phục vụ bữa ăn cho công nhân.

Vào mùa Đông, ở Nga, rau xanh đắt ngang thịt, thế nhưng không ít những chuyến rau chở từ Volgagrat lên Thủ đô do thời tiết quá lạnh, có lúc không giao kịp, hàng tấn bí đao bị nẫu, biến thành đá phải bỏ đi.

Được biết, hiện nay, Công ty đã có một số hợp đồng ký kết bán hàng cho các siêu thị lớn trong thành phố. Nhưng vì khối lượng hàng vào mùa thu hoạch quá lớn, vấn đề đầu ra vẫn đang đặt ra cho Công ty nhiều thử thách.Để giải quyết việc chế biến, bảo quản lâu dài, Công ty đã cho thợ kỹ thuật đến các xưởng của Nga và về Việt Nam học phương pháp đóng hộp. Như vậy chẳng bao lâu nữa trên thị trường Nga, trong các chợ người Việt sẽ xuất hiện các loại cà, dưa chuột bao tử đóng hộp mang tên Công ty.

Chủ Công ty Volga - Việt, người mang ý tưởng táo bạo thực hiện việc sản xuất nông nghiệp với tầm cỡ lớn đầu tiên ở Nga là ông Dương Hải An. Ông cho rằng, việc đầu tư vào nông nghiệp, ban đầu có thể chưa thu lãi được ngay, có thể lãi suất chưa cao, nhưng nó mang tính ổn định, lâu dài, tạo chỗ đứng và vị thế cho người Việt trên nước bạn, được chính quyền sở tại hoan nghênh và ủng hộ.

Trực tiếp nói chuyện với những người Nga làm việc sản xuất rau, họ cảm phục ý chí, tinh thần sáng tạo, sự lao động cần cù của những người Việt Nam tại Volgagrat. Hy vọng rằng trên nước Nga, Cộng đồng người Việt sẽ có nhiều điểm tiến hành sản xuất nông nghiệp, trồng rau quả, phát huy thế mạnh của người Việt Nam như Công ty Volga - Việt của ông Dương Hải An


Có thể bạn quan tâm

Nhiều nông dân Sơn Hải 2 đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm Nhiều nông dân Sơn Hải 2 đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm

Nhằm tiết kiệm nguồn nước cũng như để duy trì sản xuất trong mùa khô hạn, nhiều nông dân ở thôn Sơn Hải 2 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) đã chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhờ đó nhiều diện tích đất trước đây vào mùa khô thường bỏ hoang hoặc cho năng suất cây trồng thấp, nay đã được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả.

24/04/2015
Cây bắp lai ngự trị trên đất lúa kém hiệu quả Cây bắp lai ngự trị trên đất lúa kém hiệu quả

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi 642 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại màu, đến nay huyện Tiểu Cần đã chuyển đổi được 141ha đất giồng cát, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 02 vụ màu – 01 vụ lúa, hoặc chuyên sản xuất cây màu, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân tại các khu vực này.

24/04/2015
Giá lúa gạo giảm Giá lúa gạo giảm

Giá nhiều loại lúa, gạo hiện giảm bình quân khoảng 100 - 150 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tuần.

24/04/2015
Nữ doanh nhân trên vùng cát Nữ doanh nhân trên vùng cát

Sau thời gian chịu khó học hỏi và đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới, giờ đây gia đình chị Phạm Thị Liên ở thôn Tú Loan 2, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch - Quảng Bình) đã có một cuộc sống đủ đầy, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng từ trang trại nuôi đà điểu...

24/04/2015
Chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả và định hướng Chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả và định hướng

Chăn nuôi quy mô nông hộ đang là hình thức phổ biến trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Mô hình này đã giúp cải thiện thu nhập cho nhiều gia đình ở nông thôn, nhưng cũng phát sinh nhiều mối nguy về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...

24/04/2015