Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quản lý dịch hại tổng hợp ở Lâm Đồng

Quản lý dịch hại tổng hợp ở Lâm Đồng
Ngày đăng: 29/10/2015

Kiểm tra thành phần thiên địch và sâu bệnh gây hại trên cây rau VietGAP Lâm Đồng

Theo thống kê, Lâm Đồng hiện có hơn 56.000ha đất sản xuất rau, củ, quả các loại, đạt tổng sản lượng hàng năm khoảng gần 2 triệu tấn.

Trong đó diện tích rau được trồng nhiều nhất là rau họ thập tự (cải bắp, súp lơ, cải thảo, cải dưa…) từ 14.000 - 15.000ha và diện tích các loại cà (cà chua, cà tím, khoai tây, ớt các loại…) từ 11.000 - 12.000ha.

“Được trồng quanh năm, chế độ đầu tư thâm canh cao, các loài rau họ thập tự và họ cà ở Lâm Đồng không phải là cây trồng bản địa, nên dịch hại luôn là những vấn đề nan giải, áp lực trong quản lý, trong khi các loài thiên địch vẫn còn thiếu vắng…” - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.

Bởi vậy, từ năm 1995, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã bắt đầu nghiên cứu, thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau với các hoạt động như:

Đào tạo IPM cho đội ngũ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân nòng cốt; thành lập các câu lạc bộ IPM, phòng trừ sinh học; triển khai các đề tài nghiên cứu quản lý dịch hại cấp tỉnh, các chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy các biện pháp phòng trừ tổng hợp trên cây rau;

Nhập nội và nhân thả ong ký sinh Diadegma semiclausum; bảo vệ một số loài thiên địch bản địa như: ong Cotesia plutellae, bọ xít mù thuốc lá Nesidiocoris tenuis…

Kết quả đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng đội ngũ giảng viên IPM trên cây rau với 32 người, trong đó mỗi giảng viên tham gia đào tạo, tập huấn cho người nông dân ít nhất là 5 lớp học trực tiếp trên đồng.

Nếu tính từ năm 1997 đến nay, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức gần 65 lớp huấn luyện IPM cho hơn 2.000 lượt nông dân tham dự.

Với thời gian tập huấn từ 15 - 17 tuần (mỗi tuần tập huấn một ngày, kéo dài hết một vụ gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch rau), tất cả nông dân tham dự được đánh giá đã nắm vững 4 nguyên tắc thực hành IPM là: trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên và nông dân là chuyên gia đồng ruộng.

Sau các lớp tập huấn, Lâm Đồng đã thành lập 8 nhóm nông dân IPM làm khoa học (PAR), mỗi nhóm gồm từ 7 - 14 nông dân.

Đã có 8 nội dung nghiên cứu của nhóm PAR được ứng dụng hiệu quả trên canh tác các loại rau, từ đó giải quyết nhiều khó khăn đặt ra trong việc quản lý và phòng trừ dịch hại tổng hợp.

Đối với các câu lạc bộ IPM trên cây rau, củ, quả ở Lâm Đồng đã thường xuyên duy trì sinh hoạt từ 1 - 2 lần/tháng với những nội dung tập trung đi sâu vào từng chuyên đề kỹ thuật phòng trừ các loại sâu bệnh hại, đồng thời tổ chức khảo nghiệm, đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu để phòng trừ dịch hại tổng hợp trên nhiều diện tích sản xuất rau của hộ nông dân địa phương.

Bên cạnh đó, với 4 câu lạc bộ phòng trừ sinh học, qua quá trình hoạt động đã tích cực ứng dụng các biện pháp phòng trừ sinh học trên mỗi vườn sản xuất rau, sau đó chọn từng mô hình làm điểm nhân thả ong Diadegma semiclausum ký sinh sâu tơ để phát tán đàn ong thiên địch sinh trưởng trên khu vực sản xuất rộng lớn hơn.

Đáng kể thêm, qua hoạt động IPM, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã xác định các thành phần thiên địch bên cạnh các thành phần sâu hại trên 2 họ rau thập tự và họ cà.

Cụ thể, ở cây rau bắp cải với 7 loài thiên địch thuộc 5 bộ là: bộ nhện (Araneae), bộ cánh cứng (Coleoptera), bộ cánh màng (Hymenoptera), bộ cánh da (Dermaptera), bộ 2 cánh (Diptera); 8 loài của 4 bộ côn trùng gây hại là: bộ cánh vảy (Lepidoptera), bộ cánh đều (Homoptera), bộ cánh cứng (Coleoptera) và bộ hai cánh (Diptera).

Và ở các loại cây ớt ngọt, cà chua, khoai tây với 5 loài thiên địch là nhện linh miêu (Oxyopes javanus), nhện sói (Lycosa pseudoannulata), bọ rùa (Coccinella transversails), ruồi ăn rệp (Lschiodon scutellaris), bọ xít mù thuốc lá (Nesidiocoris tenuis); 16 loài sâu hại thuộc các bộ côn trùng như: bộ ve bét (Acari), bộ cánh vảy (Lepidoptera), bộ cánh đều (Homoptera), bộ cánh nửa (Hemiptera), bộ cánh cứng (Coleoptera), bộ cánh cứng (Coleoptera) và bộ hai cánh (Diptera)…

Riêng loài bọ xít mù thuốc lá, một loài thiên địch bản địa được ngành nông nghiệp Lâm Đồng nghiên cứu, nhân nuôi thành công và ứng dụng khả năng tiêu diệt rất cao đối với ấu trùng và nhộng bọ phấn trắng gây hại trên cây cà chua ở 2 địa bàn trọng điểm là Đức Trọng và Đơn Dương.

Trong thời giai tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các biện pháp IPM trên cây rau họ thập tự và họ cà, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục nghiên cứu các thành phần thiên địch và dịch hại trên các loại cây trồng khác như: dâu tây, atiso, bó xôi…

Đồng thời sẽ nhập nội các loài thiên địch ký sinh, thiên địch bắt mồi để quản lý nhiều loại côn trùng chích hút gây hại rau như: bọ phấn, bọ trĩ, nhện đỏ… và nhân thả ong mật thụ phấn trên một số cây rau ăn quả ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.


Có thể bạn quan tâm

Lợn Tăng Giá Và Tính Bền Vững Của Chăn Nuôi Trang Trại Lợn Tăng Giá Và Tính Bền Vững Của Chăn Nuôi Trang Trại

Mặc dù một thời gian dài vào giữa năm 2013, thịt lợn hơi giảm giá mạnh làm cho người chăn nuôi không lãi nhiều nhưng vẫn cầm chừng đàn và với sự tính toán, nắm bắt nhu cầu thị trường, từ tháng 9/2013, nông dân tăng đàn để đảm bảo lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong Tết Nguyên đán. Đúng vào thời điểm này, giá thịt lợn tăng trở lại tạo điều kiện để người chăn nuôi nâng cao thu nhập.

18/12/2013
Phủ Xanh Cát Trắng Nhờ Đa Dạng Hóa Cây Trồng Phủ Xanh Cát Trắng Nhờ Đa Dạng Hóa Cây Trồng

Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là vùng đồng bằng ven biển có diện tích tự nhiên khá lớn nhưng 3/4 diện tích là đất cát bạc màu, hàng năm phải đối mặt với hạn hán, đất nghèo sinh dưỡng, cát lấp và cát bay.

07/01/2014
Cam Canh, Bưởi Diễn Vào Mùa Đón Tết Cam Canh, Bưởi Diễn Vào Mùa Đón Tết

Cụ thể, đối với vùng thấp thì đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa ngắn ngày, chất lượng vào gieo cấy; đối với vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả thì chuyển sang đào ao nuôi trồng thuỷ hải sản; còn vùng đồi núi thấp thì trồng cây ăn quả.

18/12/2013
“Xã Triệu Phú” Nhờ Trồng Ớt “Xã Triệu Phú” Nhờ Trồng Ớt

Nhiều năm trước, Trấn Dương là xã nghèo của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vì hầu hết diện tích canh tác đều cấy lúa, năng suất thấp. Từ khi đưa cây ớt về "ngự trị", nhiều hộ nông dân ở đây đã phất lên nhanh.

07/01/2014
Thu Tiền Tỷ Từ Thanh Long Ruột Đỏ Thu Tiền Tỷ Từ Thanh Long Ruột Đỏ

Những ngày qua, tuy thương lái từ Bình Thuận tấp nập đến tranh nhau mua trái thanh long ruột đỏ với giá ngất ngưởng từ 70-80 ngàn đồng/kg, nhưng người trồng thanh long ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vẫn không có hàng để bán. Nhiều nhà vườn ở đây tính toán, nếu trái thanh long giữ được mức giá như hiện nay, chỉ với 1 hécta, nông dân có thể thu nhập trên 2 tỷ đồng.

18/12/2013